Theo Nikkei Asian Review,  Go-Jek mới đây cho biết startup này vừa nhận được đầu tư từ ba công ty thuộc tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản. Ba cái tên tham gia thương vụ lần này bao gồm Mitsubishi Motors, Mitsubishi Corp., và Mitsubishi UFJ Lease & Finance. Các chi tiết về tài chính không được công bố.

2 phía cho biết sẽ sớm bàn luận các dự án mới tại khu vực Đông Nam Á nhưng chưa cho biết gì thêm, các điều khoản tài chính cũng được giữ kín.

Chủ tịch Mitsubishi Motors Osamu Masuko cho biết, "mang sự hiện diện lâu dài và bền bỉ, cùng với sức mạnh thương hiệu của Mitsubishi Motors và Mitsubishi Corp. tại Đông Nam Á, kết hợp với tiềm năng đa dạng và độc đáo của Go-Jek, chúng tôi nhìn thấy những cơ hội hợp tác sâu rộng, và sự sáng tạo sẽ thúc đẩy sự phát triển của các bên". 

Đầu năm nay, Uber và Lyft đều thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Dù vậy, những khoản lỗ hoạt động không khỏi làm dấy lên quan ngại trong giới đầu tư. Cùng lúc, các nhà đầu tư vào các ứng dụng Châu Á như Go-Jek hay Grab lại kì vọng chúng có thể đảo ngược xu thế.

Cả hai ứng dụng này đều đang nhanh chóng thực hiện chuyển đổi thành các siêu ứng dụng có thể cung cấp đa dạng các dịch vụ trên nền tảng của mình, từ đó cải thiện doanh thu.

Grab và Go-Jek cũng có tiềm năng lớn nhờ vào nền kinh tế Internet tại Đông Nam Á đang phát triển nhanh. Theo báo cáo của Google và Temasek, thị trường này được kì vọng sẽ có giá trị tới 240 tỉ USD vào năm 2025, ghi nhận tăng trưởng ấn tượng từ con số 72 tỉ USD của năm 2018.

Grab đang đẩy mạnh gọi vốn trong năm nay với mục tiêu kêu gọi được 6,5 tỉ USD chỉ trong năm 2019. Trong vòng gọi vốn gần nhất vào tháng 6, Grab nhận được 300 triệu USD từ Invesco, đưa định giá công ty lên mốc 14,3 tỉ USD.

Về phần Go-Jek, hãng đang tìm kiếm nốt khoản đầu tư trị giá 2 tỉ USD qua 2 phương thức là cho vay nợ và vốn sở hữu để đẩy mạnh quá trình "thâu tóm" 3 khu vực là Việt Nam (ứng dụng GoViet), Singapore và Thái Lan (Received) trước khi mở rộng địa bàn sang Malaysia, Myanmar và Campuchia.

Trên quy mô toàn Đông Nam Á, Go-Jek đang so kè quyết liệt với đối thủ Grab, khi đã hoàn thành vòng gọi vốn series F với các nhà đầu tư gồm Alphabet, công ty mẹ của Google; sàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc; Tencent, Mitsubishi và Quỹ Provident Capital.

Go-Jek được thành lập vào năm 2010 và hiện dẫn đầu thị trường gọi xe với khoảng 900.000 tài xế đối tác tại Indonesia, thị trường lớn nhất Đông Nam Á. Không dừng lại ở dịch vụ gọi xe công nghệ, định hướng của Go-Jek là trở thành một nền tảng phục vụ người dùng ở nhiều dịch vụ khác nhau như gọi thức ăn, hỗ trợ khách hàng đi chợ, giúp việc tại nhà, thanh toán trực tuyến,... chứ không phải chỉ là gọi xe. Chính điều này đã khiến Go-Jek trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư về công nghệ và e-commerce.