Triển khai ngân hàng số các ngân hàng sẽ đối mặt không ít khó khăn.

Triển khai ngân hàng số các ngân hàng sẽ đối mặt không ít khó khăn.

Khung pháp lý về ngân hàng số còn chậm  

Các ngân hàng hoạt động dưới khuôn khổ của pháp luật, do đó mọi chiến lược kinh doanh ngân hàng số phải đảm bảo tuân thủ pháp lý.

Tuy nhiên, do tốc độ phát triển công nghệ nhanh, trong khi việc ban hành các quy định pháp lý đòi hỏi có nhiều thời gian, quy trình thủ tục ban hành, triển khai… nên đã ảnh hưởng đến phát triển một số dịch vụ ngân hàng số tại các ngân hàng.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh từng nhận định, về mặt khung khổ pháp lý, cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, giúp đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử. Sớm ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử và xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng trên môi trường mạng.

Về dữ liệu, cần sớm hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; có cơ chế cho phép ngành ngân hàng được kết nối và khai thác, chia sẻ thông tin trực tuyến từ cơ sở dữ liệu này để phục vụ việc đối chiếu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử.

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số bắt kịp với xu hướng thế giới mà vẫn đảm bảo an toàn trong giao dịch tài chính, trước hết cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế số Việt Nam nói chung và mô hình kinh doanh mới; trong đó có lĩnh vực tài chính tiền tệ như ngân hàng số và Fintech.

Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu bao gồm cả dữ liệu cá nhân, dữ liệu doanh nghiệp, công ty để việc xác thực và giao dịch mua bán được tiến hành thuận lợi, chính xác và nhanh chóng. Và cần sự vào cuộc của các bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp để tạo ra những hệ sinh thái tiện lợi, mang đến nhiều tiện ích cho các tổ chức tín dụng.

Bảo mật thông tin khách hàng

Xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi. Cụ thể, rủi ro lộ SMS OTP, rủi ro từ người thân, rủi ro từ tài khoản giả mạo, mua bán dùng chứng minh thư giả để mở tài khoản. Khi khách hàng bị lừa tiền, tiền chuyển rất nhanh qua các tài khoản giả mạo.

Bảo mật trên không gian số đặt ra nhiều thách thức với ngành ngân hàng.

Bảo mật trên không gian số đặt ra nhiều thách thức với ngành ngân hàng.

Điều này dẫn đến không định danh được người thực hiện giao dịch, khó khăn trong điều tra thu hồi tiền cho khách. Ông Nguyễn Đức Tuân, quyền Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - Cục An toàn Thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo tình trạng tấn công mạng đang diễn ra khá phổ biến. Trong đó, lĩnh vực tài chính chiếm khoảng 51% các vụ lừa đảo trên mạng trong năm 2019 (năm 2018 là 44,7%). Lợi ích tài chính là động cơ chính của tội phạm mạng chiếm đến 86%. Khoảng 30% sự cố an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính là do cuộc tấn công ứng dụng web.

Dẫn giải về một số cuộc tấn công mạng lớn tại Việt Nam như vụ việc một ngân hàng thương mại bị lộ hai triệu dữ liệu khách hàng, ông Tuân nhấn mạnh: Các sự cố thường gặp như dữ liệu không được mã hóa, phần mềm độc hại, dịch vụ bên thứ ba không an toàn, dữ liệu bị thay đổi trái phép, tấn công giả mạo… Đặc biệt, xu hướng tấn công chủ đích (APT) ngày càng gia tăng số lượng và mức độ tinh vi.

Bên cạnh nhiều tiện ích mang lại cho khách hàng, phát triển ngân hàng số đang đối mặt với vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, khi ngành ngân hàng luôn là mục tiêu số một của tội phạm công nghệ. Việc kiểm soát thông tin dữ liệu cũng đặt ra câu hỏi có cần sự kiểm soát của bên thứ ba hay không. Các Ngân hàng được yêu cầu cung cấp cho nhà cung cấp bên thứ ba (TPP) quyền truy cập trực tiếp vào thông tin liên quan đến việc chấp thuận tài khoản thanh toán của khách hàng để đảm bảo việc thanh toán. Sáng kiến Ngân hàng mở (CMA Open Banking Mandate and PSD Mandate) hiện đang được nhiều nước sử dụng, yêu cầu các Ngân hàng lớn nhất quốc gia sử dụng giao diện lập trình ứng dụng (API) cho phép truy cập vào dữ liệu của khách hàng.

Việc số hóa đòi hỏi sự bảo mật thông tin, do đó cần có hành lang pháp lý và quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ quyền riêng tư. Châu Âu đã ra quy định bảo vệ dữ liệu chung 2016/679 và yêu cầu tất cả các tập đoàn lớn như Google, Facebook phải tuân theo. Một số đạo luật Việt Nam đang tham khảo như đạo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân 2012 của Singapore, sắc lệnh về dữ liệu cá nhân của Hồng Kông. Bên cạnh đó, yêu cầu về an ninh mạng cũng cần có hành lang pháp lý, như luật an ninh mạng và truyền dữ liệu xuyên quốc gia của Trung Quốc, Singapore.

