Lê Thanh, nhà sáng lập ShoeX chia sẻ rằng, trên thế giới, đã có doanh nghiệp sử dụng sợi cà phê dệt thành lớp bề mặt lưới của đôi giày nhưng ShoeX ứng dụng “triệt để” hơn, nghĩa là, cả đế và thân giày đều được sản xuất từ bã cà phê, hạt nhựa tái chế.

Từ hy vọng chen chân vào thị trường sneaker tầm trung…

Khởi nghiệp và gọi vốn bởi dòng giày Tây, chính xác chỉ dừng lại ở việc đo giày Tây và nhận được 4 tỷ từ Shark Tank, Lê Thanh vẫn thẳng thắn thừa nhận ý tưởng cũ sai lầm, bởi Việt Nam là quê hương của những đôi giày sneaker nổi tiếng thế giới, không phải giày Tây.

Do đó, ShoeX quyết định chuyển sang phát triển sneaker, với hy vọng sẽ chen chân được vào thị trường sneaker tầm trung đang bị thống trị bởi các thương hiệu quốc tế như Adidas, Converse, Reebok…

Theo Lê Thanh, công nghệ sản xuất sợi vải từ bã cà phê đạ có từ những năm 2013 - không hề mới. Từ công nghệ có sẵn, ShoeX nghiên cứu và phát triển thêm việc làm đế giày từ bã cà phê cùng nhựa tái chế, để có một đôi sneaker hoàn chỉnh. Sở dĩ, ShoeX chọn bã cà phê làm nguyên liệu nhằm giảm thiểu chất thải môi trường.

ShoeX muốn xây dựng một sản phẩm có dấu ấn Việt Nam với chất lượng toàn cầu. Nhắc đến Việt Nam thì cà phê sữa đá và phở là hai đặc trưng nổi bật nhất trong nét ẩm thực và hầu như ai cũng biết đến. Cà phê không chỉ là nguồn cảm hứng lớn, mà còn là lợi thế cạnh tranh cực tốt khi Việt Nam là thủ phủ cà phê” - Lê Thanh chia sẻ.

Theo đó, một đôi giày sneaker làm từ rác thải ly nhựa và bã cà phê với tỷ trọng đạt khoảng 20% tổng nguyên liệu - bao gồm 12 cốc nhựa và 150 gram cà phê.

Tại Việt Nam, ô nhiễm môi trường là một vấn đề hết sức nhức nhối và chúng ta vẫn chưa có những giải pháp rốt ráo để giải quyết nó. Là một người trẻ làm trong lĩnh vực thời trang, tôi và ShoeX có trách nhiệm phải cân bằng giữa tính thời trang và tiện dụng với môi trường, dùng công nghệ để giúp ngành thời trang không những không làm ô nhiễm môi trường mà còn bảo vệ môi trường” - Lê Thanh chia sẻ thêm.

…đến hệ sinh thái ngành giày từ bã cà phê

Lê Thanh cho biết, để có nguồn nguyên liệu, thời gian đầu ShoeX thu gom bã cà phê tại các cửa hàng, nhưng quá trình thu gom tốn nhiều công, bởi số lượng bã tại từng quán không nhiều, lại dễ bị ẩm mốc, không đảm bảo để sản xuất.

Sau đó, anh hợp tác với Trung Nguyên để thu gom bã cà phê đã pha tại quán và vỏ cà phê tại nhà máy của công ty để có số lượng lớn. Vậy là bài toán về nguyên liệu đã được giải quyết. Tuy nhiên, một thách thức mới lại đến với anh, đó là phải tìm ra công thức làm đế giày, mặt lưới từ cà phê và tạo ra hình hài chiếc giày.

Không tạo được giá trị mới, thì không phải là start-up. Thực tế, tôi đã vấp phải hàng loạt thất bại trong phòng thí nghiệm trong quá trình tạo ra hình hài từng chiếc giày, do chưa có nhiều kiến thức về ngành”, anh cho biết.

Anh phải mất đến 3 năm để học hỏi, nghiên cứu về bàn chân người Việt, tập hợp và phân tích chính những dữ liệu đã thu thập được trong suốt quá trình đóng giày tây, anh đã rút ra được những đặc tính chung về bàn chân người Việt và những điểm khác biệt so với bàn chân người nước ngoài. Từ đó đã giúp anh xác định được mẫu giày phù hợp với đại đa số người Việt.

Nhờ những mối quan hệ cá nhân, tôi đã tiếp cận được với lãnh đạo một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, chuyên gia công giày cho Nike, Adidas… và hợp tác sản xuất với 6 nhà máy gia công chuyên biệt về dệt, làm đế, lót giày… để sản xuất ra những đôi giày đầu tiên” - Nhà sáng lập ShoeX chia sẻ.

Năm 2020 ShoeX hướng đến không chỉ là thương mại sản phẩm giày từ bã cà phê, vật liệu tái chế đến thị trường trong nước và nước ngoài, mà còn nghiên cứu để sản xuất những sản phẩm đi kèm làm từ bã cà phê trong hệ sinh thái ngành giày như tất, lót giày…

Những đôi giày ShoeX kế tiếp sẽ có khả năng tự phân huỷ. Tuổi thọ của giày ShoeX khoảng 5 - 10 năm, nhưng Công ty sẵn sàng thu giày cũ và đổi giày mới cho khách hàng để tiếp tục vòng tái chế. Tôi tin rằng, với ShoeX, bã cà phê sẽ có một đời sống khác và những đôi giày cũ cũng sẽ có một hành trình mới” - Lê Thanh bày tỏ.