Với 92% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.

 Thửa đất trồng lúa chuyển đổi sai mục đích tại huyện Bến Lức, Long An. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Thửa đất trồng lúa chuyển đổi sai mục đích tại huyện Bến Lức, Long An. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Chuyển đổi đất thiếu kiểm soát

Nghị quyết nêu rõ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng. Đặc biệt, Quốc hội quyết nghị giữ hơn 3,5 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2030, trong đó 300.000 ha được chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Tuy nhiên, ở một số địa phương còn tồn tại nhiều bất cập, như đất sau khi được chuyển đổi sang sử dụng xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất nhiều nơi không phát huy được hiệu quả, để hoang hóa, gây lãng phí rất lớn.

Thực tế giai đoạn 2011-2020, diện tích đất được quy hoạch khu công nghiệp trên 191.000 ha nhưng mới thực hiện được trên 90.000 ha. Nhưng đến giai đoạn 2021-2030, dự kiến diện tích đất quy hoạch làm khu công nghiệp là trên 210.000 ha.

Đáng lo ngại, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị còn chạy theo mục đích thu hút đầu tư để phát triển kinh tế địa phương nên chưa sàng lọc được nhà đầu tư kém năng lực, chưa kiểm soát được tình trạng một nhà đầu tư nhưng xin giao đất, thuê đất để thực hiện nhiều công trình, dự án ở nhiều địa phương khác nhau, dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, chủ đầu tư bao chiếm, găm giữ đất, bỏ hoang gây lãng phí.

Phân cấp cần gắn với cơ chế kiểm soát

Chính vì vậy, cần có sự tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai. Việc phân cấp cho địa phương cần gắn với cơ chế kiểm soát phù hợp để tránh tình trạng quản lý lỏng lẻo, lạm quyền của địa phương khi được giao quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất dự án.

Việc quản lý đất nông nghiệp tại các địa phương cần thực hiện nghiêm theo Luật Đất đai, cá địa phương cần chỉ đạo thực hiện triệt để việc cấm chuyển nhượng đất nông nghiệp cho các đối tượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Các địa phương cần thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân, nhằm kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm. UBND tỉnh cần chỉ đạo tăng cường việc quản lý đất đai, nhất là đất nông nghiệp, tránh tình trạng tự ý chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất thổ cư một cách tràn lan.

Khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất đặc biệt là đất thực hiện dự án cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước về đất đai của chính quyền địa phương. Các địa phương cần xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở địa phương.

Bên cạnh đó, việc thu hẹp phạm vi đất nông nghiệp trên 02 vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long cần có sự thận trọng trong khi có nhiều vấn đề về quy hoạch.