Đó chính là biển Cổ Thạch với “bãi đá có nhiều hình dạng màu sắc nhất Việt Nam”.

>> Những trải nghiệm “độc lạ” chỉ có ở Đà Nẵng dịp 30-4

Từ thành phố Phan Thiết, theo Quốc lộ 1A, đi ngược về phía Bắc 90km, đến ngã ba thị trấn Liên Lương, rẽ trái men theo con đường đất đỏ, hai bên đường rì rào rừng phi lao là đến bãi biển Cổ Thạch, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Con đường tương đối xa với bất cứ ai và vô cùng nắng, gió nên nếu tính chạy xe máy, bạn nên chuẩn bị kĩ càng kính mắt, áo khoác gió. Tuy Phong chính là địa điểm đặt các cột điện gió khổng lồ của Bình Thuận và tỉnh thành này cùng với Ninh Thuận là hai tỉnh có mùa gió mạnh và lớn quanh năm. Bù lại với quãng đường xa là cảnh đẹp vùng biển hiếm có với những đồi cát bay đổi màu theo ánh nắng mặt trời, những bãi biển hoang sơ lấp lánh ánh bạc và cả những rừng keo tràm rực vàng trong nắng vô cùng hấp dẫn suốt dọc hai bên đường. Quãng đường xa nhiều cảnh đẹp khiến người chạy xe thi thoảng lại nhảy xuống xe để tận hưởng cảnh sắc tuyệt đẹp của mảnh đất Bình Thuận.

>> Top 8 cung đường Trekking đẹp nhất Việt Nam

>> Chèo sup trên sông Nho Quế

>> Cực Nam Đất Mũi cứ đi thẳng là tới!

Sau gần hai tiếng đồng hồ chạy xe, đoạn rẽ vào biển Cổ Thạch với bạt ngàn phi lao đã hiện ra trước mắt. Dù đã nghe và xem hình ảnh về biển Cổ Thạch, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi giẫm chân lên bãi đá thay vì bãi cát như những nơi khác.Mênh mông trước biển là đá.Những khối đá cuội nhỏ to với đủ các màu.Càng đi về phía biển, nước biển làm ướt đá, khiến những viên đá mang đủ sắc màu lấp lánh trong ánh mặt trời thật. Đá lổn nhổn dưới chân và gió lớn nên nước biển mặn mòi cứ muốn hất tung người.

Vốn là những khối đá nằm sâu trong lòng biển bị hải lưu, thủy triều bào mòn qua trăm năm, vụn đá bị đẩy lên bờ đã hình thành nên bãi đá đầy màu sắc với đường vân dị biệt.Dưới ánh nắng mặt trời và những đợt sóng biển liên tiếp tấp vào bờ, bãi đá ánh lên những chấm màu lấp lánh như châu ngọc.Những viên đá này liên tục được đẩy từ dưới biển lên, dường như không bao giờ ngừng lại.Đứng chắn trước bãi đá bảy màu là những tảng đá gồ ghề đang vươn mình về phía biển với đủ hình dáng kỳ quái, ẩn chứa trong mình bao giai thoại bí ẩn chưa tìm được lời giải đáp.Đây chính là những rặng đá trầm tích bị xâm thực mạnh lẫn với bãi đá cuội tạo thành nét hấp dẫn đặc biệt chỉ có ở nơi này.

Sau dịp Tết Nguyên Đán, tầm khoảng tháng 3 hàng năm, biển Cổ Thạch lại được rêu phủ một màu xanh mướt, đợi đến khi nắng chói chang chiếu vào lại dần ngả sang vàng. Khoảng thời gian này chính là lúc lý tưởng nhất để bắt đầu hành trình “săn rêu”. Thân rêu mềm mại như mái tóc dài buông xõa ôm chặt lấy đá, khi triều rút thì nhẹ nhàng uốn lượn theo dòng nước. Biển Cổ Thạch trong vắt, giữa nền trời xanh, nước xanh càng làm nổi bật thêm vẻ đẹp của bãi rêu huyền bí.Chỉ cần là người có tâm hồn yêu thiên nhiên thì đều muốn một lần được tận mắt chiêm ngưỡng cảnh tượng động lòng người ấy.

Nán lại trên bãi biển, ngắm nhìn Cổ Thạch thay đổi liên tục sắc màu của đá theo màu trời, tôi không khỏi khâm phục thiên nhiên đã ban tặng cho Bình Thuận một kỳ quan độc đáo và thú vị đến thế. Dù đi khá xa và chưa có nhiều dịch vụ phát triển tại đây, Cổ Thạch vẫn xứng đáng là một trong những điểm tham quan nên đến khi tới Bình Thuận.

Mùa xuân và mùa rêu, biển và đá bảy màu lấp lánh, một Cổ Thạch hấp dẫn và độc lạ đón chờ được khai phá và ghé thăm.