hihi

UBND xã Việt Long, huyện Sóc Sơn tự ý cho một cá nhân xây dựng cầu phao tạm bợ qua sông Cà Lồ để thu phí trong thời gian dài. Ảnh: N.G

Theo đó, năm 2013, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa đã tự thiết kế và thuê đơn vị thi công, xây dựng một chiếc cầu phao tại bến đò thôn Lương Phúc, xã Việt Long, huyện Sóc Sơn. Chiếc cầu này được bắc qua sông Cà Lồ kết nối giao thông giữa huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội và huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Đáng chú ý, huyện Sóc Sơn cũng có khoảng 40ha đất trồng lúa ở bên kia sông Cà Lồ nên hàng ngày, người dân địa phương phải đi đò qua sông để canh tác nếu không muốn bị trả phí tại “trạm BOT” này.

Điều đáng nói, chiếc cầu này được xây dựng trong khi các Sở, ngành và phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn đều có ý kiến khẳng định chưa đủ các điều kiện cần thiết để triển khai phương án xây dựng. Tuy nhiên, đến năm 2017 chiếc cầu phao vẫn được hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong khi không hề có hồ sơ thiết kế, thẩm định và phê duyệt (?!).

Theo quan sát, chiếc cầu phao này được lắp đặt bởi 6 trụ cầu được đổ bêtông, phía trên trụ là các con thuyền, dầm cầu được nối với nhau bằng những tấm sắt dài khoảng 100m, rộng khoảng 2,5m. Ở giữa cầu có một trạm thu phí, các phương tiện đi qua đều phải nộp phí bằng tiền mặt, không có vé.

Theo tài liệu Diễn đàn Doanh nghiệp thu thập được, ngày 10/5/2013, UBND xã Việt Long ký kết hợp đồng kinh tế số 158/HĐKT-UBND với ông Nguyễn Văn Nghĩa về việc giao thầu thu lệ phí qua cầu phao thôn Lương Phúc.

Đặc biệt, hợp đồng ký kết có thời hạn “khủng” lên đến 40 năm, đến ngày 13/5/2053 và thậm chí còn được quyền thừa kế, chuyển nhượng và coi cầu Lương Phúc là cầu duy nhất trên địa bàn xã Việt Long (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Theo hợp đồng này, hộ gia đình ông Nghĩa bỏ 100% vốn đầu tư để xây dựng cầu phao giá trị 5,7 tỷ đồng và được xây nhà trông coi và trạm thu phí phía đầu cầu bên Đồng Cao với diện tích 30m2.

hihi

Hợp đồng kinh tế số 158/HĐKT-UBND của UBND xã Việt Long về việc giao thầu thu lệ phí qua cầu phao thôn Lương Phúc. Ảnh: N.G

Chia sẻ với phóng viên, nhiều người dân địa phương cho biết, đường xuống chiếc cầu phao này nguy hiểm vì độ dốc lớn, đã có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra.

“Tình trạng nhiều người đi xe xuống đâm thẳng vào thành cầu thường xuyên xảy ra. Mỗi khi đi qua, chúng tôi rất sợ nhưng không còn cách nào khác bởi đây là cây cầu độc đạo. Đó còn chưa kể mỗi tháng phải trả từ một đến vài triệu tiền phí vì ngày nào cũng phải qua lại mấy lượt.”, một người dân địa phương chia sẻ.

Cũng trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều người dân địa phương cho biết đã nhiều lần có kiến nghị TP Hà Nội quan tâm, đầu tư xây dựng 1 cây cầu bê tông cốt thép để người dân hai bên bờ qua lại, giao thương phát triển kinh tế cũng như đảm bảo an toàn giao thông.

Khu vực huyện Sóc Sơn có hàng nghìn công nhân đang làm việc tại KCN Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) thế nhưng việc đi lại hàng ngày luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Đó là chưa kể tới việc chi phí đi lại rất tốn kém”, đại diện một người dân nói.

Anh Nguyễn Văn Đào, người dân xã Việt Long cho biết, cây cầu này trước đây là cầu "khỉ" tạm được bắc bằng gỗ, rồi sau đó xây dựng cầu phao bằng sắt như hiện nay.

“Tôi làm việc ở Yên Phong, Bắc Ninh từ 2007, mỗi ngày trung bình đi về 4 lượt, mất 20.000 đồng. Nhưng đến mùa lũ là không đi qua cầu phao được nên phải đi bằng đường vòng rất xa”, anh Đào nói.

Trả lời cơ quan báo chí về việc này, ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn khẳng định, huyện Sóc Sơn không quản lý cây cầu phao này cũng như không có hồ sơ thi công nào.

Vào năm 2013, xã Việt Long có gửi UBND huyện hồ sơ về cầu phao qua sông Cà Lồ. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, qua các buổi làm việc với UBND xã Việt Long thì xã chưa cung cấp được bất kỳ hồ sơ, giấy tờ thiết kế, thẩm định cũng như ý kiến của các Sở, ngành liên quan như Sở NN&PTNT, Sở QH-KT… Do vậy, tại buổi làm việc ngày 25/7/2013, xã thống nhất với Phòng Quản lý đô thị huyện chưa triển khai xây dựng cầu phao qua sông Cà Lồ”- ông Thắng thông tin.

Ông Thắng cũng cho biết, tiếp đó ngày 5/8/2013, Phòng Quản lý đô thị đã có báo cáo, đề xuất với UBND huyện Sóc Sơn đề nghị xã Việt Long chưa có triển khai thi công cầu phao vượt sông Cà Lồ để hoàn thiện đúng thủ tục pháp lý và trình tự xây dựng.

Từ đó đến nay, huyện Sóc Sơn chưa có bất kỳ văn bản nào đồng ý cho phép xã Việt Long triển khai xây dựng cầu phao rồi tổ chức thu phí của người dân qua lại. Huyện cũng không có quyền hạn, chức năng làm được việc này.

“Phòng Quản lý đô thị đã tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn quyết định thanh tra toàn diện việc xây dựng và thu phí phương tiện qua cầu phao Lương Phúc trên tinh thần sai đến đâu xử lý đến đó”- ông Thắng cho biết.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!