Đó là chia sẻ của bà Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM với PV Diễn đàn Doanh nghiệp liên quan đến những bất cập về mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, những kịch bản phục hồi kinh tế sau giãn cách khiến 14 Hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề ký đơn kiến nghị Thủ tướng.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM.

- Thưa bà, vừa qua 14 hiệp hội doanh nghiệp trong đó có hiệp hội của bà đã có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ về chiến lược "phòng dịch theo điểm", kinh doanh an toàn trong bối cảnh phòng dịch mới. Bà có thể cho biết các nguyên nhân khiến hiệp hội đưa ra đề xuất này?

Chúng ta có thể thấy rõ đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 do biến chủng Delta khiến việc giãn cách xã hội tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh miền Nam đã kéo dài ít nhất từ 2 đến hơn 3 tháng qua. Giãn cách, phong toả diện rộng và kéo dài khiến các doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Và đến nay, các ngành hàng như chúng tôi đã rất lo lắng khi chạm ngưỡng áp lực có thể chịu đựng - với nguy cơ đứt gãy, khó khăn để phục hồi sản xuất nếu chưa sớm có các biện pháp “nới lỏng” sản xuất an toàn và phục hồi sản xuất.

Mặc dù mô hình sản xuất “3 tại chỗ” thời gian đầu đã cho những kết quả tích cực nhưng khi diễn biến dịch phức tạp hơn thì mô hình này đã bộc lộ nhiều hạn chế và không còn khả thi và phù hợp thực tế

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM: Mặc dù mô hình sản xuất “3 tại chỗ” thời gian đầu đã cho những kết quả tích cực nhưng khi diễn biến dịch phức tạp hơn thì mô hình này đã bộc lộ nhiều hạn chế và không còn khả thi và phù hợp thực tế.

Mặc dù mô hình sản xuất “3 tại chỗ” thời gian đầu đã cho thấy những kết quả tích cực, nhưng khi diễn biến dịch phức tạp hơn thì mô hình này đã bộc lộ nhiều hạn chế và mục tiêu chống dịch theo hướng “phong tỏa, giãn cách để đạt kết quả zero F0” không còn khả thi và phù hợp thực tế.

Các doanh nghiệp không thể cầm cự nổi vì ngoài việc phát sinh những khó khăn chung do tác động từ dịch như gián đoạn nguồn cung nguyên liệu, mất khách hàng, mất thị phần, thiếu hụt lớn nguồn lao động, thì vấn đề phát sinh chi phí rất lớn khi vẫn phải đảm bảo rất nhiều trách nhiệm của một doanh nghiệp với người lao động và với đối tác chuỗi nên bắt buộc phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng sản xuất – công suất, sản lượng giảm tới 50- 70%. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản, người lao động mất việc làm, nông - ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm, ảnh hướng đến sinh kế, cuộc sống rất khó khăn, nhất là lực lượng người nhập cư, họ cũng là lực lượng lao động chính của các doanh nghiệp chúng tôi.

Do đó, việc yêu cầu thay đổi chiến lược chống dịch và khởi động lại nền kinh tế là rất cấp bách và hoàn toàn phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp và tất cả người dân trong thời điểm hiện nay. Và đay cũng chính là lý do mà các Hiệp hội mạnh dạn có văn bản đề xuất với Thủ tướng Chính phủ Chiến lược “Phòng chống dịch theo Điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới”; thống nhất quản lý trên toàn quốc để vừa từng bước phù hợp phục hồi kinh tế, mà vẫn kiềm chế được dịch. Trong đó, mấu chốt chính là không áp dụng phong toả, cách ly theo vùng địa lý mà áp dụng quản lý, phòng chống dịch theo Điểm và tập trung quản lý dịch bệnh bằng việc xét nghiệm định kỳ hoặc theo xác suất tại các điểm.

Điều này giúp các doanh nghiệp chưa có điều kiện phủ hết vắc xin cho người lao động, các cá nhân dù chưa tiêm chủng hoặc đã được tiêm chủng đều có cơ hội làm việc, đi lại như nhau nhưng bắt buộc phải xét nghiệm theo quy định. Đặc biệt, không khống chế số lao động tham gia làm việc tại các điểm như quy định hiện nay mà cho phép doanh nghiệp được bố trí lao động phù hợp với quy mô sản xuất của từng nơi.

- Với ngành lương thực thực phẩm , đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, áp dụng theo 4 mô hình mà TP HCM đang triển khai (3 tại chỗ -1 cung đường 2 điểm đến - 4 xanh...) ở thời điểm hiện tại xem ra có vẻ không khả thi, thưa bà?.

Đúng vậy. Bởi dựa trên cơ sở các khó khăn của các doanh nghiệp, Thành phố đã chủ trương cho phép doanh nghiệp áp dụng các phương án sản xuất linh hoạt hơn trước. Tuy nhiên, với việc tiếp tục áp dụng chặt chẽ các biện pháp phong tỏa và giãn cách trong phòng chống dịch kép dài như hiện nay thì các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng với đặc thù là nơi phục vụ nhu cầu ăn uống cho khách hàng là rất khó. Bởi, đặc thù trong loại hình này thì khách hàng của họ ở đây là dân chúng, nhưng khi dân chúng không được phép ra đường, du lịch thì cấm cửa… thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với chồng chất nhiều khó khăn hơn trước.

