>>> Cuộc đại dịch chuyển tạo nên những trung tâm mới

Nếu như cách đây hơn mười năm, khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, hầu như mọi nguồn lực của nhà nước và tư nhân được đổ về phía Tây và Tây nam Thành phố biến khu vực này thành điểm đến hấp dẫn, sôi động và là “cái máy in tiền” của các nhà đầu tư BĐS.

Phía Đông Thủ đô lột xác với những kỳ quan đô thị xác lập nhiều kỷ lục trong nước và quốc tế

Phía Đông Thủ đô lột xác với những kỳ quan đô thị xác lập nhiều kỷ lục trong nước và quốc tế

Chỉ sau 10 năm, những vùng đất bỏ không ở phía Tây đã thay da đổi thịt, hình thành một trung tâm mới hiện đại và đáng sống bậc nhất Thủ đô với hạ tầng đồng bộ, tiện ích đủ đầy. Hệ thống cầu đường bộ được xây dựng, cải tạo, như Đại lộ Thăng Long, đường vành đai 3 - 3,5; trục Lê Văn Lương - Tố Hữu, đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông), Nguyễn Xiển - Xa La…đã tạo nên mạng lưới giao thông siêu kết nối. Những tuyến giao thông công cộng hiện đại như đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, buýt nhanh BRT... hay  tuyến metro số 5, 6, 7 được kỳ vọng  là “đòn bẩy" tạo nên sự phát triển đột phá cho cả khu vực và trung tâm Hà Nội.

Nhiều bộ, ngành cũng dịch chuyển về phía Tây, như Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục Hải quan… hàng ngàn doanh nghiệp lớn, nhỏ trong và ngoài nước cũng chọn phía Tây để khởi nghiệp.

Nhiều tập đoàn BĐS lớn như Vingroup, Vinaconex, Geleximco, BIM Group, Nam Cường… đã sớm tạo lập ở đây với những khu đô thị mới thời thượng, tiện ích, tiện nghi như Vinhomes Smart City, Vinhomes Green Bay, Bắc An Khánh, Dương Nội... cùng với đó là hệ thống khách sạn 5 sao JW Marriott, Grand Plaza; các trung tâm thương mại cao cấp như Vincom, Aeon Mall, BigC, Co.op Mart…; các trường học nổi tiếng, bệnh viện lớn như hệ thống trường liên cấp Vinschool, Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, Bệnh viện K Tân Triều, Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội, các Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, Hồng Ngọc, Thu Cúc…

Sự phát triển từng bước phía Tây Hà Nội theo quy hoạch được duyệt dần mang lại tầm vóc mới cho đô thị Hà Nội theo mô hình đa cực trong thời kỳ chuyển đổi số. 

Vẫn còn một phía Đông như thế…

Nói như vậy không có nghĩa là phía Đông Thành phố này bị lãng quên. Sau khi Quận Long Biên được thành lập theo Nghị định 132/2003/NĐ-CP ngày 06/12/2003 của Chính phủ, với diện tích 6.038,24 ha với dân số hơn190.000 người. Đây là quận có vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, là vị trí cửa ngõ phía Đông của Hà Nội nối liền với trục tam giác kinh tế Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh, một trục kinh tế sôi động hội nhập nền kinh tế trong khu vực và thế giới. Đó là những yếu tố cơ bản thuận lợi tạo nên sức hút lớn cho thị trường BĐS khu vực phía Đông này.

Nút giao Cổ Linh 6 đường đấu nối trung tâm phía Đông tới các trục giao thông huyết mạch

Nút giao Cổ Linh 6 đường đấu nối trung tâm phía Đông tới các trục giao thông huyết mạch

Dự án khu đô thị sinh thái hiện đại bậc nhất Việt Nam Ecopark có quy mô lên tới 500 ha (thuộc địa giới huyện Văn Giang, cách Hà Nội 20 km) do công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico) làm chủ đầu tư chính thức khởi công ngày 28/8/2009 là một trong số ít khu đô thị mới đầu tiên ở phía Đông Thành phố, như Việt Hưng, Sài Đồng, Vinhomes Riverside…

Kể từ đó đến nay, rất nhiều dự án khu đô thị được triển khai với sự phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại do Nhà nước đầu tư liên kết Hà Nộivới các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái… hay đường hàng không là sân bay Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn. Đường biển, là cảng quốc tế Lạch Huyện, Cái Lân...

