>> PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Cần có các giải pháp đúng và trúng

Nâng chất lượng xếp hạng tín nhiệm

Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính, thời gian vừa qua, chúng ta phát hành và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là đúng theo thông lệ, theo sự vận hành của thị trường tài chính và đặc biệt, đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận doanh nghiệp khi việc tiếp cận vốn trung dài hạn đối với hệ thống ngân hàng đang bị thắt chặt lại. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã hình thành một số văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức Nghị định để làm căn cứ pháp lý cho việc triển khai thị trường. Mặc dù chưa phải dưới hình thức luật như Luật chứng khoán, nhưng cái cần và đủ để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam đã có.

Năng lực của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm là vô cùng quan trọng. Không nên quan trọng số lượng nhiều hay ít

Năng lực của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm là vô cùng quan trọng. Không nên quan trọng số lượng nhiều hay ít

“Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, chúng ta còn thiếu xếp hạng tín nhiệm. Vừa qua, khi triển khai các loại trái phiếu doanh nghiệp đặc biệt của bất động sản, tôi cho rằng hàng hóa đó không phù hợp với thông lệ quốc tế, bởi vì nó phải dựa trên xếp hạng doanh nghiệp, xếp hạng tín nhiệm của nhà phát hành thì lại bị coi nhẹ”, TS Vũ Đình Ánh cho biết.

Về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp tại Việt Nam, nên khuyến khích hay bắt buộc cần phải cân nhắc. Chẳng hạn, thời gian đầu là bắt buộc và khi thị trường phát triển tốt lên thì giãn dần ra. Nhưng Việt Nam có quá ít công ty xếp hạng tín nhiệm, nên cho phép thành lập nhiều công ty hơn, rút ngắn thời gian xếp hạng để không làm mất cơ hội của doanh nghiệp. Song song với đó là xem thời gian xét duyệt, quy trình thủ tục cần nhanh hơn.

Thực tế, cũng có những doanh nghiệp đã được xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức quốc tế như Moody’s, S&P, Fitch,... thì sẽ không cần thiết phải xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam. Để thấy rằng, năng lực của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm là vô cùng quan trọng. Không nên quan trọng số lượng nhiều hay ít, nếu các công ty ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu và chứng minh được năng lực thì thị trường sẽ sẵn sàng đón nhận.

Trả lời cho vấn đề làm thế nào để xác định số lượng công ty xếp hạng tín nhiệm là vừa đủ, ông Phùng Xuân Minh, Tổng Giám đốc CTCP Sài Gòn Phát Thịnh Ratings (Saigon Ratings) cho rằng, theo nghiên cứu, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thế giới và tổ chức xếp hạng tín nhiệm địa phương có các điểm như: Xếp hạng tín nhiệm quốc tế có 3 tổ chức cung cấp hơn 95% dịch vụ xếp hạng tín nhiệm toàn cầu;  Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan có 03 tổ chức; Philippines và Đài Loan có số lượng tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã ổn định vài thập kỷ đến nay và hiện nay các nền kinh tế này, có GDP lớn hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng các tổ chức này đang vận hành hoạt động tốt, hiệu quả và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường ở các nước sở tại.

"Kinh nghiệm nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, các tổ chức có uy tín và thành công của thế giới phải trải qua quá trình đầu tư và vận hành phát triển hàng thập kỷ mới tạo dựng được uy tín thương hiệu và giá trị các nguồn lực cần thiết. Đối với Việt Nam, Chính phủ nên tham khảo kinh nghiệm quản lý quản lý phát triển thị trường trái phiếu các quốc gia phát triển ở Châu Á đã thực hiện thành công.

Chúng tôi được biết, quan điểm của Ngân hàng ADB kiến nghị Chính phủ Việt Nam chỉ nên có 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm là vừa đủ và phù hợp với quy mô phát triển thị trường trái phiếu trong trung và dài hạn. Nhiều tổ chức hơn sẽ làm cho thị trường trở nên kém hấp dẫn và có thể dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh", ông Minh nói.

