>>>  Quảng Ninh: Đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa
>>> Quảng Ninh: Chạy chiến dịch 150 ngày đêm cho dự án đường ven sông

Quảng Ninh hiện có 11 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh mục phát triển các KCN ở Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 5 KCN gồm: Cảng biển Hải Hà, Cái Lân, Đông Mai, Việt Hưng, Hải Yên đi vào hoạt động. Các KCN này thu hút hầu hết các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư nhà máy, xưởng sản xuất các mặt hàng thiết bị điện, điện tử, dệt vải…

Công nhân làm việc tại KCN Đông Mai, TX Quảng Yên

Công nhân làm việc tại KCN Đông Mai, TX Quảng Yên

Hoạt động sản xuất trong các KCN luôn tiềm ẩn những mối nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do phát sinh các khối lượng lớn các loại nước thải, chất thải rắn và khí thải. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất quan điểm, tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường. Việc kiểm tra, giám sát đối với việc xả thải ra môi trường trong các KCN cũng được địa phương giám sát rất chặt chẽ.

Theo ông Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, qua theo dõi, giám sát các trạm xử lý nước thải tập trung tại 5 KCN cho thấy, các chỉ số nước thải tại các KCN khi xả thải ra môi trường đều đảm bảo theo quy định. Hoạt động tại các trạm này ổn định, hiệu quả. Dữ liệu được truyền tự động, liên tục về sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, theo dõi theo đúng quy định tại Nghị định số 40/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ.

Trung tâm quan trắc môi trường tỉnh Quảng Ninh giám sát các chỉ số quan trắc từ các KCN có hoạt động xả thải ra môi trường (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Trung tâm quan trắc môi trường tỉnh Quảng Ninh giám sát các chỉ số quan trắc từ các KCN có hoạt động xả thải ra môi trường (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

>>> Quảng Ninh: Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, đẩy lùi dịch bệnh

>>> Quảng Ninh triển khai áp dụng hóa đơn điện tử thay hóa đơn giấy

Cũng theo ông Cường, về phía các chủ đầu tư KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều nhận thức tốt trước vấn đề bảo vệ môi trường. Các chủ đầu tư đã có sự quan tâm đầu tư đúng mức, đảm bảo đồng bộ, hiện đại các thiết bị quan trắc và bảo vệ môi trường. Công tác quản lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại phát sinh trong các KCN cũng được các chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp thu gom, xử lý theo quy định.

Được biết, đến nay, tất cả các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đi vào hoạt động đều đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải với công nghệ hiện đại, thân thiết với môi trường. Công suất của các trạm này từ 300 đến 10.000m3/ngày, đêm. Các KCN này cũng hoàn thành đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động đối với nước thải.

Đơn cử tại KCN Cảng biển Hải Hà, chủ đầu tư đã đầu tư xây dựng và vận hành 1 trạm xử lý nước thải tập trung, với công suất xử lý nước thải đạt 10.000m3/ngày đêm và 1 trạm xử lý có công suất 6.000m3/ngày đêm. Tại KCN Đông Mai đã có hệ thống hồ sinh thái để ứng phó và khắc phục sự cố của hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN.

Hệ thống xử lý nước thải tại KCN Cảng biển Hải Hà

Hệ thống xử lý nước thải tại KCN Cảng biển Hải Hà

Còn tại KCN Cái Lân, KCN được thành lập sớm nhất của tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2002 để đáp ứng nhu cầu phát triển, chủ đầu tư đã triển khai đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung giai đoạn I với quy mô 2.000m3/ngày đêm. Đến nay, trạm xử lý nước thải này vẫn đang được vận hành ổn định, với công suất khoảng 500-700m3/ngày đêm, đảm bảo thu gom, xử lý toàn bộ lượng nước thải phát sinh từ KCN Cái Lân giai đoạn I.

Ông Hong Tian Zhu - Tổng Giám đốc công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam, cho biết, ngay từ khi triển khai đầu tư hạ tầng KCN, doanh nghiệp đã lựa chọn những công nghệ hiện đại để thu dung, xử lý nguồn nước thải đối với các nhà máy bởi sản xuất sợi dệt, may mặc được xác định có nhiều yếu tố dễ gây ảnh hưởng cho môi trường. Ngoài ra, trong KCN còn triển khai trồng nhiều cây xanh, tạo nên không gian xanh, sạch, thân thiện với môi trường.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư nước ngoài đạt khoảng 2,5-3 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 đạt 3-4,5 tỷ USD; vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 đạt 1,5-2 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 khoảng 2-3 tỷ USD. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng trên 50% và đến năm 2030 tăng 100% so với năm 2018.

Bên cạnh việc quản lý, theo dõi, vận hành hiệu quả các trạm quan trắc môi trường tự động tại địa bàn các KCN, tỉnh Quảng Ninh cũng kiên quyết không để các KCN đi vào hoạt động nếu như chưa đầu tư đầy đủ, đồng bộ hệ thống xử lý nước thải cũng như xây dựng phương án ứng phó, xử lý sự cố môi trường theo quy định. Ngoài ra, việc thu hút đầu tư vào các KCN cũng được tỉnh Quảng Ninh chủ động hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc.

Theo BQL KKT tỉnh Quảng Ninh, 9 tháng đầu năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cấp giấy chứng nhận thu hút 8 dự án đầu tư FDI mới và điều chỉnh tăng vốn cho 4 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,076 tỷ USD, tăng 2,73 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, các dự án FDI thu hút mới trong 9 tháng qua đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây là các lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian vừa qua nhưng cũng nằm trong danh mục các ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, để tạo điều kiện thu hút đầu các nhà đầu tư nước ngoài, Quảng Ninh không thu hút đầu tư các dự án có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu. Đồng thời, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp sản xuất có giá trị gia tăng cao, công nghiệp điện, điện tử, vật liệu mới…