>> Những “trụ cột” tăng trưởng năm 2023

Năm mới, nhận diện thách thức mới

Năm Quý Mão 2023, thế giới bước sang một năm với nhiều vấn đề mà các quốc gia vẫn sẽ phải tiếp tục đối mặt. Các thách thức với hầu hết quốc gia cũng sẽ là thách thức của Việt Nam, trong đó, nổi bật là tác động của biến động chuỗi cung ứng toàn cầu và bất ổn an ninh năng lượng đến từ chiến tranh Nga-Ukraina.

Chu kỳ thắt chặt tiền tệ được dự báo vẫn tiếp tục vào 2023. Ảnh: Yonhap News

Chu kỳ thắt chặt tiền tệ được dự báo vẫn tiếp tục vào 2023. Ảnh: Yonhap News

Cùng với đó, lạm phát tuy có dấu hiệu hạ nhiệt song vẫn ở mức cao khiến chính sách thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất vẫn sẽ được các ngân hàng trung ương lớn, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực thi. Do ảnh hưởng tình hình chung, sản xuất kinh doanh dự báo sẽ thu hẹp trong nửa đầu năm. Nhiều lĩnh vực, ngành xuất khẩu sẽ thiếu hụt đơn hàng, dẫn đến những nỗi lo về giảm công ăn việc làm, thất nghiệp, giảm thu nhập... vẫn còn tồn tại.

Tuy nhiên, bên cạnh các thách thức mới với hầu hết quốc gia, vẫn còn những điểm sáng kỳ vọng sẽ thay đổi các cục diện tăng trưởng.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 1 đã được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố, tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 xuống còn 1,7%, thay vì 3% đã đưa ra trước đó. Mức tăng trưởng chậm sẽ xảy ra ở 95% các nền kinh tế phát triển và gần 70% trong số các nền kinh tế mới nổi.

Kỳ vọng các động lực tăng trưởng

Đáng chú ý, với Việt Nam, World Bank nhận định dù còn nhiều thách thức, song năm nay Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Sức tiêu dùng nội địa mạnh theo World Bank sẽ

Sức tiêu dùng nội địa mạnh theo World Bank sẽ là yếu tố giúp tạo ra dòng tiền ổn định trong nền kinh tế năm 2023. Ảnh: L.Mỹ

Mức tăng trưởng GDP dự báo năm 2023 đạt 6,3% giúp Việt Nam đứng vị trí thứ 2 về tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực. Theo sau là Philippines, Mông Cổ, Campuchia, Trung Quốc…

"Chúng tôi dựa vào những động lực chính, giúp duy trì đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay gồm sức tiêu dùng nội địa rất mạnh. Nên nhớ rằng đây là yếu tố giúp sản xuất kinh doanh trong nước được duy trì, hàng hoá được lưu chuyển, tạo ra dòng tiền ổn định trong nền kinh tế trong bối cảnh sức tiêu thụ bên ngoài thấp do tác động của lạm phát, sức cầu bị tác động lớn", bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết.

>> Khơi thông thị trường vốn 2023: Chờ hiệu ứng đầu tư công và ổn định tiền tệ

Trong khi World Bank đặt kỳ vọng vào sức tiêu dùng nội địa, hỗ trợ cho thiếu hụt có thể xảy ra từ động lực xuất khẩu, thì một cách lạc quan hơn, nhiều kinh tế gia đặt kỳ vọng ngay cả động lực xuất khẩu của Việt Nam cũng không bị suy giảm lớn. 

Báo cáo về kinh tế ASEAN mới nhất của Maybank Group với chủ điểm “ Bầu trời xanh hơn của ASEAN” nhận định: Việc mở cửa của Trung Quốc sau giai đoạn dài duy trì net - Zero sẽ hỗ trợ cho kinh tế ASEAN-6. 

TS.Chua Hak Bin, Kinh tế gia trưởng của Maybank cho biết: Trước đại dịch, khách du lịch Trung Quốc là nguồn khách lớn nhất của ASEAN-6, đã thực hiện 27 triệu chuyến đi và đóng góp khoảng 32,4 tỷ USD doanh thu du lịch cho ASEAN-6 vào năm 2019. 

Việt Nam sẽ là nước thứ hai sau Thái Lan hưởng lợi nhờ chính sách tái mở cửa của Trung Quốc sau Covid-19. Nguồn: Maybank

Việt Nam sẽ là nước thứ hai sau Thái Lan hưởng lợi nhờ chính sách tái mở cửa của Trung Quốc sau Covid-19. Nguồn: Maybank

“Sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy ngành khách sạn, bán lẻ và hàng không các lĩnh vực, và giảm bớt suy thoái sản xuất và xuất khẩu”, TS Chua Hak Bin nhấn mạnh.