Do đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp sẵn sàng cho phục hồi sản xuất, chúng tôi nghĩ: Yếu tố then chốt hiện nay của doanh nghiệp cần được hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người lao động một cách nhanh nhất và sớm nhất có thể. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp, đơn vị đang sản xuất  hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng thiết yếu và thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu.

Chúng tôi rất mừng và rất cảm ơn Chính phủ và các địa phương đã chia sẻ và ưu tiên cho TP HCM về nguồn vaccine hiện nay. Có thể nói, tỷ lệ tiêm tại TP HCM đã đạt con số khá cao, đồng nghĩa với việc an toàn để mở cửa.

Tuy nhiên, đặc thù kinh tế TP luôn gắn kết với các tỉnh phía Nam, nhất là trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu. Chúng ta thử hình dung khi mà hầu hết các nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành đều đến từ các tỉnh thành khu vực phía Nam? Do đó, để không đứt gãy chuỗi cung ứng kính đề nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên tiêm phủ diện rộng cho khu vực này bao gồm mũi 1 và mũi 2, để trước mắt giữ cho chuỗi cung ứng hàng hóa tại khu vực này được mở cửa sản xuất, kinh doanh an toàn.

Chính phủ đã rất nỗ lực khi dành nhiều gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ, giảm phí, lệ phí, giá... cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần xem xét tăng thêm quy mô, mở rộng thêm phạm vi bao phủ của các chính sách hỗ trợ.

Chính phủ đã rất nỗ lực khi dành nhiều gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ, giảm phí, lệ phí, giá... cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần xem xét tăng thêm quy mô, mở rộng thêm phạm vi bao phủ của các chính sách hỗ trợ.

Bên cạnh đó, yếu tố then chốt thứ hai mà tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là: “cần phải có sự phối hợp nhất quán trong việc triển khai các chính sách, quy định trên toàn quốc, bao gồm quản lý khai báo phòng chống dịch, vận chuyển, sẵn sàng các xét nghiệm nhanh và các chính sách mới khi phát hiện F0 thì tách ra khỏi khu vực sản xuất và nhanh chóng tái lập lại sản xuất, phù hợp với điều kiện, tình hình mới để đảm bảo an toàn cho người lao động nhưng vẫn giảm thiểu các tác động tiêu cực đến doanh nghiệp”.

- Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19, Chính phủ cũng như các địa phương đang xây dựng các kịch bản phục hồi kinh tế sau giãn cách. Vậy, giải pháp thiết thực nhất nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lúc này là gì, thưa bà?

Theo tôi, để hồi phục nền kinh tế, Chính phủ và Thành phố cần xác định bây giờ là lúc phải lên kế hoạch tái mở cửa an toàn cho việc đi lại của người dân, tiến tới kích hoạt lại hoạt động du lịch của TP. Đơn cử, mới đây một số địa phương như: Bà Rịa -Vũng Tàu, Phú Quốc (Kiên Giang) đã thí điểm tái mở cửa hoạt động này. Song song đó, chúng tôi mong muốn được tham gia các Tổ công tác, tham mưu phòng chống dịch của Chính phủ và địa phương, cụ thể:

Thứ nhất, nên có cơ cấu ít nhất 30% thành phần là Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp lớn để nhanh chóng gỡ ngay các vướng mắc phát sinh trong thực tế vì các vấn để xảy ra có sự thông tin, kết nối kịp thời sẽ giúp xử lý nhanh các vướng mắc, giảm ách tắc và khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ hai, Chính phủ cần thành lập ban chỉ đạo chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để liên kết, phối hợp hiệu quả nhất trên thế mạnh và tiềm năng của mỗi địa phương nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Xây dựng các chính sách và hành động cụ thể trong công tác phòng chống dịch, mở cửa kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các khu vực khác.

Ngoài ra, cần thực hiện khẩn trương các giải pháp chăm lo bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân nhằm giữ nguồn lao động để đáp ứng nhanh chóng phục hồi sản xuất. Bởi, thách thức lớn khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại là thiếu nguồn nhân lực để phục hồi, do phụ thuộc khá lớn vào nguồn lao động nhập cư (đã di chuyển khỏi TP trong thời gian qua). 

Thứ ba, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan nhanh chóng cập nhập dữ liệu, tiến đến hoàn thành cấp thẻ xanh, thẻ vàng cho những người đạt yêu cầu. Đồng thời cần quy định thống nhất từ trung ương đến các tỉnh thành về việc cho phép nhận dạng, tiếp cận và đi lại một cách nhất quán để tránh doanh nghiệp lúng túng, bị động.

Các địa phường cần trao quyền chủ động trong mô hình, phương thức tổ chức cũng như vận hành phòng chống dịch cho doanh nghiệp và cho phép doanh nghiệp được tự kích hoạt lại trạng thái sản xuất phù hợp, với sự giám sát sau khi thực hiện, và điều này là cơ sở để doanh nghiệp từng bước tiến đến con số 100% lao động trở lại làm việc bình thường.

Thứ bốn, cần ưu tiên thực hiện khẩn cấp các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có triển vọng phát triển sau đại dịch. Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực khi dành nhiều gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ, giảm phí, lệ phí, giá... cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần xem xét tăng thêm quy mô, mở rộng thêm phạm vi bao phủ của các chính sách hỗ trợ.

Xin cảm ơn bà!