Michael Nguyễn chia sẻ, có chuyên môn sâu về toán, kinh tế, thuật toán máy tính và từng đóng vai trò là kỹ sư trưởng tại một startup thương mại điện tử ở Mỹ. Công ty này sau đó đã thoái vốn (exit) thành công khi doanh thu hàng năm ở mức 80 triệu USD.

Có một bản CV đồ sộ với nhiều năm kinh nghiệm, Michael Nguyễn đã nhận được sự chú ý của các “cá mập” tại Shark Tank Việt Nam tập 5 mùa 4. Startup Petkix của anh đã gọi vốn thành công khi bán được 20% cổ phần với giá 120.000 USD.

CEO Michael Nguyễn chia sẻ, anh có niềm đam mê đặc biệt với thú cưng từ khi còn đi học nhưng anh phải ở tại ký túc xá cách nhà rất xa, ở thời điểm đó, anh có nuôi một con thú cưng tên là Mini. Để tương tác thường xuyên với Mini, cứ đến cuối tuần, Michael Nguyễn lại chạy xe 3 tiếng đồng hồ về nhà và phải dậy sớm từ 5 giờ sáng thứ 2 để kịp giờ đi học. Khi đó Michael Nguyễn chỉ mong muốn là làm cách nào để có thể tương tác từ xa với chú cún của mình. Đó cũng là lý do khiến anh ấp ủ ước mơ phát triển một thiết bị có thể tương tác với thú cưng từ xa qua Internet, nhờ vậy Petkix đã ra đời.

Theo giới thiệu của Michael Nguyễn, ứng dụng Petkix có duy nhất màu trắng, được làm bằng nhựa nhám. Máy có khối lượng 800g cùng kích thước 240mm x 140mm x 140mm, được kết nối qua Wi-Fi và quét mã QR. Nó tương thích với cả 2 hệ điều hành iOS và Android.

Camera của Petkix cho hình ảnh có độ phân giải 1080p cùng khả năng zoom 9x. Máy được làm bằng chất liệu nhựa ABS đảm bảo an toàn cho chó/ mèo và giảm sự hư hỏng. Với smartphone của mình bạn cần sử dụng hệ điều hành iOS 9 trở lên hoặc là Android 5.0 để có thể sử dụng chiếc camera đa năng này.

Ngoài chức năng camera theo dõi truyền thống, Petkix được trang bị thêm micro giúp bạn có thể "nói chuyện" với thú cưng của mình dù cách xa nghìn dặm. Ngoài ra, chiếc hộp camera này có thể "bắn" ra thức ăn với sự điều hướng và khoảng cách được bạn điều khiển trên thiết bị smartphone.

Điểm đặc biệt mà Petkix khác với những chiếc máy trên thị trường là nó có thể "bắn" hạt giúp chơi đùa cùng thú cưng tránh việc "con yêu" của bạn bị stress hay nhớ chủ (nếu bạn nuôi chó, tính năng này sẽ giúp nó đỡ tăng động khi bạn không có thời gian dắt nó đi dạo). Bên cạnh đó, Camera còn hỗ trợ tính năng xem ban đêm đề phòng bạn đi "đẩy" về muộn để "con" bơ vơ ở nhà.

Ngoài ra, Petkix sẽ gửi thông báo về máy khi con của bạn "buồn", kêu hoặc sủa quá nhiều… Điều này giúp bạn dù ở xa nhưng vẫn có thể "take care" thú cưng một cách tốt nhất.

Bên cạnh đó, máy được cắm trực tiếp vào nguồn điện giúp bạn thoải mái chăm sóc "boss" của mình mà không lo bị hết pin (đây cũng là một điểm bất lợi vì bạn bắt buộc phải để máy gần nguồn điện). Với khả năng quay 360 độ của Petkix bạn không những có thể chơi đùa cùng "boss" mà còn có thể giám sát một vòng quanh nhà.

Để làm camera Petkix, Michael đã đầu tư 300.000USD, đó hoàn toàn là vốn của anh. Micheal cho biết anh dự tính sẽ kêu gọi 65.000USD ở Shark Tank và kêu gọi thêm 250.000USD ở bên ngoài để bắt đầu sản xuất.

