Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) khẳng định tại buổi sinh hoạt báo chí chuyên đề “Hiệp định RCEP: Cơ hội và thách thức”, do Bộ Công Thương tổ chức.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương). Ảnh: Nguyễn Việt

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương). Ảnh: Nguyễn Việt

Theo ông Thái, với tất cả các nước ASEAN, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là Hiệp định không hướng đến giá trị gia tăng mới về mở cửa thị trường, vì ASEAN đều đã FTA với các đối tác. Thay vào đó, Hiệp định RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác với ASEAN trong một Hiệp định FTA.

Đơn cử, doanh nghiệp sẽ chỉ phải sử dụng 1 quy tắc xuất xứ thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây. Tương tự, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường. Do đó, về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV.

Tuy nhiên, RCEP có phải là màu hồng với Việt Nam hay không khi Việt Nam là nước nhập siêu phần lớn từ các quốc gia trong RCEP - nơi mà các nền kinh tế đều định hướng xuất khẩu, thưa ông?

Với góc độ hài hòa các quy định hiện có của các Hiệp định ASEAN đã có với các đối tác thì Hiệp định được coi là có giá trị cao trong việc giảm chi phí giao dịch, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường vị trí trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các xung đột về thương mại trong khu vực.

Ví dụ, DNNVV của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam khó tận dụng được ưu đãi do có nhiều quy định khác nhau giữa Hiệp định của ASEAN và các nước đối tác. Với Hiệp định RCEP, các khó khăn này sẽ giảm đi do sẽ chỉ dùng chung một bộ quy tắc duy nhất và cho phép cộng gộp hàm lượng từ tất cả các nước trong khu vực.

Tương tự, trước đây nếu có tranh chấp thương mại với một đối tác lớn thì các nước ASEAN cũng khó giải quyết hơn. Nay với một cơ chế mang tính đa phương với cả 15 nước tham gia thì các quy tắc thương mại sẽ được tuân thủ triệt để hơn.

Quá trình đàm phán các cam kết về mở cửa thị trường trong Hiệp định RCEP đều có sự nghiên cứu và góp ý chặt chẽ từ các các bộ ngành liên quan và doanh nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất của Việt Nam.

Còn việc nhập siêu hay không là một yếu tố cần xem xét nhưng không phải là yếu tố duy nhất khi cân nhắc lợi ích của các FTA. Đơn cử như trường hợp chúng ta có FTA song phương và khu vực với Hàn Quốc, nay thêm quan hệ FTA thông qua Hiệp định RCEP.

Mặc dù còn nhập siêu lớn nhưng không thể phủ nhận giá trị của các Hiệp định này trong việc giúp gắn kết hai nền kinh tế, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và đem lại nhiều giá trị cụ thể cho người dân và doanh nghiệp hai bên.

Khi chúng ta gia nhập WTO thì nhập siêu cũng rất lớn nhưng từ việc chấp nhận hội nhập để tự vươn lên thì doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã có những bước phát triển vượt bậc, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp không bị giảm đi mà còn tăng lên đáng kể.

Nay chúng ta đã hội nhập trong nhiều năm nên hy vọng sẽ rút ra được các kinh nghiệm cần thiết để hội nhập thành công khi tham gia Hiệp định RCEP.

Việt Nam luôn là nước nhập siêu lớn từ Trung Quốc. Vậy, theo ông khi RCEP có thêm Trung Quốc thì mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc có gia tăng hay không?

Việt Nam đã tham gia cùng các nước ASEAN để mở cửa thị trường với Trung Quốc thông qua Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) vào năm 2010. Với tỉ lệ tự do hóa thuế quan mà Việt Nam cam kết với Trung Quốc theo Hiệp định RCEP không cao hơn so với Hiệp định ACFTA, việc thực thi Hiệp định RCEP về cơ bản sẽ không tạo ra áp lực cạnh tranh mới và gia tăng cam kết mở cửa thị trường với Việt Nam.

Ngoài ra, với lợi thế về việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, Việt Nam sẽ có cơ hội sử dụng nguyên liệu đầu vào tối ưu hơn để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên RCEP bao gồm Trung Quốc với sức cạnh tranh cao hơn khi chỉ khai thác Hiệp định ACFTA , do đó có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.

Như vậy, Hiệp định RCEP về cơ bản có thể coi là việc các nước ASEAN “đa phương hóa” quan hệ thương mại song phương trước đây đã có với Trung Quốc dựa trên các quy định của WTO có được các nước cập nhật cho phù hợp với tình hình mới. Do vậy, không thể nói Hiệp định RCEP là ASEAN phụ thuộc hơn vào bất cứ thị trường nào, có phụ thuộc ở đây thì là phụ thuộc vào các quy định mang tính đa phương, minh bạch và đã được quốc tế công nhận trong nhiều năm qua.

Các nền kinh tế trong RCEP có mối tương đồng và cạnh tranh rất cao. Như vậy, theo ông Việt Nam cần phải làm gì để hàng hoá có tính cạnh tranh hơn so với các đối thủ trong nội khối?

Khi Hiệp định RCEP đi vào hiệu lực sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh do đặc điểm các nền kinh tế trong khu vực RCEP có nhiều điểm tương đồng, thậm chí có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn.

