>> Tăng tốc quản lý thuế các giao dịch điện tử

Theo đó, tại trả lời Công văn số 10569/BTC-TCT ngày 14/9/2021 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (Dự thảo), bên cạnh một số quy định khó khả thi, thiếu rõ rang, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, quy định về doanh thu tính thuế giá trị gia tăng còn mâu thuẫn.

Quy định về doanh thu tính thuế giá trị gia tăng còn mâu thuẫn - Ảnh minh họa

Quy định về doanh thu tính thuế giá trị gia tăng còn mâu thuẫn - Ảnh minh họa

Theo VCCI, Điều 10.1 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định, doanh thu tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) bao gồm cả khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền. Tuy nhiên, quy định này cần được xem xét do không phù hợp với các quy định pháp luật về thuế GTGT.

Cụ thể, Điều 5.1 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định các khoản tiền thưởng, tiền hỗ trợ không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT; Điều 7.5 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định giá trị thuế với hàng hóa khuyến mại là 0; Điều 7.22 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định giá tính thuế GTGT là giá bán đã chiết khấu cho khách hàng;

“Như vậy, pháp luật về thuế GTGT quy định các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, chi hỗ trợ bằng tiền không gắn với hoạt động quảng cáo không chịu thuế GTGT. Hay nói cách khác, quy định tại Điều 10.1 Thông tư 40/2021/TT-BTC đang mâu thuẫn với quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Hơn nữa, quy định này cũng vướng mắc cho các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh khi thực hiện do không có căn cứ để khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định tại Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC”, VCCI góp ý.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định nhằm bãi bỏ quy định này.

Bên cạnh đó VCCI cũng chỉ rõ và góp ý về một số quy định chưa phù hợp - Ảnh minh họa

Bên cạnh đó VCCI cũng chỉ rõ và góp ý về một số quy định chưa phù hợp - Ảnh minh họa

Ngoài những vấn đề đã nêu, về một số quy định khác tại Dự thảo, theo VCCI, trong thời gian vừa qua, VCCI cũng nhận được một số ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp.

Trong đó, về ngưỡng chịu thuế thu nhập của hộ, cá nhân kinh doanh, theo quy định tại Điều 2.1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế 2014, ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh là 100 triệu đồng.

>> Hóa đơn điện tử: Bước chuyển quan trọng trong quản lý thuế

Tuy nhiên, theo phản ánh, ngưỡng này đã được xây dựng từ năm 2014 và chưa phù hợp trong thời điểm hiện nay, khi giá cả đã có sự thay đổi khá lớn so với thời điểm trước. Đặc biệt, ngưỡng chịu thuế thu nhập từ kinh doanh có vẻ thấp hơn nhiều khi so sánh trong cùng tương quan với thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công (ngưỡng chịu thuế 132 triệu đồng/năm chưa tính giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc).

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định này.

Về kê khai, nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định các tổ chức sau thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh: Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân; Tổ chức chi trả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền mặt;

Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là chưa phù hợp bởi tại thời điểm chi trả thu nhập, doanh nghiệp chưa có căn cứ xác định xem cá nhân đó có thuộc diện phải khấu trừ thuế hay không (có đạt mức doanh thu 100 triệu/năm). Việc này tạo ra gánh nặng chi phí và vận hành rất lớn cho doanh nghiệp trong quá trình theo dõi, đôn đốc, thu hồi các khoản thuế thu hộ.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, các hộ, cá nhân kinh doanh đã tự thực hiện nộp thuế với các doanh thu phát sinh từ việc bán hàng, do đó việc tách riêng trách nhiệm nộp thuế với khoản thưởng, hỗ trợ… giao cho doanh nghiệp là chưa hợp lý, tăng thêm đầu mối kê khai và tạo gánh nặng hành chính không hợp lý lên doanh nghiệp.

“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định này cho phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp”, VCCI góp ý.