Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Jack Trần Tours cho rằng, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chính là "đòn bẩy" giúp doanh nghiệp và ngành du lịch nước nhà đi lên, việc thành lập Quỹ là một phương án hữu hiệu và ý nghĩa. Tuy nhiên, để Quỹ được hoạt động theo đúng công năng và minh bạch thì còn nhiều việc phải làm.

Ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Jack Tran Tours.

Ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Jack Tran Tours.

- Được thành lập từ năm 2018, tuy nhiên đến hiện tại Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vẫn chưa hoạt động mạnh bởi các doanh nghiệp không quá mặn mà với vấn đề này. Ông nghĩ thế nào về việc phát triển Quỹ và hướng đi nào sẽ giúp Quỹ hoạt động có hiệu quả nhất?

Quỹ phát triển du lịch nếu phát triển được là một việc rất tốt và ý nghĩa đối với lực lượng doanh nghiệp ngành du lịch ở hiện tại và tương lai. Thế nhưng, việc thành lập quỹ và hoạt động nghe nói từ rất lâu rồi nhưng vẫn chưa thấy tiến triển.

Hiện tại, để có quỹ bền vững ngoài việc kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp thì việc trích lại một phần doanh thu của ngành du lịch đóng góp về cho quốc gia. Từ nguồn ngân sách trích làm quỹ có có thể dùng các công tác, kế hoạch, hoạt động quảng bá du lịch cho hiệu quả. Có thể trích từ 5-10% doanh thu của ngành du lịch để đầu tư cho các hoạt động phát triển du lịch, đặc biệt là việc marketing, quảng bá du lịch nước nhà.

- Nói về vấn đề marketing du lịch, ông có suy nghĩ gì về chiến lược quảng bá thương hiệu nước nhà trong thời gian qua?

Hiện tại, chiến lược marketing về du lịch của Việt Nam vẫn còn ở mức thô sơ, chưa thực sự đặc sắc. Do đó, ngành du lịch Việt Nam cần phải làm nhiều việc hơn, chuyên nghiệp hơn nữa và cần những bước đi đột phá hơn.

Nếu chúng ta không tự làm được thì có thể mời chuyên gia, cố vấn “lão làng” ở nước ngoài về để chia sẻ kinh nghiệm giúp ngành du lịch tiếp tục đi lên. Ngoài ra, có thể hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch để các đơn vị có nguồn quỹ dồi dào, nhằm quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp, từ đó tìm được hướng đi mạnh mẽ, vượt bậc.

Để Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hoạt động có hiệu quả, không chỉ dựa vào sự tài trợ của doanh nghiệp mà cần trích từ nguồn lực đóng góp của ngành du lịch.

Để Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hoạt động có hiệu quả, không chỉ dựa vào sự tài trợ của doanh nghiệp mà cần trích từ nguồn lực đóng góp của ngành du lịch.

Vậy nên, khi có Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch rồi, chúng ta cũng cần có đội ngũ, ban điều hành quỹ đủ tâm, đủ tầm thì mới đạt được hiệu quả cao. Từ đó, các doanh nghiệp lớn sẽ có tiếng nói, hoạch định công việc để quỹ hoạt động tạo ra sản phẩm mới giới thiệu đến bạn bè thế giới. Đặc biệt, các sản phẩm phải được “update” thương xuyên để tạo thêm điểm nhấn và thu hút.

- Vậy, ngoài việc dùng cho chiến lược marketig, ông có nghĩ rằng việc phát triển Quỹ cũng sẽ là “phao cứu sinh” đối với các doanh nghiệp trong lúc khó khăn?

Đúng vậy, việc thành lập quỹ cũng có thể dùng vào việc “cứu” doanh nghiệp. Đơn cử như trong giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 như hiện nay.

Trên thực tế, doanh nghiệp du lịch là cộng đồng đóng góp cực kỳ lớn cho ngân sách của quốc gia. Thế nhưng, khi khó khăn xảy ra thì doanh nghiệp du lịch vẫn rất khó trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ngoài ra việc hỗ trợ cũng rất ít trong giai đoạn hiện tại.

Hiện nay chỉ còn khoảng 10% các doanh nghiệp du lịch vẫn đang sống lay lắt. Do đó, cần có “hào bao” để cứu doanh nghiệp trong những lúc này. Việc trích quỹ phát triển du lịch để cho doanh nghiệp vay cũng là một phương án hay.

Quỹ sẽ được chuyển về ngân hàng nhà trước, sau đó doanh nghiệp sẽ làm các thủ tục để được vay. Trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp có khoản kinh phí để xoay sở sẽ tạo dấu ấn tốt hơn, doanh nghiệp trân trọng, cảm kích hơn sự hỗ trợ.

Để từ đó, doanh nghiệp sẽ cống hiến nhiều hơn khi mọi thứ quay trở lại bình thường. Nhà nước cứu doanh nghiệp thì sẽ nhận lại được sự tương tác từ doanh nghiệp theo các chiều hướng tích cực hơn nữa. Vấn đề là lâu nay nhà nước mình vẫn còn làm việc quá truyền thống, thiếu đi sự quan tâm đối với cộng đồng doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

“Thực hiện Nghị quyết 84/NG-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”