Một số số liệu cho thấy cơ sở lạc quan của nhận định trên: Vào tháng 11 năm 2022, trước khi mở cửa trở lại gần đây, Trung Quốc chỉ đón khoảng 126 nghìn lượt khách du lịch trong ASEAN-6, tương đương 5,6% so với mức trước đại dịch. Sử dụng quỹ đạo mở cửa trở lại và trung bình giữa tốc độ phục hồi khách du lịch ra nước ngoài chậm (giới hạn dưới) của Nhật Bản và tốc độ phục hồi khách du lịch ra nước ngoài nhanh chóng (giới hạn trên) của Hàn Quốc, chúng tôi ước tính lượng du khách Trung Quốc đến ASEAN-6 sẽ đạt 10,5 triệu vào năm 2023 hoặc 38% so với mức trước đại dịch năm 2019 (thấp hơn nhiều hơn dự báo của Viện Nghiên cứu Du lịch Nước ngoài Trung Quốc là 59% các chuyến đi nước ngoài, không bao gồm Hồng Kông và Ma Cao). Tuy nhiên, dự báo của chúng tôi cho thấy mức tăng gấp 12 lần vào năm 2022. 

“Đến tháng 12 năm 2023, chúng tôi kỳ vọng lượng khách Trung Quốc sẽ đạt 71% so với mức trước đại dịch”, các chuyên gia của định chế hàng đầu trong khu vực dự báo và đồng thời cho rằng, các quốc gia “chiến thắng” nhờ sự mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ là: Thái Lan, Việt Nam, Malaysia & Singapore. 

Trong đó, nếu như Thái Lan có doanh thu từ du lịch Trung Quốc chiếm 3,1% GDP trước dịch thì Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi lớn thứ hai, với lượng khách Trung Quốc chiếm 31% tổng lượng khách và doanh thu từ du lịch Trung Quốc chiếm 1,4% GDP. 

Cho đến nay, sự phục hồi của khách du lịch Trung Quốc đến cuối năm 2022 nhanh hơn ở Indonesia (14% so với trước đại dịch) và Malaysia (11%), và chậm hơn ở Việt Nam (3%) và Thái Lan (5%). 

Một chuyên gia cho rằng không chỉ các ngành  khách sạn, bán lẻ và hàng không các lĩnh vực được phục hồi nhờ nhu cầu “du lịch trả thù” từ lượng du khách Trung Quốc, qua đó giảm bớt suy thoái sản xuất và xuất khẩu, mà ở Việt Nam, một lĩnh vực đang cần “đòn bẩy” để tăng nhiệt và tạo hiệu ứng lan tỏa cho nhiều ngành liên quan, là bất động sản, cũng sẽ được hưởng lợi. Bởi đi kèm với du lịch là hạ tầng du lịch, là các dự án bất động sản gắn liền với phân khúc phục vụ nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe…; ngoài ra, sẽ là cơ hội tăng sóng cho các giao dịch tài sản bao gồm M&A, tạo thanh khoản sơ và thứ cấp cho thị trường đầu tư tài sản lớn. 

Tăng mã lực của cỗ xe “tam mã” cùng đầu tư công

Hoàn thiện trụ cột “cỗ xe tam mã” ở mảnh ghép đầu tư, đầu tư công được cho là sẽ là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023.

Chính phủ bấm nút khởi công Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 với các dự án thành phần ngay đầu năm 2023, thể hiện quyết tâm lớn với thúc đẩy hiệu quả lan tỏa đầu tư công. Ảnh: VGP

Chính phủ bấm nút khởi công Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 với các dự án thành phần ngay đầu năm 2023, thể hiện quyết tâm lớn thúc đẩy hiệu quả lan tỏa đầu tư công. Ảnh: VGP

Tháng 12/2021, Chính phủ đã công bố dự toán ngân sách năm 2023, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (hay còn gọi là đầu tư công) ước đạt 698.867 tỷ đồng, tăng 28,9% so với kế hoạch năm trước. Con số này bao gồm vốn phân bổ cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Năm 2023,  theo Chứng khoán VNDirect, kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công năm sẽ tăng 20-25% so với giải ngân thực tế năm 2022 nhờ (1) nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới; và (2) giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm tới.

Trong đầu tư công, trọng điểm và chiếm phần lớn trong ngân sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 2022-2023 là hạ tầng giao thông, thì theo Bộ Giao thông Vận tải, ước tính sẽ có lần lượt 355km/177km đường cao tốc tại cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 sẽ được hoàn thành trong năm 2023-24. Bên cạnh đó, 729km đường cao tốc tại dự án Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 cũng sẽ đi vào vận hành lần lượt trong giai đoạn 2023-25. 

Ngày 6/1/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán NSNN và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Tại Nghị quyết, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là “Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế”.

Trong đó, giải pháp cụ thể đầu tiên được Nghị quyết nêu chính là: “Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công… để thực hiện ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Bố trí vốn theo tiến độ thực hiện cho dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội nhằm dẫn dắt, huy động các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước, tạo các động lực phát triển, cực tăng trưởng mới, đồng thời bảo đảm phát triển hài hòa giữa các địa phương, vùng, miền. Triển khai quyết liệt giải ngân vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng, tránh trục lợi.”

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo diễn biến phức tạp, việc khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các bộ, ngành, địa phương, góp phần phát triển nhanh và bền vững. 

Ở góc độ Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, năm nay, Bộ sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ thực hiện chính sách gia hạn, kéo dài giãn, hoãn thời gian nộp thuế như chính sách đã thực hiện trong năm 2022. Đồng thời, đề xuất Chính phủ và đã được Chính phủ chấp thuận giảm 30% tiền thuê đất và thực hiện giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, cùng một số khoản phí, lệ phí; tập trung để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp.