Ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh xác định đầu tư công là một trong những trụ cột đảm bảo tăng trưởng, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động, bù đắp cho ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như dịch vụ du lịch, khai khoáng. Để chuẩn bị cho địa phương bước vào giai đoạn phát triển tới đây. Quảng Ninh sẽ tập trung vừa nâng cao tỷ lệ giải ngân nhưng phải đi liền với đảm bảo chất lượng công trình, khối lượng hoàn thành và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Công trình cầu Vân Tiên (Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái)p/đang được thi công để đảm bảo hoàn thành theo đúng kế hoạch (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Công trình cầu Vân Tiên (Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái) đang được thi công để đảm bảo hoàn thành theo đúng kế hoạch (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Tính đến ngày 30/8 toàn bộ đầu tư công của Quảng Ninh đạt trên 16.600 tỷ đồng được phân bổ cho 39 chủ đầu tư, đạt 67% so với kế hoạch tỉnh Quảng Ninh giao từ đầu năm. Với kết quả này chưa đạt theo đúng kỳ vọng của địa phương.

Ngoài nguồn vốn vay ODA chậm giải ngân do vướng mắc liên quan đến thủ tục, hợp đồng ký kết giữa Bộ Tài chính và UBND tỉnh, các nguồn vốn còn lại đều chậm, phần nhiều do yếu tố chủ quan mang lại. Tiến độ giải ngân vốn ngân sách tỉnh đến ngày 30/8 mới đạt 54,4% kế hoạch năm. Thậm chí đến nay, nhiều địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 0%, như: Sở Y tế, Công ty TNHH MTV thủy lợi Yên Lập, UBND TX Đông Triều... Một số đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt tiến độ bình quân (dưới 60%), như: Ban Quản lý Dự án trồng rừng Việt Đức (Sở NN&PTNT) 6,7%, UBND huyện Cô Tô 41,4%,  Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh 50%, Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình dân dụng và công nghiệp 50,7%, UBND huyện Vân Đồn 53,3%, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh 56%, Ban Quản lý KKT Vân Đồn 58,7%.

Đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh, tổng kế hoạch vốn ngân sách tỉnh quản lý đến ngày 30/8 là 9.908 tỷ đồng. Trong đó, vốn tập trung vào các công trình trọng điểm với tổng số vốn đã phân bổ chiếm 81,6%. So với kế hoạch giao vốn đầu năm, tiến độ giải ngân vốn ngân sách tỉnh đạt 75%.

Một trong những nguyên ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư hiện nay là công tác GPMB. Theo đó, các dự án hầu như gặp vướng mắc, nhà thầu không có mặt bằng sạch để thi công, dẫn đến khối lượng thanh quyết toán chậm. Bên cạnh đó, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp là do ảnh hưởng của dịch COVID-19; tác động của giá thành nguyên vật liệu, thiếu hụt nguồn lao động ảnh hưởng đến cân đối kế hoạch vốn đã bố trí cho các dự án, cũng như tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân.

Dự án cầu Cửa Lục 1 đang được đẩy nhanh tiến độ (ảnh: Báo Quảng Ninh)

Dự án cầu Cửa Lục 1 đang được đẩy nhanh tiến độ (ảnh: Báo Quảng Ninh)

Mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất chốt tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với từng hạng mục. Cụ thể, các dự án đã được giao kế hoạch vốn đầu năm, chậm nhất đến 30/9 phải giải ngân 100%; các dự án công trình trọng điểm, đến 30/9 giải ngân 80% và hoàn thành 100% kế hoạch vốn vào 31/12.