Đặc biệt sau khi đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (tỷ lệ 1/5.000) được UBND TP Hà Nội phê duyệt ngày 31/3/2022, tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND. Theo đó, đồ án có quy mô gần 11.000 ha trải dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.

Sau nhiều lần lập Quy hoạch chung Hà Nội, lần này sông Hồng đã được đưa vào giữa Thủ đô, biến hai bên bờ sông trở thành đô thị xanh với những không gian xanh, không gian cảnh quan văn hóa lịch sử. Ngoài cầu Long Biên, Thăng Long, Chương Dương cũ thì với những cây cầu đã xây dựng như Nhật Tân, Vĩnh Tuy 1, 2; Thanh Trì; Đông Trù; rồi sắp tới đây là cầu Đuống mới, cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo… tất cả tạo thành hệ thống cầu hiện đại, nối hai bờ sông Hồng.

Nhận thức được tiềm năng phát triển của phía Đông, với tầm nhìn chiến lược, Tập đoàn Vingroup đã và đang triển khai một loạt dự án BĐS có sự kết nối đô thị rõ ràng, mạch lạc, với triết lý đem đến cho cộng đồng các không gian sống hiện đại, tiện nghi và bền vững như Vinhomes Ocean Park 1-2-3.

Vinhomes Ocean Park

Vinhomes Ocean Park là khu đô thị đáng sống nằm ở phía Đông Hà Nội

Tới đây, năm 2023 Quận Gia Lâm được thành lập; Vành đai 4, kết nối Hà Nội với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc được triển khai xây dựng; cùng các dự án BĐS phía Đông và phía Tây sông Hồng của Vingroup và nhiều nhà đầu tư lớn khác như Ecopark, Masterise Homes, BRG, Eurowindow... thì trong vài năm tới, khu Đông Hà Nội sẽ là cực kinh tế quan trọng tại miền Bắc nước ta.

Nơi đất lành chim đậu

Với quỹ đất rộng, có nhiều không gian phát triển, là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh triển khai các khu đô thị quy mô lớn, tích hợp đa dạng tiện ích, dịch vụ, định hình những chuẩn mực sống cao cấp, chinh phục tầng lớp cư dân mới có trình độ và khả năng thích nghi trong môi trường sống hiện đại, năng động phù hợp với thời kỳ phát triển của công nghệ số và số hóa. Đây là điều kiện để tạo dựng nên những không gian sống chất lượng cao, có văn hóa, có bản sắc.

Khu đô thị Ecopark, các dự án Vinhomes Ocean Park 1,2 và 3 của Vingroup là những điểm sáng như thế. Tuy nhiên, do gần các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của Hưng Yên, Hải Dương với hàng vạn lao động, nên việc triển khai các dự án nhà ở xã hội cho công nhân là vấn đề rất cấp thiết, mang tính xã hội cao tạo điều kiện để người lao động thu nhập thấp có chỗ ở, nhà ở. Đây là trách nhiệm, là quyết tâm chính trị của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền Thành phố cùng với sự đồng hành sẻ chia của các doanh nghiệp BĐS lớn, tiềm lực kinh tế mạnh.

Nếu được như thế, phía Đông Hà Nội sẽ phát triển bền vững, tạo nên sức hấp dẫn cực lớn để cư dân trong Vùng, đặc biệt là 215.000 dân thuộc 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng dịch chuyển tới như chủ trương của chính quyền Thành phố.

Và, vùng đất phía Đông mãi là nơi “đất lành chim đậu”./.