>> Hỗ trợ phục hồi kinh tế sao cho hiệu quả?

Thời gian vừa qua, không ít ý kiến cho rằng, trước những tác động sâu và tiêu cực của dịch bệnh, các gói phục hồi kinh tế cũng cần phải tương xứng, thế nhưng, theo các chuyên gia, khâu thực hiện mới chính là vấn đề đáng quan tâm.

Thực tế, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng cũng từng chia sẻ, Bộ đang cùng với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch Quốc hội để tính toán về việc sử dụng các công cụ, chính sách về tài khóa và tiền tệ như thế nào. Khả năng huy động, phân bổ sử dụng và hấp thụ của nền kinh tế ra sao.

Phục hồi và phát triển nền kinh tế là bài toán bức thiết hiện nay - Ảnh minh họa

Phục hồi và phát triển nền kinh tế là bài toán bức thiết hiện nay - Ảnh minh họa

Cũng đề cập đến gói hỗ trợ này, ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có những báo cáo cụ thể trước Quốc hội liên quan đến chính sách, các công cụ để thực hiện chính sách tài khóa như thuế, thu ngân sách, nợ, chi ngân sách.

Theo ông Phớc, việc kết hợp giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, cần hợp lý, linh hoạt để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Cùng với đó, ông Phớc cũng hết sức “băn khoăn” là khi chúng ta có tiền rồi thì tiền này nền kinh tế có hấp thụ được không và hấp thụ ở trong những lĩnh vực nào?

Đây không chỉ là “băn khoăn” của riêng Bộ trưởng Bộ Tài chính, mà thực tế, nó đã trở thành nỗi lo được nhiều chuyên gia kinh tế bàn tới, khi các gói hỗ trợ phục hồi đã được ban hành trước đó nhưng chưa mang lại những hiệu ứng tích cực như kỳ vọng.

“Tôi đồng ý cần chi mạnh tay để “cứu” nền kinh tế, nhưng cần xem xét thận trọng đường đi của dòng tiền, rót vào đâu cho hiệu quả, rồi cơ chế giám sát làm sao để tránh lãng phí, tham nhũng. Rồi nếu không lãng phí, không tham nhũng, không có xin-cho thì liệu dự án có giải ngân được không? Rồi bệnh sợ trách nhiệm phải xử lý ra sao để dự án được thông suốt. Tất cả những điều ấy cần phải làm rõ, thẳng thắn”, một chuyên gia nêu quan điểm.

Thực tế, đây không phải là câu chuyện mới nhưng lại là vấn đề vô cùng bức thiết trong hoàn cảnh hiện nay, khi nhìn sang những nền kinh tế quanh khu vực, với các chính sách kịp thời đã đem đến những kết quả đáng kỳ vọng.

Chuyên gia cho rằng, dự toán ngân sách dành cho chương trình phục hồi cần chính xác, khoa học, đúng bản chất hơn - Ảnh minh họa

Chuyên gia cho rằng, dự toán ngân sách dành cho chương trình phục hồi cần chính xác, khoa học, đúng bản chất hơn - Ảnh minh họa

Như Phillipines, dù cũng là một trong những quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á phải chịu không ít tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 từ tháng 03/2020 với các biện pháp phong tỏa, hạn chế khác nhau để phòng chống dịch, tuy nhiên, với những chính sách kịp thời, cho đến nay, quốc gia này đã có những con số tăng trưởng khá ấn tượng.

Chia sẻ mới đây, ông Kelly Bird - Giám đốc ADB quốc gia tại Phillipines cho biết, năm 2020 GDP của phillipines cũng giảm rất nhiều, khi đất nước này áp dụng những phong tỏa, hạn chế để phòng chống dịch cho đến khi mọi thứ được dỡ bỏ thì nền kinh tế cũng bắt đầu có sự phục hồi. Quý II/2021 kinh tế nước này đã phục hồi với mức 12% và trong quý III là 7%, dự kiến tăng trưởng ít nhất 4,5% trong năm 2021.

Để có những thành quả đã nêu, ông Kelly Bird cho rằng, ngoài việc tích cực chuyển đổi số, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, Chính phủ Phillipines cũng đưa ra những chính sách hỗ trợ phù hợp để kích thích nền kinh tế phục hồi và phát triển.

>> Phục hồi kinh tế: Cần chấp nhận nợ công, thâm hụt ngân sách tăng

“Như phối hợp với ADB tổ chức những mạng lưới đào tạo nghề cho người lao động từ 18-24 bằng các dự án, chương trình tại các địa phương, việc này không chỉ giúp người lao động dễ dàng thích ứng chuyển đổi công việc, mà còn tạo ra nguồn cung lao động hiệu quả cho các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất. Dự án đã thu về những kết quả tích cực khi trong hơn 20.000 người lao động được đào tạo thì 70% có việc làm”, ông Kelly Bird chia sẻ.

Theo ông Kelly Bird, các chương trình được giám sát bởi Bộ Lao động và việc làm, cùng 45 chính quyền địa phương của Phillipines, nên sau dỡ bỏ phong tỏa, hạn chế, dù việc dịch chuyển của người lao động từ các địa phương với nhau vẫn diễn ra nhưng cũng đe dọa nhiều đến nguồn lao động và chuỗi cung ứng của hoạt động phục hồi sản xuất.

Mặc dù mỗi quốc gia có những chiến lược và điều kiện phát triển riêng, nhưng kinh nghiệm của Phillipines cũng có thể được cho là một trong những bài học chúng ta có thể nhìn vào trong chiến lược phục hồi và phát triển nền kinh tế, đặc biệt, trước những bài học nhãn tiền đã có, cần gắn chặt với thực tiễn, hoàn cảnh, điều kiện ở Việt Nam, để đánh giá, thực hiện cho hiệu quả.

Như TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng từng cho rằng, dự toán ngân sách dành cho chương trình phục hồi cần chính xác, khoa học, đúng bản chất hơn. Đồng thời tính toán cân đối với các cán cân lớn nền kinh tế.

“Chúng ta cũng cần thực hiện tốt gói hỗ trợ hiện tại, Việt Nam vẫn còn dư địa từ những gói hỗ trợ này vì làm chưa tốt, chưa nhanh, làm chưa hết. Mặt khác, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải tỏa ách tắc tồn tại, đây là nguồn lực lớn cho phát triển”, ông Lực nhấn mạnh.