Tại Lễ Công bố Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển thành phố Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định Đà Nẵng có vai trò là đô thị lớn, là đầu tàu, động lực phát triển, là trung tâm kinh tế - xã hội, văn hoá - giáo dục. Thành phố Đà Nẵng có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng – an ninh của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước.

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và vị trí chiến lược của mình, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị khoá IX về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, thành phố đáng sống. Kinh tế duy trì nhịp độ tăng trưởng khá, các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn được chú trọng phát triển. Kết quả đạt được trong giai đoạn 2016 – 2019 là khá toàn diện. Hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng và tương đối hiện đại. Môi trường đầu tư được cải thiện, du lịch phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao các Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao các Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung Đà Nẵng ngày 29/3.

Đối với thành phố Đà Nẵng, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định xây dựng thành phố Đà nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ. Là một trong những trung tâm văn hoá – thể thao, giáo dục – đào tạo y tế chất lượng cao, khoa học công nghệ phát triển của đất nước, trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế và là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên.

"Để đạt được những mục tiêu này, cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua và ban hành Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Đây là Nghị quyết rất quan trọng, thể chế hóa một số nội dung Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, là căn cứ pháp lý tạo bước đột phá, để xây dựng tổ chức chính quyền, phù hợp với đặc điểm và điều kiện phát triển đô thị Đà Nẵng. Đồng thời, mở ra nhiều cơ chế, chính sách, đảm bảo tính chủ động, tạo động lực phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến", Phó Thủ tướng thông tin.

cần phải mở rộng không gian phát triển, có những điều chỉnh, bổ sung, cập nhật cho phù hợp để khai thác tiềm năng, lợi thế, vị trí, tài nguyên để phát triển Đà Nẵng, huy động và phân bổ các nguồn lực cho đầu tư phát triển một cách bền vững,

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng Đà Nẵng cần phải mở rộng không gian phát triển, có những điều chỉnh, bổ sung, cập nhật cho phù hợp để khai thác tiềm năng, lợi thế, vị trí, tài nguyên để phát triển Đà Nẵng, huy động và phân bổ các nguồn lực cho đầu tư phát triển một cách bền vững.

Cũng theo Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng, sau hơn 7 năm thực hiện Quy hoạch chung năm 2013, đến nay nhiều nội dung đã không còn phù hợp với tình hình, tầm nhìn mới hiện nay như một số dự báo còn thiếu chính xác, đặc biệt là dự báo về dân số. Việc triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung chưa liên tục, kịp thời, đồng bộ, công tác quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng chưa đáp ứng do thiếu các hướng dẫn kiểm soát phát triển và tư duy quy hoạch và phát triển đô thị chưa tiên tiến. 

"Do đó, cần phải mở rộng không gian phát triển, có những điều chỉnh, bổ sung, cập nhật cho phù hợp để khai thác tiềm năng, lợi thế, vị trí, tài nguyên để phát triển Đà Nẵng, huy động và phân bổ các nguồn lực cho đầu tư phát triển một cách bền vững, thực hiện các mục tiêu mà Bộ Chính trị, cũng như Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã đề ra. Đồng thời, đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngày càng đồng bộ và hoàn thiện", Phó Thủ tướng nói.

Trong đó, Đồ án định vị chiến lược đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu. Đà Nẵng là một Cổng vào của Hành lang Kinh tế Đông Tây, điểm đến phong cách sống toàn cầu. Là Trung tâm du lịch, dịch vụ và trung tâm kinh tế biển của Việt Nam và Khu vực. Đồng thời, bảo đảm tính kết nối, liên kết vùng, trong đó thành phố Đà Nẵng là đô thị hạt nhân của chuỗi các đô thị Huế - Đà Nẵng - Chu Lai - Kỳ Hà - Dung Quất (Vạn Tường) - Quy Nhơn. Tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo mang bản sắc, bền vững.

Đáng chú ý, Đồ án điều chỉnh quy hoạch đã xác định thực hiện mô hình phát triển đô thị theo xu hướng của thế giới là đô thị đa cực, với một số khu vực nén tại khu vực trung tâm và đầu mối giao thông, xen kẽ với các khu vực "rỗng" dành không gian xanh, bảo tồn rừng sinh thái tự nhiên. Đặc biệt, Đồ án đã quan tâm phát triển kinh tế biển, trong đó có hệ thống cảng biển gắn với chiến lược biển, xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố hướng ra biển, làm giàu từ biển.

Để Đà Nẵng thực hiện được những mục tiêu chiến lược này, cùng với việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án ĐTXD bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) với tổng mức đầu tư hơn 3400 tỷ đồng. Đây là bước đi quan trọng trong việc thực hiện các định hướng phát triển thành phố Đà Nẵng, với mục tiêu tăng cường kết nối vùng, liên vùng, và khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy phát triển thông thương hàng hóa của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Miền Trung và Tây Nguyên.

Để thực hiện những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, nắm bắt cơ hội, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và và bền vững, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thành phố Đà Nẵng cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu:

Trước hết, Thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng và toàn vùng, gắn với nhu cầu thị trường trong nước, khu vực và quốc tế; đồng thời gắn với đảm bảo ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.

Trên cơ sở tái cấu trúc, phải tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành, lĩnh vực (đặc biệt là quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch hạ tầng, và các quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật khác).

Đồng thời, đẩy nhanh việc lập Quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, trong đó lấy Quy hoạch Đà Nẵng có vai trò trung tâm trong Đồ án Quy hoạch thành phố Đà Nẵng. Thành phố cần khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Đồ án Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng theo giai đoạn 5 năm, 10 năm và hàng năm. Trong đó, xác định rõ cơ cấu nguồn lực, các công trình, dự án ưu tiên để huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện, tránh phát triển theo phong trào, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước và xã hội.

Thứ hai, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, xác định đây là khâu đột phá trong phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới.

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch, và có kế hoạch. Cần tập trung nguồn lực để chỉnh trang đô thị, xây dựng những khu đô thị mới, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng nông thôn.

Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng cần quan tâm phát triển nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thu nhập thấp, nhà ở công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp. Chú trọng quản lý kiến trúc, cảnh quan gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương.

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền đô thị, một chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thành phố cần tập trung xây dựng bộ máy chính quyền gọn nhẹ, hiệu quả, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề cấp bách ở địa phương;

Thực hành dân chủ và giám sát của người dân phải được tiếp tục phát huy thông qua vai trò của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Trong điều kiện phát triển của đô thị và chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh gắn với chính quyền đô thị là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo quyền giám sát, thực thi quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong quản lý và phát triển.

Cùng với phát triển kinh tế, cần hết sức chú trọng phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển văn hoá, giữ gìn và phát huy các gia trị văn hoá truyền thống; chăm lo đảm bảo an sinh xã hội. Chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. 

Thứ năm, Tăng cường tiềm lực quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đảng bộ, chính quyền các cấp phải quan tâm giải quyết những bức xúc của người dân, không để xảy ra khiếu kiện kéo dài, xảy ra điểm nóng về trật tự, an toàn xã hội.

Đồng thời, cần đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, của cán bộ, đảng viên.

Thứ sáu, đối với Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu: Đề nghị thành phố khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường… sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư đảm bảo các quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ, chất lượng của dự án.

Đối với Đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực, Thành phố khẩn trương tổ chức nghiên cứu, tranh thủ các kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng Trung tâm tài chính quy mô khu vực, cũng như tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan để lập Đề án theo quy định, bảo đảm khả thi, hiệu quả.

Đề nghị các Bộ, ngành trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình cùng với Đà Nẵng triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị định, Quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Đà Nẵng tiếp tục bứt phá, trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ…