Ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, để đảm bảo tiến độ triển khai các CCN, các địa phương cần nhanh chóng rà soát, bổ sung quy hoạch CCN trong quy hoạch chung trên địa bàn để tích hợp vào Quy hoạch chung của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, góp phần quan trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Việc bố trí các CCN phải bám sát với thế mạnh, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Trong đó, phải chú trọng đến các yếu tố về giao thông, môi trường, nguồn nhân lực…

Công nhân làm việc tại CCN Hà Khánh, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Công nhân làm việc tại CCN Hà Khánh, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Theo đề án “Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển CCN tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt thì đến năm 2020, tỉnh Quảng Ninh sẽ có 9 CCN với diện tích 470,8ha. Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện mới chỉ có 7 CCN với diện tích 391,3ha đang hoạt động.

Nguyên nhân được xác định là do một số CCN như: CCN Kim Sen (thị xã Đông Triều), CCN Nam Sơn (huyện Ba Chẽ)... chưa lựa chọn được chủ đầu tư có năng lực, tài chính, kinh nghiệm đã khiến việc đầu tư hạ tầng kéo dài, không đáp ứng kịp thời hoạt động sản xuất, không thu hút các doanh nghiệp thứ cấp.

Ngoài ra, các CCN chủ yếu đầu tư xây dựng nhằm thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở TTCN, hợp tác xã... Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều doanh nghiệp với các dự án đầu tư lớn mang tính đột phá cho phát triển công nghiệp Quảng Ninh không mấy mặn mà khi lựa chọn đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN, nhất là ở huyện miền núi, biên giới, hải đảo.

Cũng theo đề án “Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, toàn tỉnh sẽ có 18 CCN với tổng diện tích trên 861 ha.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đang rất tích cực phê duyệt quy hoạch, thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các CCN. Hiện địa phương đang tiến hành thẩm định thành lập 2 CCN tại Bình Liêu, Hải Hà và đề nghị bổ sung vào quy hoạch đối với CCN huyện Vân Đồn.

Trước đó, vào đầu tháng 3/2021, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định thành lập CCN Phương Nam (TP Uông Bí). CCN Phương Nam có diện tích gần 63ha với tổng vốn đầu tư trên 545 tỷ đồng do công ty cổ phần công nghiệp Cẩm Thịnh làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

CCN Phương Nam được thành lập để phục vụ việc di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị phải di dời trên địa bàn TP Uông Bí theo Nghị quyết 201/2019/NQ-HĐND tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, bố trí các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất lắp ráp cơ khí, sửa chữa thiết bị, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm - thủy sản… trên địa bàn TP Uông Bí và vùng lân cận.

Công nhân làm việc tại nhà máy chế biến thủy sản của Công ty CP Thủy sản BNA thuộc CCN Nam Sơn, huyện Ba Chẽ (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Công nhân làm việc tại nhà máy chế biến thủy sản của Công ty CP Thủy sản BNA thuộc CCN Nam Sơn, huyện Ba Chẽ (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Đến giữa tháng 9/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ban hành quyết định về việc thành lập CCN Đông Mai (thị xã Quảng Yên). Theo đó, CCN Đông Mai có diện tích 16ha với tổng vốn đầu tư gần 210 tỷ đồng, do Công ty CP XNK quốc tế Tân Đại Dương là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Các cơ sở sản xuất được bố trí hoạt động tại CCN này gồm: chế biến thực phẩm; chế biến gỗ; sản xuất giày dép; sản xuất khí công nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo khác…

Theo kế hoạch, trong quý III/2022, chủ đầu tư sẽ hoàn thiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và quý IV/2022 triển khai thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Hiện, chủ đầu tư đang triển khai lập quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, phê duyêt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật...

Ông Bùi Xuân Tờ - Tổng Giám đốc công ty cổ phần công nghiệp Cẩm Thịnh cho biết, CCN Phương Nam được kỳ vọng không chỉ tạo động lực phát triển công nghiệp TP Uông Bí, mà còn là hành lang kinh tế khu vực phía Tây của tỉnh Quảng Ninh. Hiện chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc phối hợp với doanh nghiệp để triển khai các bước tiếp theo của việc đầu tư xây dựng CCN Phương Nam. Về phía doanh nghiệp, đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng thiết bị, máy móc, nhân lực... đảm bảo triển khai đầu tư hạ tầng CCN theo đúng tiến độ, quy hoạch như đã cam kết ngay sau khi có mặt bằng sạch.

Không chỉ thu hút doanh nghiệp đầu tư, nhiều CCN trên địa bàn tỉnh đã phát huy được hiệu quả, đáp ứng nhu cầu di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, một số CCN đã thu hút được nhiều doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh với tỷ lệ lấp đầy đạt ở mức cao.

Đơn cử như CCN Nam Sơn (huyện Ba Chẽ), sau 6 năm đi vào hoạt động, hiện CCN đã thu hút được 7 nhà đầu tư thứ cấp với tỷ lệ lấp đầy gần 90%. Hay tại CCN Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả), được hoàn thiện và đi vào hoạt động từ tháng 5/2019, đến nay CCN có trên 200 nhà đầu tư thứ cấp đăng ký vào sản xuất, kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy đạt 80% diện tích. Trong đó, có gần 30 cơ sở đang đầu tư xây dựng hạ tầng nhà xưởng, nhiều cơ sở đã đi vào hoạt động ổn định.

Theo đại diện Công ty CP Thủy sản BNA (thuộc CCN Nam Sơn), đầu năm 2020, nhà máy sơ chế tôm của công ty chính thức hoạt động tại CCN Nam Sơn. Trong thời gian hoạt động, địa phương thường xuyên tổ chức đối thoại gặp mặt doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Nhờ những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đến nay, công ty đã ổn định sản xuất, kinh doanh. Đến nay, quy mô nhà máy được mở rộng công suất sản lượng sơ chế tôm đạt 10-15 tấn/ngày.

Việc tập trung thu hút đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư tại các CCN đã mở ra nhiều cơ hội phát triển công nghiệp cho các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, giải quyết được nhu cầu việc làm cho người lao động địa phương; góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Theo báo cáo đề xuất phát triển CCN để đưa vào quy hoạch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh sẽ phấn đấu có 32 CCN với tổng diện tích 1.712,64ha, bình quân 53,52ha/cụm. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, phấn đấu thu hút đầu tư hạ tầng CCN và dự án đầu tư thứ cấp đạt khoảng 17,6 nghìn tỷ đồng và tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào các CCN đạt khoảng 13 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2030, phấn đấu tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN trên địa bàn tỉnh đạt từ 60-75%; thu hút 30.000-40.000 lao động; giữ tỷ lệ CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường ổn định và tỷ lệ các cơ sở kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường ổn định đạt 100%.