Dự án đường sắt nghìn tỷ treo kéo theo hàng nghìn người dân khổ sở. Ảnh Lê Cường

Dự án đường sắt nghìn tỷ treo kéo theo hàng nghìn người dân khổ sở. Ảnh Lê Cường

Tuyến đường sắt Hạ Long – Hà Nội do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có chiều dài 113 km với công suất đón tiễn đạt 12 chuyến/ngày. Dự án được phê duyệt từ năm 2004 với tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ, chia làm 4 tiểu dự án gồm: tiểu dự án Yên Viên - Lim; Lim - Phả Lại; Phả Lại - Hạ Long; Hạ Long - Cái Lân. Gần 20 năm nay dự án vẫn “treo” kéo theo sự khổ sở của hàng nghìn người dân.

Dân nghèo vì dự án nghìn tỷ

Quảng Ninh có trên 3.600 hộ dân ở các địa phương gồm thành phố Hạ Long, Uông Bí, thị xã Đông Triều, Quảng Yên trong diện dự án đi qua bị ảnh hưởng. Từ khi được phê duyệt đến nay, dự án đã nhiều lần thay đổi về thời gian hoàn thành. Hàng nghìn hộ dân đã hết năm này qua năm khác trông chờ dự án tái khởi động.

Ông Trần Văn Nhuần, tổ 36C, khu 10 phường Quang Trung, thành phố Uông Bí bức xúc, dự án đường sắt đi qua nhà ông hơn chục năm nay nhưng chưa triển khai. Ông muốn tách sổ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho con hoặc xây nhà không được vì có dự án.

"Cứ như thế này, đến đời con, đời cháu cũng không xây được nhà để ở. Đã vậy, thời gian thực hiện lại tiếp tục kéo dài thì biết khi nào mới chuyển nhượng, tách sổ chia đất cho con cháu. Nếu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục triển khai dự án thì đề nghị tiến hành sớm", ông Nhuần chia sẻ.

Cũng vì không thể tách sổ, chuyển nhượng hay xây dựng… mà gia đình 3 thế hệ nhà ông Nhuần sống chật chội trong căn nhà cấp 4 được xây dựng quá nửa thế kỷ. Cứ mưa là con cháu của ông phải lấy chậu hứng nước.

 Đất vàng của người dân bị dự án treo kìm tỏa chỉ để cỏ dại mọc Ảnh Lê Cường

Đất vàng của người dân bị dự án treo kìm tỏa chỉ để cỏ dại mọc Ảnh Lê Cường

Anh Nguyễn Xuân Trường, tổ 8, khu 7, phường Thanh Sơn, TP Uông Bí, cho biết, hiện nay gia đình tôi đang muốn chuyển nhượng nhà đất cho người khác. Tuy nhiên, thành phố có công văn trả lời không được chuyển nhượng vì nằm trong vùng dự án. Do dự án đã “treo” từ rất lâu nên chúng tôi mong nếu thực hiện dự án thì thực hiện sớm, không thì đề nghị bỏ để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân.

“Do vướng quy hoạch, các hộ dân chúng tôi phải sống trong tình trạng không được xây cất, sửa chữa nhà ở, mưa thì dột nắng thì nóng. Mặt khác, cơ sở hạ tầng không được đầu tư xây dựng khiến cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Việc bán nhà hay vay vốn để mở mang phát triển kinh tế cũng bị kìm hãm, đúng là dân chúng tôi nghèo vì dự án treo quá lâu”, anh Trường bức xúc nói.

>>Du lịch Quảng Ninh: Đánh thức kinh tế đêm

Theo ghi nhận của DĐDN, trên địa bàn Quảng Ninh, còn nhiều hộ phải ở chung, 4 - 5 cặp vợ chồng, con cái sống trong 1 căn nhà chỉ vài chục m2 vì đất của họ thuộc dự án nên không được xây dựng, sửa chữa.

Được biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 thì hàng nghìn hộ dân sẽ tiếp tục thấp thỏm chờ đợi, không chỉ 4 năm mà có thể là 8 năm nữa.

Có đất mà không dám cất nhà

Đó là câu chuyện của gần trăm hộ dân ở thành phố “đáng sông” Hạ Long. Họ sống bên dự án bị treo hàng thập kỷ.

Dự án khai thác sét làm vật liệu xây dựng sản xuất gạch tại thôn Xích Thổ (xã Thống Nhất, TP Hạ Long) được UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định phê duyệt ranh giới quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ năm 2012 cho Công ty CP Viglacera Hạ Long. Thời điểm đó, Dự án được quy hoạch với tổng diện tích 108ha, triển khai trong 5 giai đoạn, mỗi giai đoạn 6 năm, thời hạn cấp phép 30 năm.

Giai đoạn 1 của dự án được triển khai trên diện tích khoảng 20ha ở khu vực Tây Bắc của dự án. Trong đó, có khoảng 20.000 m2 đất ở, phải di dời gần 60 hộ dân. Việc đền bù giải phóng mặt bằng được triển khai từ tháng 5.2014 theo hình thức công ty tự thỏa thuận với các hộ dân.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hồng, tổ 5, thôn Xích Thổ có 4 thế hệ ở trong một ngôi nhà cấp 4 chật chội rộng chưa đầy 50m2 cho biết: “Gần 10 năm nay, gia đình đau đáu ý nguyện tách thửa chia đất xây nhà cho con cháu ra ở riêng, nhưng làm thủ tục nhiều lần đều bị chính quyền các cấp trả hồ sơ với lý do nằm trong vùng dự án. Xóm này nhiều nhà có tiền nhưng không dám xây nhà, vì sợ mất trắng khi dự án rục rịch khởi động lại”.

Ông Phạm Văn Luyến, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết, doanh nghiệp tự thỏa thuận giải phóng mặt bằng với người dân, chủ yếu ở phần đất nông nghiệp, chưa giải quyết các vấn đề về nhà ở, di dời hộ dân ra khỏi vùng quy hoạch.

“Rất mong các cơ quan chức năng xem xét thu hồi dự án hoặc điều chỉnh dự án để người dân ổn định cuộc sống", ông Luyến nói.

Hàng nghìn hộ gia đình đang bị “kìm hãm”, “phong tỏa” trên chính mảnh đất xương máu của mình sẽ tiếp tục kéo dài đến bào giờ? Họ không đáng phải sống trong tình cảnh như vậy, nhu cầu sinh cơ lập nghiệp, xây nhà dựng cửa của người dân phải được tôn trọng, tạo điều kiện. Cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương cần sớm vào cuộc chấm dứt thực trạng này.