Thông tin này vừa được ông Oemar Idoe - Trưởng nhóm các dự án môi trường, biến đổi khí hậu, nông nghiệp về hội nhập kinh tế khu vực (Tổ chức hợp tác phát triển Đức GIZ) đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2020 tổ chức tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) mới đây.

Theo ông Oemar Idoe, điều này phản ánh một thực tế rằng, quản lý rừng bền vững và bảo tồn tài sản đa dạng sinh học và các hệ sinh thái còn cần thêm những nỗ lực và sự quan tâm mạnh mẽ.

Một góc rừng Nam Cát Tiên

Một góc rừng Nam Cát Tiên.

Hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong sự tiến hóa, duy trì hệ thống tự nhiên, phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên, việc quản lý hệ thống rừng đặc dụng và phòng hộ vẫn còn những khoảng trống về chính sách và thực thi, đặt ra những thách thức phía trước, đặc biệt trong bối cảnh mà vai trò phòng hộ, cung cấp dịch vụ hệ sinh thái của rừng ngày càng gia tăng trước biến đổi khí hậu.

Ông Bùi Chính Nghĩa - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, cả nước đến nay đã xác lập 167 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích 2.303.961 ha, chiếm 14,19% diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp. Trên cả nước hiện có 216 Ban quản lý rừng phòng hộ, với tổng diện tích đất quy hoạch rừng phòng hộ trên toàn quốc là 5.905.870 ha, chiếm 34% diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp.

Ông Nghĩa cho biết, tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp đã phát hiện và xử lý có chiều hướng giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại. Trong đó, với rừng đặc dụng số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp là 1.085 vụ, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm 2019; với rừng phòng hộ số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp là 964 vụ, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Về diện tích trồng mới, rừng phòng hộ được trồng mới năm 2020 là 4.803 ha, trong đó rừng phòng hộ là 4.767 ha, bằng 73% so với cùng kỳ năm 2019; rừng đặc dụng 736ha, bằng 121% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, công tác quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng cũng có một số hạn chế, tồn tại được ông Bùi Chính Nghĩa thẳng thắn đặt ra. Cụ thể, tình trạng khai thác, mua bán vận chuyển khai thác lâm sản trái phép, động vật hoang dã và lấn chiếm rừng hiện chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và xử lý triệt để. Tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học và suy giảm chức năng phòng hộ ở một số khu rừng đặc dụng, phòng hộ vẫn diễn ra; diện tích rừng nghèo kiệt còn nhiều. Bên cạnh đó, mặc dù tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở các khu rừng đặc dụng, phòng hộ là rất lớn song đến nay vẫn còn rất hạn chế trong việc tìm kiếm nguồn đầu tư phát triển.

Tình trạng

Tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp vẫn diễn ra.

Theo TS. Nguyễn Quốc Dựng, trưởng nhóm Nghiên cứu rà soát, đánh giá và đề xuất chính sách đầu tư và phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ ở Việt Nam, mục tiêu đưa hệ thống rừng đặc dụng từ 2,2 triệu ha lên 2,4 triệu ha hiện tại mới thực hiện được 50%. Nguyên nhân là có 5 khu rừng được quy hoạch thành lập mới nhưng chưa hoàn thành hồ sơ xác lập. Một số khu khi xác lập có diện tích nhỏ hơn diện tích được quy hoạch. Ngoài ra, trong quá trình rà soát quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch 3 loại rừng, một số diện tích tranh chấp, chồng lấn với các loại đất khác được loại ra khỏi diện tích quy hoạch rừng đặc dụng. Tới năm 2030 mục tiêu phát triển diện tích rừng đặc dụng lên 2,4 triệu ha sẽ vẫn được duy trì cùng với việc phục hồi 100.000 ha rừng đặc dụng bị suy thoái.

Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp  (Bộ NN-PTNT) cho thấy, toàn quốc hiện có khoảng 4,64 triệu ha rừng phòng hộ, trong đó có 3,95 triệu ha rừng tự nhiên, 0,69 triệu ha rừng trồng. Tổng diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên giảm từ 4,3 triệu ha năm 2010 xuống còn 3,95 triệu ha năm 2019, và diện tích rừng phòng hộ là rừng trồng tăng nhẹ từ 0,61 triệu ha năm 2010 lên 0,69 triệu ha năm 2019.

Tính tới thời điểm hiện tại, dữ liệu về chất lượng rừng phòng hộ rất hạn chế, mới chỉ thể hiện qua công bố hiện trạng rừng sau khi hoàn thành tổng điều tra kiểm kê rừng năm 2016 của Tổng cục Lâm nghiệp. Số liệu này cho thấy diện tích rừng phòng hộ là rừng gỗ tự nhiên giàu và trung bình là trên 1 triệu ha (chiếm 29,8% diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên).

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, sau 6 năm thực hiện Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng, phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng, mục tiêu từ 2,2 triệu ha đến năm 2020 đạt 2,4 triệu ha. Thế nhưng đến nay mới đạt hơn 2,3 triệu ha với 167 khu rừng đặc dụng gồm: 33 vườn quốc gia, 57 khu bảo tồn thiên nhiên, 14 khu bảo tồn loài/ sinh cảnh, 54 khu bảo vệ cảnh quan và 9 khu thực nghiệm khoa học. Năm 2019 có 61 khu rừng đặc dụng tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, thu hút được 2,5 triệu lượt du khách, doanh thu đạt khoảng 185 tỉ đồng.

Tình trạng khai thác săn bắt động vật, thực vật quý, hiếm vẫn xảy ra tại các khu rừng đặc dụng và vùng lân cận. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, đô thị, xây dựng những công trình thủy điện, hồ đập giữ nước ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên của các loài động, thực vật rừng phân bố trong các khu rừng đặc dụng.

Mặt khác, diễn biến về biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thay đổi quy luật thời tiết, làm ảnh hưởng trực tiếp đến các loài sinh vật, gây ra những hiện tượng cháy rừng, sạt lở, ngập lụt đe dọa đến hệ sinh thái rừng. 

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2020, một số cơ quan chức năng của Việt Nam và tổ chức quốc tế nhận định diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên bị giảm đáng kể, những khu rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn chiếm tỷ lệ quá thấp.

Báo cáo “Rà soát, đánh giá và đề xuất chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ở Việt Nam” nêu rõ: Tổng diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên giảm dần từ 4,3 triệu ha năm 2010 xuống còn 3,95 triệu ha năm 2019. Đến nay dữ liệu về chất lượng rừng phòng hộ rất hạn chế, mới chỉ thể hiện qua công bố hiện trạng rừng sau khi hoàn thành tổng điều tra kiểm kê rừng năm 2016 của Tổng cục Lâm nghiệp. Số liệu này cho thấy, diện tích rừng phòng hộ (là rừng gỗ tự nhiên) giàu và trung bình trên 1 triệu ha, chiếm 29,8% diện tích rừng phòng hộ (là rừng tự nhiên).

Như vậy, có thể thấy chất lượng rừng tự nhiên chưa đạt yêu cầu phòng hộ và ngành lâm nghiệp cũng như toàn xã hội phải đầu tư nhiều hơn để rừng có thể duy trì và phát triển đạt yêu cầu phòng hộ.