Với kế hoạch đã đề ra này, Quảng Ninh đang thực hiện rà soát lại tiến độ, lập chi tiết triển khai các dự án, điều hoà kế hoạch vốn đảm bảo tiến độ giải ngân; yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về GPMB, bồi thường, tái định cư, xử lý kịp thời khiếu nại của người dân. Quảng Ninh cũng yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu phải tranh thủ thời tiết thuận lợi, nâng cao năng lực thi công cả về trang thiết bị và nhân lực, đảm bảo tiến độ, khối lượng và chất lượng công trình…; kiên quyết cắt giảm điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án không đạt tiến độ theo các mốc thời gian quy định. Các địa phương, đơn vị cũng đang tăng tốc triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đơn cử như TP Cẩm Phả, năm 2021, địa phương có kế hoạch giải ngân vốn đã được phân bổ trên 950 tỷ đồng, phân bổ cho 54 dự án. Trong đó có 10 dự án khởi công mới năm 2021; 43 dự án chuyển tiếp sang năm 2021; 1 dự án hoàn thành chưa có quyết toán A-B. Để giải ngân vốn theo đúng kế hoạch, nhiều cuộc họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm đã được TP Cẩm Phả triển khai để cùng tìm kiếm và đưa ra giải pháp kịp thời.

Theo ông Đặng Quốc Toàn - Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng TP Cẩm Phả, đối với các dự án còn vướng mắc trong GPMB, từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan của thành phố để giải quyết dứt điểm. Đồng thời, đơn vị sẽ tập trung đôn đốc các nhà thầu huy động máy móc, nhân lực thi công, ký cam kết thực hiện từng hạng mục công trình theo từng tuần, từng tháng, phấn đấu đến 30/9 sẽ đảm bảo tiến độ giải ngân theo kế hoạch.

Theo ông Phạm Ngọc Vinh - Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh, năm 2021, đơn vị được giao tổng nguồn vốn là gần 3.500 tỷ đồng. Hiện đơn vị đang làm chủ đầu tư nhiều công trình trọng điểm như: đường nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với đường 338 giai đoạn I; đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều; dự án hạ tầng giao thông trọng điểm là cầu Cửa Lục 1 và 3... Đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đạt trên 54%, tăng 17% so với kế hoạch. Để hoàn thành giải ngân theo kế hoạch, từ giờ đến cuối năm, đặc biệt là trong tháng 9/2021, đơn vị sẽ giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong việc triển khai các dự án, yêu cầu nhà thầu tập trung tăng tốc thi công các hạng mục.

Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đang được tỉnh chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo tiến độ thi công, giải ngân vốn.

Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đang được  thi công - giải ngân vốn.

Còn theo ông Đỗ Khánh Tùng - Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, thực tế, để thúc đẩy trăng trưởng kinh tế của địa phương thì đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng. Việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ đạt hiệu quả nếu tỉnh Quảng Ninh xây dựng được quy chế khen thưởng, kỷ luật đối với các địa phương, đơn vị một cách đồng bộ.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc giải ngân vốn đầu tư công được coi là một bài toán vô cùng khó đối với Quảng Ninh. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt, tham gia tập trung kiểm tra đôn đốc và tháo gỡ khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện và giải ngân các các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư tỉnh Quảng Ninh, đối với các dự án mà có chủ trương phải hoàn thành trong năm 2021, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nâng cao năng lực thi công của các nhà thầu cả về trang thiết bị và nhân lực. Đối với dự án chuyển tiếp và hoàn thành sau năm 2021 và khởi công mới trong năm 2021 thì đẩy nhanh tiến độ, GPMB, tăng cường đôn đốc nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ thi công, tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc để đạt khối lượng lớn nhất. Về phía các chủ đầu tư phải bám sát từng dự án được triển khai; hỗ trợ các nhà thầu bổ sung nguồn lao động trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đồng thời, đôn đốc, động viên nhà thầu, người lao động trên các công trường, dự án hăng say lao động, đảm bảo thi công 3 ca liên tục để bù đắp khối lượng bị tồn đọng; phấn đấu đến ngày 30/9 phải giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn, góp phần tích cực cùng với tỉnh đảm bảo kịch bản tăng trưởng kinh tế trên 2 con số.