Tại Lễ ra mắt Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19 diễn ra tối 5/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã rất cảm động trước hình ảnh những người nông dân chia sẻ từng mớ rau, cân gạo cho lực lượng chống dịch, hay bà mẹ liệt sỹ đến trụ sở chính quyền ủng hộ những đồng tiền do mình chắt chiu, dành dụm đã đi sâu vào tâm trí chúng ta. Hình ảnh các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp kinh phí, trí tuệ, công sức đã thể hiện trách nhiệm xã hội cao đẹp đối với đất nước.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

“Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 là sự chắt chiu của người dân, là truyền thống nhân ái của dân tộc. Nhân dân đã trao cho chúng ta sự tin tưởng. Vì vậy việc sử dụng hiệu quả từng đồng vốn của Quỹ là lương tâm, trách nhiệm, nghĩa vụ của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Chính quyền các cấp và các Bộ, ngành liên quan”, Tư lệnh ngành Y tế nhấn mạnh.

Không được lãng phí một liều vaccine nào

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Trong những ngày tới, ông Long cho biết, khi nguồn cung vaccine dồi dào hơn, ngành y tế sẽ huy động tổng lực hơn 12.000 cơ sở y tế và hàng vạn cán bộ y tế trong cả nước thực hiện khẩn trương và hiệu quả chiến dịch tiêm chủng với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, “không bỏ phí bất cứ một liều vaccine nào” và “không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 của Việt Nam”.

Còn theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19 là nguồn lực vô cùng quý báu và quan trọng để cho đất nước ta chống lại đại dịch, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển. “Chúng tôi hiểu rằng đồng tiền trong quỹ, dù một đồng cũng là kết tinh của tình yêu thương, trách nhiệm, sự sẻ chia và tinh thần yêu nước sâu sắc của nhân dân, Chúng tôi phải có trách nhiệm quản lý đúng đắn, chặt chẽ, minh bạch, và sử dụng quỹ tiết kiệm, hiệu quả để phục vụ công tác phòng chống dịch tốt nhất cho nhân dân", Bộ trưởng Tài chính cam kết.

Thực tế, việc thành lập Quỹ Vaccine phòng COVID-19 lúc này là rất kịp thời, đúng đắn và có ý nghĩa lớn đối với xã hội. Trong hai năm qua, đã có nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ tài chính, vật phẩm để các địa phương và Chính phủ có thêm nguồn lực phòng chống dịch bệnh, cứu tế xã hội. Sự phân phối các nguồn lực ủng hộ đó có hai đặc điểm. Một là tản mát về nhiều đơn vị, địa phương khác nhau. Hai là để đối phó với dịch bệnh hơn phòng ngừa dịch bệnh.

Một mặt, việc sử dụng các nguồn lực như vậy mang lại những hiệu quả nhất định với những địa phương có dịch và vấn đề thực tiễn cụ thể, nhưng mặt khác bộc lộ điểm yếu là chưa đạt được mục đích dài hạn và hiệu quả dài hạn. Đồng tiền là mồ hôi, nước mắt của nhân dân, của các mạnh thường quân nên Nhà nước cần có giải pháp sử dụng một cách hiệu quả.

Minh bạch, liêm chính là điều kiện tiên quyết 

Gần đây Thủ tướng đã chỉ đạo “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công”, nghĩa là chúng ta vừa kết hợp giữa các biện pháp ngăn ngừa thông qua các biện pháp cách ly, giãn cách, vừa chủ động tấn công dịch bệnh bằng vaccine.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.

Chỉ có vaccine mới giúp chúng ta thoát khỏi dịch bệnh, đạt tới trạng thái miễn dịch cộng đồng để trở lại trạng thái bình thường cũ. Nên coi vaccine là một mũi nhọn tấn công vào dịch bệnh và cả nước cùng chung sức vào mũi nhọn này.

Và về cơ bản, các quy định thành lập quỹ khá chặt chẽ trong chi tiêu, có sự kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật. Quyết định thành lập quỹ đã nêu rõ “Quỹ thực hiện chế độ báo cáo kế toán, quyết toán, công khai, minh bạch tài chính quỹ theo quy định của Luật Kế toán và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Quỹ có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện thu, chi, quyết toán tài chính quỹ để tổng hợp chung nguồn lực báo cáo Chính phủ, Quốc hội trong các báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; thực hiện công khai số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại (nếu có)”.

Tuy nhiên, theo luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco, sự minh bạch, liêm chính của quỹ là điều kiện tiên quyết và là công cụ để quỹ có thể huy động được nhiều nguồn đóng góp. Bản thân quỹ ra đời từ quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ nên cơ sở pháp lý đảm bảo cho hoạt động, vận hành là rất cao. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phải ban hành quy chế tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng quỹ để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

“Xã hội nói chung và các nhà tài trợ sẽ tham gia giám sát hoạt động của quỹ, có ý kiến tham gia vào các hoạt động của quỹ nếu thấy có sự thiếu minh bạch hoặc không đúng mục đích. Với sự quyết liệt của Chính phủ, tôi tin là quỹ sẽ hoạt động, vận hành tốt và đóng góp lớn vào sự thành công của Việt Nam trước đại dịch COVID-19”, ông Phong bày tỏ.

Thực hiện Nghị quyết 84/NG-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.