Thị trường đang tiềm ẩn rủi ro khi dòng tiền ngày càng tăng trưởng nóng nhưng thanh khoản qua hệ thống HoSEp/luôn có nguy cơ bị

Thị trường đang tiềm ẩn rủi ro khi dòng tiền ngày càng tăng trưởng nóng nhưng thanh khoản qua hệ thống HoSE luôn có nguy cơ bị "đóng băng"

Theo thông báo từ phía Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), trong phiên giao dịch sáng ngày 1/6/2021, giá trị giao dịch chứng khoán tại HoSE vượt mức 21,7 nghìn tỷ đồng dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống. Được sự chấp thuận của Chủ tịch UBCK Nhà nước, HoSE công bố ngừng giao dịch ngày 1/6. Giá đóng cửa của chứng khoán ngày 1/6 là giá khớp lệnh cuối cùng trong buổi sáng.

HoSE đề nghị các CTCK thành viên thông báo để nhà đầu tư được biến cho đến khó thông báo tiếp theo.

Việc HoSE phải đóng cửa trong phiên chiều có ẩn chứa rủi ro lớn nào mà nhà đầu tư cần chú ý hay không? Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của CTCK KB Securities Việt Nam, câu chuyện nghẽn mạng của HoSE là câu chuyện ta đã nghe nói từ cuối năm ngoái cho đến nay. Mặc dù đã có một số giải pháp được đưa ra để hỗ trợ giải quyết vấn đề từ HNX đã giúp giới hạn giao dịch hàng ngày của HoSE từ 12.000-13.000 tỷ đồng và đến hiện tại khoảng 20.000-22.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa hoàn toàn xử lý được vấn đề triệt để. Nhà đầu tư có thể thấy trong những phiên gần đây giá trị giao dịch đạt trên 20.000 tỷ đồng và HoSE đã xuất hiện hiện tượng nghẽn lệnh vào buổi chiều. Đặc biệt trong phiên giao dịch ngày 1/6, khi giá trị giao dịch tăng rất mạnh vào buổi sáng đã khiến không còn dung lượng cho các nhà đầu tư giao dịch phiên chiều, do có thể gây ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống. Bài toán này liên quan đến câu chuyện hệ thống của HoSE đã lâu đời, không đáp ứng được dòng tiền trên thị trường chứng khoán.

Ông Đức Anh cũng lý giải sự tăng trưởng của dòng tiền chứng khoán đến từ nhiều nguyên nhân, yếu tố: Thứ nhất, mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp. Thứ hai, trong bối cảnh dịch bệnh, các kênh đầu tư khác đã trở nên kém hấp dẫn, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cũng nhiều khi không thể đem đi đầu tư kinh doanh trong bối cảnh phong tỏa. Thứ ba, qua báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trong thời gian gần đây, kết quả kinh doanh lại cho một bức tranh tương đối tích cực, các doanh nghiệp vốn hóa lớn liên tục báo lãi.

"Các yếu tố trên đã khiến dòng tiền có động lực ngày càng đổ vào dồi dào trên thị trường. Nhưng để đánh giá nó có rủi ro hay không trong thời điểm hiện tại thì rất khó chính xác. Chúng ta cần phải chờ thêm nhiều yếu tố nữa, có thể xuất phát từ rủi ro lạm phát, rủi ro do tăng trưởng của doanh nghiệp chững lại, rủi ro khi bùng dịch ngoài tầm kiểm soát. Nếu chỉ phụ thuộc vào việc tăng trưởng giao dịch mạnh như hiện nay thì chưa hẳn là một yếu tố đáng lo ngại” – ông Trần Đức Anh nhận định.

Sau quyết định của HoSE như một tín hiệu bật đèn "cản" lại dòng tiền, liệu rằng thị trường có khả năng biến động mạnh trong ngắn hạn hay không? Nhìn từ góc độ cá nhân ông Trần Đức Anh chia sẻ chưa thể có quan điểm cụ thể nào về thị trường trong ngắn hạn, tuy nhiên có một số tín hiệu mà theo ông có thể nhận thấy: Đó  là áp lực bán tương đối lớn ở thời điểm ngay trước khi thị trường nghẽn lệnh. "Áp lực bán có phần gia tăng ở một số cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu trụ cột", ông nói.

Giao dịch phiên chiều 1/6 gần như đóng băng

Giao dịch phiên chiều 1/6 gần như đóng băng

Các cổ phiếu trụ cột giữa phiên sáng đã tăng rất mạnh nhưng cuối phiên sáng đã có phần chùng xuống. Hoặc một số cổ phiếu dẫn dắt đã có một chút suy yếu. Nhưng để nói đấy là tín hiệu dự báo thị trường tăng giảm trong các phiên sắp tới, thì đây không phải tín hiệu chính xác. Rất có thể thị trường sẽ điều chỉnh nhẹ trong phiên sắp tới, chuyên gia nhận định.
 
Trên nhiều diễn đàn chứng khoán, một số nhà đầu tư đã bắt đầu hoang mang. Có không ít nhà đầu tư "giật" nội dung chia sẻ trên tài khoản tại diễn đàn chung là vừa khớp xong mấy chục ngàn cổ phiếu và không biết có rơi vào tình trạng trở thành cổ đông dài hạn bất đắc dĩ hay không...
 
Dù các nhà đầu tư có phần hoang mang, nhưng thực tế, do họ cũng đã có phần thích nghi với câu chuyện "nghẽn lệnh"; Hơn nữa nhiều nhà đầu tư cũng kỳ vọng tháng 7 - thời hạn mà các nhà quản lý dự kiến khắc phục tình trạng "tắc đường" giao dịch chứng khoán sắp đến, và chứng khoán là giao dịch kỳ vọng cho tương lai, nên đa phần vẫn còn khá lạc quan.
 

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc CTCK Yuanta Việt Nam, cho rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh nhẹ trong phiên và nhanh chóng quay trở lại xu hướng tăng ngắn hạn. “Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên chúng tôi đánh giá thị trường có thể nhanh chóng kết thúc nhịp điều chỉnh trong phiên. Tuy vậy, chỉ báo tâm lý vẫn trong vùng bi quan cho nên chiến lược ngắn hạn vẫn nên thận trọng và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp”, ông Nguyễn Thế Minh cho hay.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, ông Minh  khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu trong khoảng 40 – 45% và hạn chế sử dụng đòn bẩy cao trong giai đoạn này.