Bộ Nông nghiệp Philippines vừa công bố dự thảo Thông tư về “Các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm đối với mặt hàng gạo”.

6 tháng, xuất khẩu sang Philippines đạt 1,376 triệu tấn gạo, trị giá 634,26 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 12,89% về lượng và tăng 30,06% về kim ngạch.

6 tháng, xuất khẩu sang Philippines đạt 1,376 triệu tấn gạo, trị giá 634,26 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 12,89% về lượng và tăng 30,06% về kim ngạch.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó đáp ứng

Ông Trần Tuấn Kiệt, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ XNK Dung Nam cho biết, Philippines là thị trường xuất khẩu hàng đầu của gạo Việt Nam, và dù người tiêu dùng Philippines rất ưa chuộng gạo Việt Nam, nhưng khi nước này dựng lên hàng rào an toàn thực phẩm sẽ là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Các tiêu chuẩn này gần giống như các tiêu chuẩn mà trước đây Trung Quốc đặt ra đối với mặt hàng gạo Việt Nam, và như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể tiếp tục xuất khẩu gạo ổn định vào Philippines với khối lượng lớn như hiện nay.

“Căn cứ vào các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm trong thông tư Philippines gửi cho Việt Nam cho thấy nước này đang siết về chất lượng gạo nhập khẩu. Với những quy định trong thông tư có lẽ chỉ những doanh nghiệp lớn mới có khả năng trụ lại được, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ rất khó thích nghi”, ông Trần Tuấn Kiệt cho biết.

Được biết, đầu năm 2020, Philippines dự kiến cử đoàn sang Việt Nam kiểm tra thực tế về vấn đề an toàn thực phẩm tại các nhà máy của doanh nghiệp gạo, nhưng do dịch COVID-19 bùng phát nên kế hoạch này bị dừng lại, sau này khi dịch bệnh ổn định họ sẽ cử đoàn sang.

“Có khả năng Philippines sẽ học theo Trung Quốc chỉ cấp giấy phép xuất khẩu gạo cho những doanh nghiệp nào có nhà máy chế biến đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của họ”, ông Kiệt cho biết.

Trên thực tế, Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và là thị trường số 1 của xuất khẩu gạo Việt Nam. Riêng tháng 6/2020, lượng gạo xuất khẩu sang Philippines được 87,828 ngàn tấn, đạt kim ngạch 42,768 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 44,62% về lượng và giảm 34,9% về kim ngạch.

Cộng dồn 6 tháng, xuất khẩu sang Philippines đạt 1,376 triệu tấn gạo, trị giá 634,26 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 12,89% về lượng và tăng 30,06% về kim ngạch.

Philippines dự kiến nhập khẩu khoảng 2,5 triệu tấn trong năm 2020. Con số này năm 2019 là 2,9 triệu tấn gạo, trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 2,132 triệu tấn, trị giá 885 triệu USD, chiếm 73,44% tổng khối lượng gạo nhập khẩu của nước này.

Thêm 6 tháng “buồn”

Trước khi có động thái siết tiêu chuẩn nhập khẩu gạo, vào cuối tháng 6 vừa qua, Philippines cũng loại bỏ kế hoạch nhập khẩu 300.000 tấn gạo dù đã mở phiên đấu thầu trước đó với 4 quốc gia tham gia đấu thầu, gồm Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan và Myanmar.

Kết quả, có 189.000 /300.000 tấn gạo của 3 quốc gia là Việt Nam, Ấn Độ và Myanmar thỏa mãn các điều kiện phía Philippines đưa ra. Tuy nhiên, sau phiên đấu thầu đó, PITC ra thông báo rằng chỉ mới xếp hạng nhà thầu của phiên đấu thầu trên, chứ chưa công bố kết quả cuối cùng. Theo PITC, việc công bố kết quả thầu phải chờ vào việc giải ngân ngân sách và hợp đồng nhập khẩu sẽ phụ thuộc vào ngân sách từ Chính phủ Philippines. Phiên mở thầu hôm 8/6 chưa được PITC xác nhận hợp đồng cho các bên dự thầu.

Nhiều khả năng Philippines hủy bỏ kế hoạch trên do gặp sự phản đối từ phía nông dân nước này. Cụ thể, thời gian qua, tư nhân Philippines đã nhập khẩu một lượng lớn gạo từ các nước, nên nếu tiếp tục mua vào sẽ tác động xấu đến giá lúa của nông dân.

“Vừa qua, Philippines đã hủy gói thầu tập trung 300.000 tấn (Việt Nam trúng 60.000 tấn) trước khi ký hợp đồng chính thức. Chính vì vậy, các đơn vị dự thầu không được đền bù gì", ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex chia sẻ.

Đặc biệt, Chủ tịch Intimex còn dự báo, xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm sẽ "rất buồn" do thiếu đầu ra. "Các nhà nhập khẩu đã ôm hàng quá nhiều trong các tháng đầu năm, giờ phải lo tiêu thụ hết thì mới tính chuyện nhập tiếp. Gạo lại xuống cấp rất nhanh nên họ sẽ ưu tiên tiêu thụ hàng đã nhập. Họ đã mua nhiều với giá cao, một số doanh nghiệp nhập khẩu đã phải chịu lỗ”, ông Nam chia sẻ.

Khó khăn đầu ra là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang), hơn 3 tuần qua, doanh nghiệp không ký được hợp đồng mới nào. 

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, việc Philippines siết quản lý về an toàn thực phẩm đối với mặt hàng gạo gây khó cho doanh nghiệp cần được Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT phối hợp để cùng làm việc với phía Chính phủ Philippines.

Tuy nhiên, đánh giá về xu hướng gia tăng tiêu chuẩn của các thị trường với mặt hàng gạo, Chủ tịch Intimex cũng thẳng thắn rằng, không riêng Philippines nhiều thị trường như EU hay ngay cả Trung Quốc cũng siết chất lượng, do đó, Việt Nam phải cố làm theo, nâng chất lượng tốt dần lên.

“Doanh nghiệp phải kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất. Để làm được điều này, phải xây dựng được vùng nguyên liệu lớn với sự tham gia của nông dân, HTX, chính quyền, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng kiểm soát lẫn nhau để bảo vệ lợi ích chung. Tuy khó nhưng chắc chắn ngành gạo phải làm để tiếp tục xuất khẩu”, ông Nam đề xuất.