Dự thảo Thông tư dự kiến ban hành nhằm mục đích tạo ra khuôn khổ pháp lý chung, yêu cầu bắt buộc các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.

Việc lồng ghép quản lý rủi ro môi trường, đặc biệt tiên phong thúc đẩy tín dụng xanh đã được nhiều ngân hàng quan tâm. (Ảnh: HDBank là ngân hàng được

Việc lồng ghép quản lý rủi ro môi trường, đặc biệt tiên phong thúc đẩy tín dụng xanh đã được nhiều ngân hàng quan tâm. (Ảnh: HDBank là ngân hàng được ADB trao giải "Green Deal Award" với các đóng góp tín dụng xanh tiêu biểu)

Theo các đề xuất tại dự thảo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), TCTD sẽ căn cứ vào quy mô, năng lực quản lý của ngân hàng và hướng dẫn của NHNN để ban hành, triển khai quy định quản lý rủi ro môi trường thông qua hai hình thức:

Thứ nhất là lồng ghép vào quy trình cho vay, quản lý rủi ro tín dụng hiện có; hoặc thứ hai là ban hành quy trình quản lý rủi ro môi trường độc lập (nhưng đảm bảo phân định với khâu quyết định cho vay).

Tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong việc tổ chức đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá rủi ro môi trường của dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng để thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng.

Kết quả đánh giá rủi ro môi trường của khoản cấp tín dụng, là căn cứ để TCTD xếp hạng tín dụng khách hàng, xác định lãi suất, chi phí cấp tín dụng và các điều kiện cấp tín dụng phù hợp.

NHNN cho rằng việc đưa yếu tố môi trường vào nhằm kiểm soát, hạn chế rủi ro cho tổ chức tín dụng khi xảy ra rủi ro môi trường. Tác động gián tiếp tiếp theo là yêu cầu khách hàng vay vốn tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, hướng tới đầu tư, sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường.

Việc áp dụng quy định kiểm soát rủi ro môi trường không dành cho mọi khoản vay. NHNN cũng loại trừ một số loại khoản vay như vay bảo lãnh ngân hàng, thẻ tín dụng, phục vụ nhu cầu đời sống,… và nhiều khoản vay không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo các bộ luật có liên quan quy định.

Với dự thảo Thông tư hướng dẫn cụ thể lần đầu dự kiến ban hành, NHNN chính thức yêu cầu về đánh giá rủi ro môi trường khi cho vay. Trước đó, hoạt động thúc đẩy tín dụng xanh và tài chính bền vững cũng đã được NHNN lên chiến lược. Gần nhất năm 2017, NHNN đã phối hợp với Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) xây dựng sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 10 ngành kinh tế trong hoạt động cấp tín dụng, cụ thể là nông nghiệp, hóa chất, xây dựng và cơ sở hạ tầng, năng lượng, chế biến thực phẩm, dệt may, dầu khí, xử lý chất thải, khai thác Mỏ và các sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại.

Căn cứ trên hướng dẫn này, cán bộ tín dụng và cán bộ chuyên ngành thực hiện thẩm định dự án/phương án sản xuất kinh doanh liên quan một cách hiệu quả đảm bảo mục tiêu phát triển xanh và bền vững.

Trước đó, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg (2012) về “Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, góp phần hình thành nên khuôn khổ pháp lý cao nhất về hoạt động tín dụng xanh ở Việt Nam.

Năm 2015, NHNN đã có Chỉ thị số 03/2015/CT-NHNN “Về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng”, trong đó nêu ra mục tiêu là: Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, ngay từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của ngành Ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững. Đồng thời nhằm bổ sung vào chính sách để đẩy mạnh tín dụng xanh, NHNN ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN (2017) về “Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp” dựa trên Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ.

Từ năm 2015-2020, nhiều ngân hàng  từ nhóm Big 4 như VietinBank, BIDV, Agribank hay một số ngân hàng TMCP như VPBank và HDBank đã thúc đẩy tín dụng xanh được đánh giá là có chính sách hiệu quả, định hướng rõ ràng, phù hợp với ngành ngân hàng và điều kiện kinh tế nước ta, đồng thời có nhiều đóng góp nổi bật trong cung ứng tín dụng xanh cho nền kinh tế cũng như tham gia các dự án tài chính xanh với các tổ chức tài chính thế giới, đem lại nhiều lợi thế trong phát triển nền kinh tế xanh của Việt Nam.

Tuy nhiên trên tổng thể, tín dụng xanh vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng dư nợ, việc triển khai do còn mới mẻ nên có chậm chạp, chưa thể đáp ứng được yêu cầu của tín dụng xanh. Nhiều ngân hàng cũng chưa xây dựng quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội hay triển khai đánh giá quản lý rủi ro môi trường trong cấp tín dụng một cách chuyên nghiệp, có hệ thống, chưa áp dụng các tiêu chuẩn của môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay, đồng thời thành lập đơn vị chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường từ chi nhánh đến toàn hệ thống, giám sát hoạt động tín dụng xanh và việc triển khai ngân hàng xanh tại các NHTM...

Theo PGS.TS. Bùi Thị Mai Hoài, Viện Tài chính bền vững SFI - ĐH Kinh tế TP HCM, áp lực để các ngân hàng phải chuyên nghiệp hóa việc quản lý, đánh giá rủi ro môi trường khi cấp tín dụng và hướng đến thực hành tài chính hiện đại trong giai đoạn hiện nay ngày càng lớn. Đó là sự phát triển mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sức ép của các bên liên quan, khiến chuyển đổi số và kinh doanh bền vững trở thành con đường phát triển chính cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện đại. Trong con đường phát triển đó, bên cạnh nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, cũng rất cần các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng. Các chính sách của ngân hàng khi đề cao quản lý rủi ro môi trường ngay từ xét thẩm định cấp nguồn vốn theo đó được kỳ vọng sẽ thay đổi nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu, về tài chính bền vững, đồng thời có những biện pháp khích lệ người dân thay đổi thói quen sinh hoạt và thực hiện hành vi tiêu dùng “xanh”, thay đổi nhận thức và mục tiêu, hành động của các doanh nghiệp đối với phát triển bền vững.