Nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú tại Nha Trang đang được "cắt lỗ" tới 20% 

Có thể nói, COVID-19 đã khiến ngành du lịch chịu những "cú giáng" nặng nề, ngay cả các thủ phủ du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, khách nội địa không thể cứu vớt hết thị trường khách sạn.

Khách sạn Nha Trang “ngấm đòn”

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên các diễn đàn bất động sản từ dịp trước Tết Nguyên đán tới nay, các thông tin rao bán khách sạn tại Nha Trang ngày một dày đặc. Dạo một vòng qua các kênh mua bán bất động sản, giá khách sạn được rao bán từ 10 - 700 tỷ đồng đều có.

Đơn cử như một khách sạn mini trên đường Trần Phú - tuyến phố đắt giá bậc nhất Nha Trang với diện tích 75m2, 25 phòng chỉ có giá 26 tỷ đồng. Khách sạn tại hẻm 96 Trần Phú, cách biển 100 với 35 phòng cũng chỉ được rao bán với giá 42 tỷ đồng.

Liên hệ với số điện thoại của chủ khách sạn mặt tiền biển Trần Phú, một người phụ nữ trả lời bằng giọng miền Bắc giới thiệu là chủ khách sạn cho biết đã rao bán nhiều tháng nay nhưng không tìm được khách mua. Khách sạn chỉ mới được sang nhượng lại cho vị chủ này hồi cuối năm 2019, nhưng hoạt động chưa lâu thì gặp phải tác động của đại dịch, không thể chi trả nổi chi phí vận hành, lãi suất ngân hàng trở thành gánh nặng. Vị này cũng cho biết rất nhiều chủ khách sạn không phải dân địa phương cũng đang "tháo chạy" khỏi thị trường.

Làn sóng rao bán khách sạn tại Nha Trang đang bùng nổ.

Theo chia sẻ của môi giới bất động sản tại Nha Trang, giá khách sạn, giá đất tại đây chưa bao giờ "thê thảm" như thời điểm này. Vị môi giới này cho biết, cách đây 3 năm, khách sạn và đất để xây khách sạn tại Nha Trang luôn là hàng "hot". Khách hàng tìm đến mua chỉ cần vị trí gần biển, còn lại giá cả cao thấp không cần quá quan tâm, giá đất thời điểm đó được đẩy lên đỉnh điểm.

Song, COVID-19 cùng với chính sách đóng cửa đường bay quốc tế đã khiến thị trường trở nên trầm lắng, khách du lịch giảm đến 80%, khách sạn, đất nền giảm giá tới 20 – 30% rao bán nhưng không tìm nổi khách mua.

Theo ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản tỉnh Khánh Hòa, khó khăn về kinh tế, để cắt lỗ, giảm chi phí nên các chủ khách sạn, cơ sở lưu trú rao bán khách sạn là quy luật tự nhiên, diễn ra thường xuyên.

"Còn nhìn ở góc độ tích cực thì việc ồ ạt rao bán khách sạn dịp này là thời điểm tốt để sàng lọc, tái cấu trúc lại phân khúc nghỉ dưỡng mà lâu nay đang bị thả nổi", ông Hoàng nhìn nhận.

Cần gói hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh trước đó, COVID – 19 thực sự đã khiến thị trường khách sạn, du lịch “điêu đứng”. Trong đó, như thị trường khách sạn Đà Nẵng, Hà Nội đã chứng kiến nhiều làn sóng rao bán “cắt lỗ”, giảm giá thuê kịch sàn để kích cầu, song không nhận được tín hiệu khả thi.

Trong khi đó, mới đây Bộ Tài chính đã tiếp tục đề xuất tiếp tục gia hạn tiền thuê đất, thuế thêm 3 - 5 tháng cho doanh nghiệp. Đề xuất này hết sức cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, trong suốt 1 năm qua, từ khi các chính sách hỗ trợ như ưu đãi lãi suất, giãn - giảm thuế được triển khai nhưng việc tiếp cận vẫn rất khó khăn.

Thậm chí, sau nhiều phản ánh, kiến nghị, các điều kiện được nới lỏng hơn nhưng tính đến cuối tháng 1 vừa rồi cũng mới chỉ giải ngân được gần 32 tỉ đồng, một tỷ lệ quá ít ỏi so với tổng giá trị gói vay 16.000 tỷ và ít tới vô lý so với nhu cầu trên thực tế. Đáng nói, các doanh nghiệp du lịch, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, sớm nhất, tính tới thời điểm này gần như vẫn đứng ngoài các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong ngành du lịch, khách sạn, lưu trú đang cần sự trợ lực hơn nữa từ các gói hỗ trợ. Một số đơn vị cũng đề xuất giảm 50% thuế VAT cho các doanh nghiệp du lịch đến hết năm 2021; miễn tiền thuê đất cho doanh nghiệp du lịch trong các năm 2021, 2022; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất 0%; kéo dài thời gian trả nợ ngân hàng đến hạn; giảm giá điện đối với các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn trong năm 2021...

Nếu không, ngành du lịch không chỉ gặp khó khăn trước mắt, mà về lâu dài, du lịch Việt Nam suy giảm sức cạnh tranh.