Thiếu nhân sự số

Một ngân hàng truyền thống chuyển mình thành ngân hàng số thì cần có sự đầu tư lớn, quyết liệt để đạt được tốc độ cần có, bắt nhịp với thị trường, khách hàng và tạo được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ lớn trên thương trường, theo ông Đào Trung Thành, chuyên gia về lĩnh vực Viễn thông và Công nghệ thông tin. Trong đó, nguồn nhân sự cần phải được huấn luyện, đào tạo lại, cùng với chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là ở lĩnh vực phát triển công nghệ AI, Big data, RPA, API, IoT…

Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng tạo ra nhiều vị trí công việc mà trước đây chưa từng có, như chuyên gia an ninh mạng, kỹ sư lập trình robot, kỹ sư blockchain, nhân viên phân tích tín dụng định lượng.

Bên cạnh đó, chuyển đối số cũng tạo ra những yêu cầu khắt khe hơn về nhân sự từ phía các ngân hàng. Một lãnh đạo ngân hàng từng chia sẻ, nhân viên ngân hàng trong thời đại số không chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ mà còn cần có kiến thức về kỹ thuật số và năng lực về công nghệ thông tin, khả năng thích nghi và làm chủ được các tiến bộ công nghệ như kỹ năng sử dụng vi tính, Internet, blockchain, fintech…

Trước những đòi hỏi cao đó, nguồn nhân lực phù hợp để tuyển dụng trở nên cung không đủ cầu. Theo các chuyên gia, việc tìm kiếm và xây dựng nhân sự công nghệ không hề dễ dàng bởi đây là một ngành đặc thù, đòi hỏi nhân sự phải có hiểu biết về chuyên môn và nghiệp vụ ngân hàng. Mặt khác, đào tạo và củng cố bộ máy làm việc thực tế lại chưa thể theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, gây ra tình trạng khan hiếm nhân sự chuyển đổi số trên thị trường.

“Cơn khát” nhân sự chất lượng cao của ngành Ngân hàng cũng khiến điểm tuyển sinh đầu vào tại các trường đại học, cao đẳng ngành này liên tục tăng. Đơn cử, tại Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, năm 2019 điểm chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng là 21,75 điểm thì đến năm 2020 là 24,85 điểm. Riêng trong năm 2021, thí sinh phải đạt 862/1200 điểm bài thi đánh giá năng lực - mức điểm chuẩn cao Top đầu trong các mã ngành của trường - mới được vào học.

Chưa chú trọng phương pháp Agile

Hiện trạng hiện nay nhiều doanh nghiệp và ngân hàng khi nói đến chuyển đổi số, số hóa đều chú trọng đến công nghệ, tuy nhiên, khi đã áp dụng công nghệ, cũng cần thay đổi quy trình làm việc truyền thống để phù hợp. Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch của Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY Consulting VN) cho rằng các ngân hàng vẫn còn phương thức làm việc theo lối cũ, phương thức này chưa có tư duy làm việc theo phương pháp Agile (Agile Software Development, có nghĩa là phương thức phát triển phần mềm linh hoạt, được ứng dụng trong quy trình phát triển phần mềm với mục tiêu là đưa sản phẩm đến tay người dùng càng nhanh càng tốt).

Trong báo cáo “Ứng dụng Ngân hàng số tại Việt Nam khi lấy khách hàng làm cốt lõi” được MBBank phát hành vào cuối tháng 6/2021, MBBank nhận định, việc triển khai một hoạt động kinh doanh Ngân hàng kỹ thuật số mới thành công đòi hỏi sự kết hợp giữa nghiên cứu người tiêu dùng truyền thống và hiểu biết sâu sắc, theo thời gian thực về hành vi và “nỗi đau” (Pain Points) của khách hàng. Thực hiện phương pháp Agile để tạo ra nhanh chóng những sản phẩm khả thi tối thiểu (Minimum Viable Product – MVP) đưa ra thị trường và nhận phản hồi rồi thay đổi để cải thiện trải nghiệm khách hàng trên tất cả các điểm tiếp xúc trong hành trình khách hàng (Customer Journey).

Trong chiến lược “lấy khách hàng làm trung tâm”, tại Việt Nam MBBank đã nâng cấp hệ thống nhằm tối ưu hóa và mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng bằng cách thực hiện lắng nghe trên kênh eMBee Chat ngay trên App MBBank hay trong Group Facebook “MB và Khách hàng thân thiết” nhằm tiếp cận trực tiếp, xử lý nhanh chóng yêu cầu từ khách hàng. Từ đó, áp dụng phương pháp Agile để cải tiến sản phẩm, phục vụ khách hàng tốt hơn. Ngoài ra, với mục đích làm giảm những lo ngại về an toàn bảo mật, trở ngại về không gian, thời gian, nhiều Ngân hàng đã tiến hành thực hiện quy trình định danh khách hàng điện tử (eKYC) như MBBank, VPB, TPB, HDB, Viet Capital Bank, NCB...

Kỳ IV: Xu hướng ngân hàng số