Tuy nhiên trên thực tế, Hiệp định RCEP về cơ bản là một khuôn khổ mang tính kết nối các cam kết hiện hành của ASEAN với từng đối tác trong số 5 đối tác trong một Hiệp định FTA theo hướng tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư hơn. Do đó, về cơ bản Hiệp định RCEP sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường cao hơn đối với Việt Nam hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đồng thời, với các công cụ phòng vệ thương mại trong khuôn khổ RCEP và WTO, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát sao tình hình xuất nhập khẩu sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực để có biện pháp phòng vệ phù hợp trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ đến sản xuất trong nước.

Hiệp định RCEP dự kiến đem lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia. Ảnh: Nguyễn Việt

Hiệp định RCEP dự kiến đem lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia. Ảnh: Nguyễn Việt

RCEP được đánh giá là Hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới, tuy nhiên, thành viên của Hiệp định không chỉ bao gồm các nước phát triển, mà còn có những nước chưa phát triển. Sự chênh lệch về kinh tế như vậy gây ra khó khăn thế nào khi Hiệp định có hiệu lực, thưa ông? 

Hiệp định RCEP sẽ mở ra một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới bao gồm 15 nước với trình độ phát triển kinh tế khác biệt. Sự chênh lệch về kinh tế như vậy đã dẫn quá trình đàm phán phải trải qua nhiều thời điểm hết sức khó khăn nhưng với việc kết thúc đàm phán và ký thành công Hiệp định vào ngày 15/11/2020 vừa qua, các nước tham gia Hiệp định RCEP đã tìm ra các giải pháp sáng tạo và linh hoạt để có thể vừa đảm bảo lợi ích riêng của từng nước đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế khu vực.

Là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, Hiệp định RCEP được xây dựng phù hợp với trình độ phát triển của tất cả các nước tham gia, đặc biệt là phù hợp với cả một số nước ASEAN vẫn còn là nước kém phát triển.

Các nghĩa vụ mới so với các FTA truyền thống trước đây của ASEAN như mua sắm của chính phủ cũng dừng ở mức hợp tác, không cam kết về mở cửa thị trường. Do đó Hiệp định RCEP không gây ra nhiều khó khăn cho các nước kém phát triển hơn trong quá trình thực thi Hiệp định.

Các nước tham gia RCEP cũng xác định đây là bước đi ban đầu, hướng đến các mức độ hợp tác cao hơn khi các nước sẵn sàng.

Với Hiệp định RCEP, cơ hội xuất khẩu đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Trong thời gian gần đây, đa số các nước trong khối RCEP đều được đánh giá là có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm thủy sản tương đối cao. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có lợi thế về xuất khẩu thủy sản và trong vòng 10 năm gần đây, ngành thủy sản Việt Nam liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng rất tích cực, đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu mặt hàng này và đã xuất khẩu đến hơn 185 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tại khu vực RCEP, phần lớn các quốc gia có đặc điểm người tiêu dùng không quá khó tính, ngoại trừ 3 nước Nhật Bản, Australia và New Zealand. Đối với các ngành thế mạnh của Việt Nam tại Hiệp định RCEP này, thủy sản sẽ là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể xâm nhập mạnh vào các thị trường của các đối tác RCEP.

Ngoài ra, việc cam kết cắt giảm thuế quan của Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và các nước ASEAN về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và của Hàn Quốc sau lộ trình cam kết 10-15 năm đối với phần lớn mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ mở ra cơ hội mới cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng có thể mạnh này vào thị trường các nước RCEP này một cách nhanh chóng hơn và thuận lợi hơn.

Có ý kiến cho rằng, vấn đề về quy tắc xuất xứ để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan tại RCEP là một thuận lợi lớn đối với Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

RCEP sẽ mang đến giá trị lớn để Việt Nam đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, qua đó tận dụng tốt hơn các thị trường đối tác hiện nay.

Thứ nhất, RCEP cho phép các nước thành viên áp dụng nguyên tắc cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ trong toàn khối. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng nguyên liệu có xuất xứ không những từ các nước ASEAN mà còn có thể sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ các nước đối tác ASEAN như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Đây được coi điểm mở rộng hơn so với các FTA ASEAN+1, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng nguồn nguyên liệu đa dạng trong toàn khối RCEP để tăng cường khả năng xuất khẩu sang các nước đối tác trong khối.

Thứ hai, ngay khi thực thi Hiệp định RCEP, ngoài việc áp dụng cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ, các nước thành viên sẽ tiếp tục nghiên cứu và thảo luận về tính khả thi của cộng gộp toàn phần, là quy tắc xuất xứ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể từng bước tham gia chuỗi cung ứng khu vực (tương tự như quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP).

Thứ ba, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định RCEP sẽ đa dạng hơn so với các FTA ASEAN+1. Theo đó, doanh nghiệp có thể áp dụng 3 hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá như sau: giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) được cấp bởi các tổ chức cấp; doanh nghiệp đủ điều kiện được phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá; bất kỳ doanh nghiệp có thể được phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá.

Việc cho phép doanh nghiệp lựa chọn các thủ tục cấp phép chứng nhận xuất xứ đa dạng như vậy sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc giảm thiểu thời gian xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) truyền thống, cắt giảm chi phí giao dịch, và chủ động hơn trong việc phát hành hóa đơn thương mại.

-Trân trọng cảm ơn ông!