Ngày 15/12 là ngày thứ hai diễn ra Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam - Ngày chuyển đổi số Việt Nam - DXDay Vietnam 2020. Đây là diễn đàn do VINASA, Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi số quốc gia: Đổi mới phương thức vận hành toàn xã hội”.

bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam

Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam

Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam, đến năm 2025 dự kiến có khoảng một phần ba doanh thu ngân hàng truyền thống sẽ được quản lý bởi các mô hình kinh doanh mới, từ việc số hóa, áp dụng công nghệ trong các dịch vụ của ngân hàng. 

"Các ngân hàng truyền thống có một số lợi thế khi chuyển đổi số, như có sự tham gia của các fintech, nền tảng mở, quỹ đầu tư, tạo sân chơi rộng hơn. Để trở thành ngân hàng nền tảng mở (open banking), các ngân hàng cần tối ưu số hóa, tạo nền tảng số hoàn toàn để người dùng và người cung cấp dịch vụ có thể giao tiếp giống như mô hình Grab, đồng thời cần có được sự hỗ trợ công nghệ", bà Nguyễn Thùy Dương nhấn mạnh.

Trên thế giới hiện nay có khoảng 5 mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng. Thứ nhất là ngân hàng truyền thống chuyển đổi số, đây là mô hình mà phần lớn các ngân hàng Việt Nam đang thực hiện. Thứ hai là Ngân hàng số NEO Bank, đây là dạng ngân hàng không chi nhánh, quan hệ đối tác lớn manh, một điểm tiếp xúc, hỗ trợ 24/7 trên ứng dụng, giá cả hấp dẫn. Thứ ba, các Fintech ra đời cung cấp các sản phẩm về dịch vụ tài chính-ngân hàng. Thứ tư, các Techfin bao gồm Google, Amazon, Facebook, Apple. Thứ năm là kết hợp cả mô hình ngân hàng truyền thống và ngân hàng số.

Bà Nguyễn Thùy Dương cho rằng, số hóa ngành ngân hàng ở Việt Nam phải xuất phát từ việc chúng ta sẽ số hóa cá nhân ra sao?. "Nếu ngân hàng nào tuyên bố đang làm ngân hàng số thì cần phải hiểu ngân hàng số là một khái niệm rất rộng, không phải đích đến mà là một con đường dài, và trên con đường đó xuất phát bao giờ cũng là số hóa cá nhân để tăng trải nghiệm cho khách hàng", bà Dương nhấn mạnh.

Toàn cảnh phiên chuyên đề chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Toàn cảnh phiên chuyên đề chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Theo bà Nguyễn Thùy Dương, hiện có 4 rào cản lớn mà các ngân hàng tại Việt Nam gặp phải khi thực hiện chuyển đổi số:

Thứ nhất là liên hệ với chiến lược kinh doanh, phần lớn các ngân hàng không xác định rõ tầm nhìn về số hóa ngân hàng và mối liên hệ với chiến lược kinh doanh của các ngân hàng.

Thứ hai là khung pháp lý, hiện chưa có khung pháp lý với các ý tưởng về các sản phẩm số hóa hoàn toàn mới, dẫn đến các ngân hàng dè dặt trong việc ra mắt sản phẩm mới. Tuy nhiên vẫn phải đánh giá rất cao nỗ lực của NHNN khi đã cho phép mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức định danh điện tử (eKYC). 

Thứ ba là phương thức làm việc theo lối cũ, phương thức này chưa có tư duy làm việc theo phương pháp Agile.

Thứ tư là các hệ thống được kế thừa, hầu hết các ngân hàng gặp thách thức với các hệ thống hiện tại và vấn đề này cần được giải quyết ở chiến lược công nghệ thông tin.

"Trong thời đại công nghệ số, mọi tổ chức cần phải suy nghĩ như một nhà chiến lược, đổi mới như một công ty khởi nghiệp, thiết kế như một tập đoàn công nghệ, quy mô như một nhà đầu tư mạo hiểm" - bà Dương nhấn mạnh.