Những năm gần đây, các nhà phân tích đã rất kì vọng rằng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng giá trị thặng dư khi mà Việt Nam gia nhập sâu vào các hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt là kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra mang lại nhiều hứa hẹn sẽ tạo rao một lợi thế lớn về thuế quan đối với sản phẩm dệt may từ Việt Nam.

Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú, đơn vị thành viên có quy mô lớn nhất thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex - Mã: VGT) có bề dày hoạt động hơn 50 năm, được xem là cánh chim đầu đàn của ngành dệt may Việt Nam cũng nhận được rất nhiều kì vọng sẽ cùng ngành dệt may Việt Nam vươn xa ra thị trường quốc tế.

Khác hẳn với vẻ bề ngoài hào nhoáng, thực chất bên trong hoạt động của Tổng công ty này đang ngày càng bộc lộ nhiều vấn đề. Doanh thu quý II của Phong Phú đạt 1.029 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ đạt 64 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu hợp nhất của Phong Phú đạt 1.808 tỷ đồng, tăng 7,7% nhưng lợi nhuận gộp chỉ đạt 153 tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ.

nếu không nhờ vào khoản lợi nhuận được chuyển về từ các công ty liên doanh liên kết thì Phong Phú gần như phải chịu lỗ.

Nếu không nhờ vào khoản lợi nhuận được chuyển về từ các công ty liên doanh liên kết, thì Phong Phú gần như phải chịu lỗ.

Trong khi đó, chi phí quản lý, chủ yếu là chi phí lương của Tổng công ty này tăng mạnh đến 31,3% lên 105 tỷ đồng trong bối cảnh lợi nhuận sụt giảm là một sự thiếu hợp lý mà doanh nghiệp này không đưa ra lời giải trình cụ thể.

Trong 6 tháng, khoản lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết đã mang về cho Tổng công ty 203 tỷ đồng, nhờ vậy mà Tổng công ty ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng đạt 132 tỷ đồng, chỉ giảm 5% so với cùng kỳ 2018. Điều đó cho thấy, nếu không nhờ vào khoản lợi nhuận được chuyển về từ các công ty liên doanh liên kết thì Phong Phú gần như phải chịu lỗ.

Phong Phú hiện là công ty mẹ của CTCP Dệt Đông Nam (60,99%), CTCP Dệt May Nha Trang (51,97%) và CTCP Dệt may Quảng Phú (71%). Đồng thời, Tổng công ty cũng đang góp vốn tại 10 doanh nghiệp liên doanh liên kết và đầu tư góp vốn vào một loạt doanh nghiệp khác.

Ngay tại ngày 30/6, TCT Phong Phú ghi nhận mức đầu tư 488 tỷ đồng vào các công ty liên doanh liên kết, tăng 75 tỷ đồng so với đầu năm, các khoản góp vốn vào các doanh nghiệp khác giữ nguyên mức 125 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, hầu hết liên doanh với các đối tác trong nước đều có chung một cảnh ngộ là hoạt động hoặc chỉ cầm chừng, hoặc thua lỗ.

Riêng Công ty TNHH Coats Phong Phú - liên doanh được thành lập năm 1989 với Tập đoàn Coats Plc từ nước Anh là hoạt động hiệu quả. Coats Phong Phú là công ty chuyên sản xuất chỉ may cao cấp phục vụ hàng may mặc và giày da xuất khẩu, nơi mà Phong Phú hầu như chỉ tham gia với tính chất cầu nối đưa Coats Pls vào Việt Nam nhưng đây chính là đơn vị đóng góp lợi nhuận chủ lực của Tổng Công ty.

Với giá trị đầu tư ghi sổ 85 tỷ đồng, chiếm 35% vốn nhưng mỗi năm liên doanh này mang về cho Phong Phú hàng trăm tỷ đồng tiền cổ tức. Trong 6 tháng đầu năm, 35% vốn tại Coats Phong Phú đã giúp Phong Phú ghi lãi 210 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, một mình liên doanh này "gồng gánh" toàn bộ lợi nhuận của công ty liên doanh liên kết và cả Tổng công ty.  Vấn đề này đã tồn tại trong suốt một thời gian dài tại Phong Phú: Vì sao các công ty con, và các công ty liên kết khác của Phong Phú lại hoạt động không hiệu quả, thậm chí thua lỗ?

Giờ đây, nhiều người đang tự hỏi không hiểu vì sao một doanh nghiệp có bề dày và tài sản lớn như Tổng công ty Phong Phú lại không thể phát triển xứng tầm mà ngày càng phụ thuộc sâu vào phần lãi được chia từ một liên doanh với đối tác nước ngoài cách đây tới 30 năm?