Nhà sáng lập Woay  Hồ Tiến Lộc cho biết, startup của mình hiện đang cung cấp nền tảng thiết kế minigame cho doanh nghiệp. Gamification hay còn gọi là game marketing là một hình thức ứng dụng các nguyên lý thiết kế game vào hoạt động marketing. Hình thức marketing này giúp tăng tương tác thương hiệu với khách hàng, thu thập được các data tiềm năng, tăng doanh số, tri ân khách hàng. Nhận định đây là một xu hướng marketing trong 5 năm tới, Hồ Tiến Lộc đến Shark Tank mùa 4 để kêu gọi đầu tư bắt đầu từ 450 triệu đồng cho 1% cổ phần.

Sau khi nghe nhà sáng lập giới thiệu, shark Liên thắc mắc bằng cách nào mà Woay có thể sống sót khi đại dịch COVID-19 hoành hành ảnh hưởng đến toàn thế giới mà em vẫn đứng đây và rất tự tin?

CEO Hồ Tiến Lộc trả lời rằng trong năm 2020, Woay đã tự đặt mình là một chuyên gia về game marketing và thị trường của công ty vô cùng tiềm năng, vì thế Woay tự tin chiếm lĩnh nó. 

Nhận định thị trường đang rất tiềm năng, khách hàng đang sẵn sàng với gamification nhưng chưa biết làm thế nào, Hồ Tiến Lộc tự tin rằng Woay có thể thắng trên thị trường game marketing. Hiện, Woay có nền tảng thiết kế minigame giúp thương hiệu truy cập vào nền tảng để sản xuất chương trình chỉ với chi phí 500.000 đồng. Nếu khách hàng mua thời lượng lâu hơn, từ 6 - 12 tháng thì chi phí tiết kiệm hơn. 

Trả lời câu hỏi của Shark Hưng về số lượng người dùng, khả năng hòa vốn, Hồ Tiến Lộc cho biết hiện tại Woay đang có 1.700 acquire user (khách hàng được kết nạp mới) trên nền tảng và tự tin "đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng 14.000 acquire user. Dự kiến cuối năm 2021 doanh số đạt 4.5 tỷ".

Chia sẻ thêm về quan điểm kinh doanh, Hồ Tiến Lộc cho biết làm startup không nhất thiết phải lỗ. Anh giải thích rằng startup của mình làm từ những con số rất nhỏ. Khi có bản MVP (Minimum Viable Product - phiên bản dùng thử cơ bản), Woay đã đạt được doanh số khoảng 10.000 USD. Woay dùng số tiền đó để phát triển dần cho tới bây giờ.

"Nỗi đau khởi nghiệp của em là gì?, Shark Nguyễn Thanh Việt hỏi. CEO Hồ Tiến Lộc tự tin nói rằng mình không gặp vấn đề đấy, startup đã có cách để không mất quá nhiều vốn và tự tin tăng trưởng. 

Về đối thủ cạnh tranh trong tương lai, CEO Hồ Tiến Lộc cho rằng họ không có đối thủ trực tiếp nhưng đối thủ gián tiếp là các đơn vị thiết kế website, phần mềm. Song, Woay vẫn tự tin khả năng phát triển game của mình vẫn hơn hẳn các đối thủ.

Shark Bình là người có 20 năm làm công nghệ đưa ra kinh nghiệm: "Đi bán phần mềm hoặc gia công phần mềm có thể đủ sống thôi. Trong khi trí tuệ, IQ, đầu vào của những người làm phần mềm lại rất cao". Shark Bình đưa ra ý kiến: "Người làm phần mềm phải biết kiếm tiền từ việc dùng phần mềm làm công cụ. Quan trọng nhất là kiếm tiền và bán hàng".

Cho rằng cách bán hàng kiểu "500.000đ/subscription (người đăng ký) thì không biết đến khi nào giàu", Shark Bình đặt ra cho startup một câu hỏi khó: "Em có mô hình nào, kế hoạch nào để có thể đem lại lợi nhuận cho công ty ít nhất 1 triệu USD/năm trở lên không, trong vòng 2 năm tới"?

Shark Bình hào hứng với Woay nên ông đề xuất 1 tỷ đồng cho 25% cổ phần. Sau khi trao đổi với đồng sáng lập Võ Vi Thái Thảo, Woay đưa ra mức giá 1 tỷ đồng cho 10%.  Tuy nhiên, với vai trò là nhà đầu tư chiến lược có hệ sinh thái, shark không đồng ý với đề nghị này và điều chỉnh 1 tỷ cho 20% cổ phần cùng lời hứa hẹn sẽ đưa startup trở thành triệu phú USD. Shark Bình giải thích rằng, business (doanh nghiệp) này là B2B (bán hàng cho doanh nghiệp) nên chỉ phụ thuộc vào bán hàng, không mất tiền marketing nên không cần nhiều tiền. “Trong hệ sinh thái của NextTech, anh đã biến rất nhiều người thành triệu phú”, shark chào mời. Cuối cùng, CEO Hồ Tiến Lộc đã đồng ý với mức ra giá của Shark Bình.