Michael chia sẻ thêm rằng trong giai đoạn này, chi phí sản xuất khá cao. Đợt sản xuất đầu tiên, toàn bộ chi phí lên tới 45USD. Hiện tại, Petkix đang bán pre-order (đặt hàng trước) với giá 139USD và đã bán được 135 cái trên nền tảng Indiegogo và Kickstarter. Michael dự kiến sẽ nâng giá lên 179USD khi bán chính thức. Nhà sáng lập cho biết thêm, 70% khách hàng đến từ Mỹ, 20% đến từ các nước châu Âu, Australia, 10% còn lại ở Việt Nam, hầu hết là bạn bè và những người đã từng dùng thử sản phẩm.

Ở thời điểm hiện tại, sau khoảng 20 ngày mở bán dưới hình thức crownfunding (gây quỹ cộng đồng), sản phẩm camera của Petkix đã đem về số tiền hơn 20.000 USD. Do chi phí sản xuất khá cao, camera AI của Petkix sẽ có giá 179 USD (khoảng 4 triệu đồng) khi mở bán chính thức. Theo Michael Nguyễn, những startup phần cứng đã đi đến gian đoạn thiết kế xong bo mạch, xây dựng sản phẩm và chuẩn bị sản xuất thường có giá trị khoảng từ 8-9 triệu USD. Đó cũng là lý do anh định giá công ty của mình ở mức hơn 1 triệu USD khi tham gia chương trình Thương vụ bạc tỷ. 

Shark Phú phân tích, nếu bán hàng qua Mỹ, các sàn thương mại điện tử sẽ charge (tính) phí lưu kho bãi, phí vận chuyển và nhận định: "Anh cảm thấy em set giá như vậy là không có lời".

Shark Việt cho rằng mô hình kinh doanh của startup là chưa rõ ràng và chưa có gì đảm bảo rằng 65.000USD đầu tư vào có thể quay trở lại. Vì vậy, Shark Việt quyết định không đầu tư. Cùng quan điểm với Shark Việt, Shark Liên cũng không đầu tư cho Petkix. Lúc này, cuộc thương thảo còn lại Shark Bình, Shark Hưng và Shark Phú.

Shark Bình đề nghị khoản đầu tư 100.000USD cho 20% cổ phần và có quyền mua discount 30% định giá công ty ở vòng sau. "Đổi lại, anh sẽ cho em định hướng, cùng em tìm kiếm long mạch đồng thời cùng em giải bài toán thị trường thông qua hệ sinh thái toàn quốc của Tập đoàn NextTech", Shark Bình hứa hẹn.

Shark Hưng cho biết bản thân thích những gì đột biến, còn Petkix lại đều đều, bình thường. Shark cho rằng: "Cái này cũng có thể sử dụng 1 phần cho những mô hình chúng tôi phát triển lên. Tuy nhiên nếu để đầu tư cho riêng mình thì tôi cho rằng mất khá nhiều thời gian" và đề nghị đầu tư 100.000USD cho 33% cổ phần.

Shark Phú cũng giải thích thêm: "Nếu đầu tư mà không nhìn được cơ hội thu hồi thì sẽ không ai đầu tư cả. Chính vì vậy, anh phải nhìn thấy con đường thu hồi vốn. Đấy là nguyên tắc của nhà đầu tư". Cuối cùng, Shark Phú đề nghị 150.000 USD cho 40% cổ phần và giải thích: "Cổ phần có ý nghĩa gì đâu nếu công ty thất bại".

Shark Bình tổng kết: "Anh đang định giá em 400.000 USD, shark Phú định giá pre-money là 225.000 USD, của Shark Hưng chỉ có 200.000 USD, anh đang định giá gấp đôi Shark Hưng".

Sau khi trao đổi qua lại với các Shark, Michael lúc này đưa ra đề nghị mới 150.000USD cho 20% cổ phần nhưng vẫn không được các Shark chấp nhận. Shark Bình đề nghị đầu tư 120.000USD cho 20% (kèm quyền mua discount 30% định giá công ty ở vòng sau), còn Shark Phú vẫn giữ nguyên con số đã đưa ra. Cuối cùng, startup đồng ý với đề nghị của Shark Bình.