UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 25/5/2020 về phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh, tập trung vào các loại hàng hóa chủ lực tham gia chương trình OCOP. Phấn đấu đến năm 2030, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn có hệ thống truy xuất nguồn gốc, áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.

Sở Khoa học Công nghệ Quảng Ninh đã tích cực vào cuộc tổ chức các lớp tập huấn phổ biến hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX ghi nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch, tiêu chuẩn cơ sở cho các đơn vị sản xuất OCOP sử dụng mã số, mã vạch. Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn xây dựng kế hoạch và triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh qua địa chỉ website: http:/qn.check.net.vn. Đồng thời, thiết kế 2 loại tem truy xuất (gồm 1 tem chứa mã QR và 1 tem có chức năng chống giả); thực hiện in 90.000 tem truy xuất các loại cấp phát cho các sản phẩm, cơ sở đủ điều kiện.

Hệ thống truy xuất nông lâm thủy sản Quảng Ninh

Hệ thống truy xuất nông lâm thủy sản Quảng Ninh

Việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR là xu hướng và nhu cầu tất yếu trong thời đại 4.0. Truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản có vai trò hết sức quan trọng đối với người sản xuất và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX)... Nông sản gắn tem truy xuất sẽ giúp minh bạch nguồn gốc sản phẩm bằng sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời nâng tầm được giá trị. Việc sử dụng hệ thống mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giúp hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh, nâng giá trị thương hiệu sản phẩm.

Công nhân dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Công nhân dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; một số mô hình sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp VietGAP trong trồng trọt, chăn nuôi đã được hình thành. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh; an toàn thực phẩm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực...

Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp ngày càng được người tiêu dùng đòi hỏi khắt khe, vì vậy, đã có một số doanh nghiệp, HTX... chú trọng đến vấn đề này.