Theo ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam tại Quyết định 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ có quy định phát triển sản phẩm du lịch đêm tại 10 địa phương. Trong đó, tại tỉnh Quảng Nam có TP. Hội An. Tuy nhiên, theo ông Tân việc thí điểm cần phải mở rộng ra trên địa bàn cả tỉnh Quảng Nam chứ không nên chỉ dừng lại ở mức độ một thành phố.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng trên địa bàn tỉnh có nhiều khu du lịch tại vùng Đông rất đẳng cấp. Đồng thời, trên các vùng núi phía Tây cũng có các du khu du lịch có thể mở cả đêm và kết hợp với các sản phẩm văn hóa của người dân địa phương.

“Ngoài ra, cần xác định rõ kinh tế đêm là đêm lúc nào? Có đêm phổ biến và đêm tập trung liên quan đến sức khỏe, giờ giấc và thể chế. Tuy nhiên, cần phân biệt kinh tế đêm và sản phẩm du lịch đêm theo từng địa bàn, từng khu du lịch mang tính đặc trưng riêng biệt”, ông Trần Văn Tân nói.

Thông tin từ ông Tân, tỉnh Quảng Nam có nhiều khu du lịch đẳng cấp, hàng loạt resort, sân golf phục vụ nhu cầu du khách biệt lập, không ảnh hưởng đến dân cư nên việc triển khai cần được xem xét, nếu không ảnh hưởng thì cần được hoạt động thoải mái. Ngoài ra, việc phát triển các sản phẩm du lịch đêm cũng cần nghiên cứu, tính toán theo địa bàn, tránh bớt các sản phẩm du lịch ở trung tâm phố, gần khu dân cư.

“Quảng Nam sắp tới cũng sẽ xung phong với Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Chính phủ đăng ký thực hiện đón khách quốc tế theo những chuyến bay “charter” – chuẩn bị điều kiện đầy đủ đón tiếp từ sân bay Chu Lai đến địa điểm du lịch. Quảng Nam có nhiều khu du lịch để du khách vui chơi, thưởng ngoạn các sản phẩm du lịch kể cả đánh golf, casino tại chổ trong vòng từ 5 – 7 ngày rồi trở về, không di chuyển đến nơi khác”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin.

Theo đó, hiện tại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có nhiều khu du lịch xung phong đăng ký phát triển loại hình này. Tuy nhiên, trước mắt tỉnh Quảng Nam sẽ chọn 2 địa điểm để làm thí điểm.

Liên quan đến casino, ông Tân cho biết tỉnh Quảng Nam và Hoiana cũng mong muốn mở rộng cơ chế để người Việt Nam được tham gia chơi casino với những thành phần có lựa chọn cụ thể như thu nhập, tài sản,... Hiện tại, người Việt Nam khi đến Hoiana đều muốn trải nghiệm nhưng lại không được tham gia. Nếu có thêm người Việt đến Hoiana đánh golf được, chơi casino được thì khu này có triển vọng phát triển rất lớn.

“Trong bối cảnh dịch bệnh này, nếu thực hiện Đề án này sớm với người Việt thì khả năng kích cầu phát triển du lịch nội địa cũng sẽ tốt hơn nữa. Phú Quốc đã có, khu du lịch này được đầu tư rất bài bản nên cũng có thể thực hiện tương tự. Hoặc phân khu cho khách quốc tế và khách Việt trải nghiệm riêng, điều này cũng góp phần vào việc phát triển kinh tế đêm”, ông Trần Văn Tân đề xuất.

Nói về quá trình xây dựng sản phẩm du lịch đêm, ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Quảng Nam cho biết địa phương đã có những sản phẩm đêm mang dấu ấn. Tuy nhiên, theo ông Tường, việc triển khai Đề án 1129 của Thủ tướng Chính phủ tại các địa phương vẫn còn một số lúng túng.

Trong đó, về quy hoạch đối với sản phẩm du lịch về đêm vẫn chưa có hành lang pháp lý để thực hiện. Ngành du lịch tại các địa phương không cho phép quy hoạch ngành đối với tỉnh, thành phố mà phải tích hợp vào quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, địa phương không thể đưa vào quy hoạch sản phẩm du lịch đêm.

“Cần có danh mục các điểm sản phẩm về đêm cấp quốc gia. Ngoài ra, nên có mô hình chuẩn cho việc phát triển sản phẩm du lịch về đếm, Việt Nam ta vẫn chưa có. Đề án đã ban hành nhưng thể chế, luật vẫn chưa đầy đủ để các địa phương tiến hành, cần thể chế hóa các vấn đề liên quan đến đề Đề án của Chính phủ trong các văn bản của Nhà nước cần được quan tâm hơn. Đồng thời, Đề án cũng nên đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến sản phẩm về đêm như thời gian, chính sách thuế,...”, ông Lê Ngọc Tường nói.