Để rõ hơn những "điểm nghẽn" trong đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có nội dung trao đổi với Ông Nguyễn Sinh Dũng – Giám đốc Trung tâm Giải pháp tích hợp – Tổng Công ty CP Công trình Viettel (Viettel Construction), xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Sinh Dũng – Giám đốc Trung tâm Giải pháp tích hợp – Viettel Construction

Ông Nguyễn Sinh Dũng – Giám đốc Trung tâm Giải pháp tích hợp – Viettel Construction

 - Là đơn vị đầu tư và thi công trực tiếp những dự án lớn. Vậy ông đánh giá như thế nào về những khó khăn của thị trường công nghiệp năng lượng tái tạo ở Việt Nam?

Hiện nay Viettel Construction là một trong các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Trong đó: Doanh nghiệp tự đầu tư kinh doanh hơn 20mW điện áp mái, thi công PC với các công trình dự án lên đến hơn 50mW, công trình nhà dân hơn 30mW và gần 10mW điện solar farm...

Từ thực tiễn đầu tư, chúng tôi nhận thấy, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có đất, có khoảng không thuận lợi, thậm chí là rất rộng để triển khai điện áp mái, solar farm, điện nổi.

Nhân sự Viettel Construction thi công lắp đặt điện năng lượng tái tạo

Nhân sự Viettel Construction thi công lắp đặt điện năng lượng tái tạo

Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa tận dụng hết được nguồn lợi thế này để tạo ra hiệu quả sản xuất kinh doanh. Vì một phần do doanh nghiệp chưa nắm đủ thông tin về những lợi ích mà hệ thống năng lượng tái tạo mang lại. Phần khác, doanh nghiệp Việt chưa hiểu hết đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, đặc biệt là chính sách hỗ trợ vốn của Chính phủ, ngân hàng trong việc đầu tư này. Do đó, khó khăn không chỉ ở chính sách chưa rõ ràng, mà còn đến từ khả năng, cập nhật đánh giá chậm chạp của các doanh nghiệp.

- Vậy những khó khăn mà các doanh nghiệp đầu tư, phát triển dự án năng lượng tái tạo như Viettel Construction gặp phải là gì, thưa ông?

Qua quá trình thi công và triển khai thực tế, chúng tôi nhìn nhận một số trở ngại tiêu biểu như: Chính sách phát triển năng lượng tái tạo chưa được áp dụng trong thời gian dài, gây lãng phí tới nguồn nguyên liệu thiết bị đầu tư.

Bởi hệ thống các thiết bị năng lượng (như hệ thống cơ - trục, tuabin, cánh quạt,…) có độ bền rất cao, lên đến 20-30 năm, nhưng tận dụng được chính sách chỉ được một vài năm. Đây là điểm bất cập lớn khiến doanh nghiệp còn đắn đo khi đầu tư vào hạng mục trang thiết bị.

Bên cạnh đó, nguồn dữ liệu chỉ dẫn về địa lý, hải triều, tốc độ gió tại các vùng Việt Nam chưa đầy đủ, dẫn đến hậu quả sai lệch khi đánh giá tiềm năng, tác dộng của các dự án.

- Từ góc độ doanh nghiệp, ông có những đề xuất kiến nghị nào không, thưa ông?

Để thúc đẩy, phát triển ngành công nghiệp năng lượng, tôi và các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ khắc phục được những rào cản trên. Đặc biệt là sự quan tâm của Nhà nước, các Bộ ban ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước về vấn đề pháp lý, thủ tục hợp đồng đấu nối điện với các dự án năng lượng tái tạo. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung cấp các số liệu nghiên cứu về thời tiết từng vùng miền của Việt Nam một cách chính xác nhất có thể.

 - Xin cảm ơn ông!