Vì thế, ông Minh cho rằng hệ thống pháp luật cần từng bước điều chỉnh theo hướng nâng cao dần quy định về các điều kiện và tiêu chuẩn rào cản tham gia ngành và chuyên môn đảm bảo yêu cầu cao cho 3 tổ chức tổ chức xếp hạng tín nhiệm đó. “Thay vì thực hiện chính sách cho ra đời nhiều tổ chức không đủ điều kiện, yếu kém năng lực và có thể tạo ra những vấn đề hệ luỵ nguy hiểm trên thị trường, cho cả hệ thống doanh nghiệp được xếp hạng và nền kinh tế quốc gia”.

>> PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: 9 nội dung kiến nghị

Tăng cường kiểm toán

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Viện Kế toán - Kiểm toán, ĐH Kinh tế Quốc dân, để thị trường phát triển một cách bền vững hiệu quả thông tin công bố của doanh nghiệp, trái phiếu doanh nghiệp cần phải được xếp hạng bởi các tổ chức chuyên môn có vị trí độc lập, khách quan. Các ý kiến đánh giá của họ với trái phiếu sẽ là cơ sở rất tốt để nhà đầu tư có thể hiểu được chất lượng trái phiếu và đưa ra quyết định mua sắm theo khẩu vị rủi ro của mình.

Cần tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm toán thông tin của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Cần tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm toán thông tin của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm toán thông tin của các doanh nghiệp phát hành, với một số vấn đề cần lưu ý như: Thứ nhất, theo Nghị định 153/2020/NĐ-CP, chúng ta quy định phải báo cáo tài chính của năm liền kề và ý kiến của báo cáo viên đưa ra phải chấp nhận toàn phần; nếu kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ thì không được liên quan đến trái phiếu phát hành. Nhưng báo cáo tài chính chỉ thể hiện kết quả của một năm và kiểm toán báo cáo tài chính trong năm liền kề cũng không phản ánh đúng năng lực thực tế của doanh nghiệp, vì kết quả tài chính trong một năm chỉ là kết quả ngắn hạn, thậm chí không tương thích với năng lực tài chính thực tế của doanh nghiệp.

Ví dụ, để có gia tăng lợi nhuận trong một năm, doanh nghiệp có thể điều chỉnh các chi phí như chi phí đào tạo, quảng cáo, chi phí nghiên cứu phát triển, xây dựng, sang năm sau; lập tức lợi nhuận trong năm liền kề sẽ lên rất cao so với lãi suất cũng như các khoản nợ cần chi trả, thì khả năng chi trả của doanh nghiệp khi đó rất tốt. Do đó, kiểm toán báo cáo tài chính trong một năm chỉ đánh giá được kết quả của doanh nghiệp trong ngắn hạn.

Thứ hai, trái phiếu liên quan đến lợi ích của nhà đầu tư phát sinh trong tương lai, trong khi báo cáo tài chính lại liên quan đến kết quả trong quá khứ, mà kết quả trong quá khứ không thể hiện việc tương lai doanh nghiệp cũng đạt được điều đó. Vì vậy, cần phải tăng cường độ tin cậy thông tin và kiểm toán bắt buộc đối với phương án phát hành trái phiếu chứ không chỉ kiểm toán báo cáo tài chính của năm liền kề. Tại Nhật Bản, đây là quy định bắt buộc khi doanh nghiệp phát hành, thì bản cáo bạch phải được kiểm toán, có ý kiến của kiểm toán độc lập, để làm cơ sở nâng cao tính khách quan cho thông tin về trái phiếu trước khi nhà đầu tư ra quyết định đầu tư.

Bổ sung thêm ý kiến của mình, TS Vũ Đình Ánh khẳng định, về mặt nguyên tắc, doanh nghiệp dựa vào uy tín để phát hành trái phiếu và uy tín đó được xác lập bởi các công ty xếp hạng tín nhiệm độc lập. Các công ty này cũng phải có uy tín, do đó câu chuyện xếp hạng tín nhiệm là nền tảng, căn cứ để chúng ta phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhưng rất tiếc trong thời gian vừa qua lại chưa làm được.

Như vậy, đây là việc phải làm ngay vì sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp dù muộn còn hơn không. Đồng thời là nền tảng, cơ sở cho phát triển toàn bộ thị trường, cũng như từng bộ phận trái phiếu và để bảo vệ lợi ích cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là lợi ích cho các nhà đầu tư.