Bộ phim lấy bối cảnh ở khu K1 – Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM, nơi điều trị cho rất nhiều sản phụ đã bị nhiễm COVID-19, với những thước phim nóng hổi được quay trong 15 ngày đầu tháng 8 vừa qua.

ff

Ranh giới: (Phim đã nhận được sự đồng ý của các nhân vật khi ghi hình - Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư)

Không có một lời bình nào, chỉ có câu nói kết phim có phần mang dấu vết dụng ý của các nhà làm phim, dù vẫn để một điều dưỡng nói câu ấy chứ chẳng phải lời bình. Đó chính là câu văn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Khải: “Không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy…”.

Những thước phim chân thực và đắt giá giúp người xem được “đột nhập” vào phòng điều trị để mục sở thị, được xem hết, nghe hết, để bám theo từng bước chân luôn gấp gáp của các y bác sĩ, ghé vào căn phòng lúc nào cũng chói gắt đến ám ảnh những tiếng máy móc đang hỗ trợ bệnh nhân và cả tiếng còi báo cấp cứu.

Trong phim, các y bác sĩ không chỉ đứng trước nhiều ranh giới, mà họ còn phải đứng trước nhiều sự lựa chọn, trong đó lựa chọn nào cũng đầy day dứt. Bác sĩ Nguyễn Thị Hảo là người được giao nhiệm vụ thông báo tình hình nguy kịch của sản phụ cho bệnh nhân. Ở đầu dây bên kia là người chồng của sản phụ bắt máy. Bác sĩ Hảo thông báo tình hình phổi của bệnh nhân đã rất kém, nuôi riêng bệnh nhân đã vô cùng khó khăn, bây giờ có thêm em bé trong bụng thì khó khăn gấp đôi. Để giảm áp lực oxy cho người mẹ, các bác sĩ đã hội chẩn và buộc phải lấy em bé từ trong bụng mẹ ra.

Hình ảnh trong "Ranh giới".

Hình ảnh chân thực trong "Ranh giới".

Khi đó, sinh linh bé nhỏ mới được 21 tuần tuổi và vì mẹ nhiễm COVID-19 nên phải chấm dứt cuộc sống từ đây. Bác sĩ Hảo lặng đi khi đầu dây bên kia người chồng dường như hỏi lại một lần nữa. Anh chồng đang bị mắc kẹt ở Vũng Tàu và không thể về được.

Đó là lựa chọn để cứu mẹ hay cứu con, là ít ra một trong hai người vẫn còn cơ hội sống sót. Nhưng khi không thể cứu được cả hai, thì lựa chọn người để báo cho người thân họ lại còn xót xa hơn. Ai sẽ là người thông báo, và đây có lẽ là việc duy nhất không một bác sĩ nào muốn làm…

Thêm một phân đoạn ám ảnh trong “Ranh giới” là về bệnh nhân - thai phụ Trần Thị Vân. Cô được bạn đưa vào bệnh viện khi bị nhiễm COVID-19. Khi vào đây, cô giấu gia đình, giấu bố mẹ.

Đau đớn thay, chỉ đến khi cô mất, bố mẹ cô mới biết tin con mình bị nhiễm COVID-19 và tử vong cùng với đứa con trong bụng. Bệnh nhân Trần Thị Vân vào đây hai ngày (từ ngày 8/8) thì xảy ra tình trạng suy hô hấp nặng. Dù đã được đội ngũ y bác sĩ cứu chữa tận tình nhưng thai phụ đã không thể vượt qua khỏi.

Người bố khi nhận được tin con từ bệnh viện, ông cứ ôm ngực khóc, ông đối diện được với sự thật đau đớn và phũ phàng này. Ông cứ khóc mãi rồi chỉ biết thốt lên: “Sao vội thế, trời ơi con ơi”. Khi được bác sĩ thông báo Nhà nước sẽ lo phần mai táng, người bố lại khóc nấc lên rồi nói: “Trời ơi! Lo gì giờ này nữa trời ơi là con ơi...”…v..v.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư của “Ranh giới” chia sẻ: “Được chứng kiến những cái giây phút mà người bệnh nhân sợ không thở được và thèm thở, muốn thở thì nó mới khủng khiếp như thế nào. Người bình thường thở đã khó, thai phụ thở cho hai người còn khó gấp đôi…

Từ đó tôi mới thấy là sao cuộc sống con người mỏng manh, dễ dàng mất đi như thế trong mùa dịch này. Chính điều đấy khiến cho tôi sốc và tự ngẫm trân trọng cuộc sống, quý trọng hơi thở mình đang có hơn.”

May mắn, bộ phim không chỉ có những căng thẳng và nỗi đau tột cùng liên tiếp. Nó còn có nhiều khoảnh khắc yêu thương ngọt ngào và những niềm vui lấp lánh trên nụ cười của bệnh nhân đang hồi phục, trên những lời ân cần chăm sóc của y bác sĩ, và trên gương mặt những thiên thần vừa chào đời ở giữa nơi mà cái chết cận kề, thường trực…

Với những thước phim này, khán giả được tận mắt chứng kiến ranh giới mong manh vô cùng giữa sự sống và cái chết của những thai phụ mắc COVID-19, ranh giới dường như bị xóa nhòa giữa các y bác sĩ và các bệnh nhân là những người mẹ đang phải đơn độc chiến đấu trong một cuộc chiến dường như không cân sức.

Đó là ranh giới mong manh giữa hai thái cực cảm xúc là niềm vui tột độ khi cứu được bệnh nhân và nỗi buồn trĩu nặng khi phải bất lực buông tay một sợi dây sự sống của các y bác sĩ…

Và giữa nơi “trận mạc” đầy hủy diệt và hồi sinh ấy, các y bác sĩ và những thai phụ kia đều là những anh hùng, gợi lên những hy vọng chứa chan về sự sống hồi sinh.

Sau tất cả là tấm lòng yêu thương và hy sinh vô cùng của đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.