Mẫu máy bay siêu thanh Boom

Mẫu máy bay siêu thanh Boom

Theo đó, United Airlines đã trở thành hãng hàng không đầu tiên của Hoa Kỳ ký kết hợp đồng thương mại với Boom Supersonic - một startup hàng không vũ trụ - để mua máy bay siêu thanh bay nhanh gấp đôi các máy bay phổ thông hiện nay.

Những chiếc máy bay này sẽ được bổ sung vào đội bay toàn cầu của United Airlines. Đồng thời đây cũng là hợp tác về những sáng kiến phát triển bền vững cho ngành hàng không của 2 đơn vị này.

Theo thỏa thuận, United Airlines sẽ mua 15 chiếc máy bay Overture khi hãng đảm bảo đáp ứng được các tiêu chí an toàn, vận hành và bền vững. Hai công ty sẽ làm việc cùng nhau về các yêu cầu này trước khi chính thức chuyển hàng.

Một khi đưa vào khai thác, Overture được kỳ vọng sẽ trở thành máy bay thương mại lớn đầu tiên có lượng khí thải CO2 bằng không (net-zero), tối ưu vận hành bằng 100% nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).

Dự kiến máy bay này sẽ ra mắt năm 2025, cất cánh vào năm 2026 và chính thức chở khách vào năm 2029. United và Boom cũng bắt tay nhau đẩy nhanh sản xuất các nguồn cung cấp lớn hơn cho SAF.

Với khả năng bay với tốc độ Mach 1,7 - gấp đôi những chiếc máy bay nhanh nhất hiện nay, Overture có thể kết nối hơn 500 điểm đến với thời gian rút ngắn một nửa. Những chặng bay có tiềm năng phát triển là Newark - London (3,5 tiếng), Newark - Frankfurt (4 tiếng) hoặc San Francisco - Tokyo (6 tiếng).

Trong lịch sử ngành hàng không, máy bay siêu nhanh như vậy không phải lần đầu xuất hiện. Trước đó British Airways và Air France cũng từng dùng máy bay Concorde từ năm 1976, cho phép bay từ New York đến London chỉ mất chưa đến 3 tiếng. Tuy nhiên loại máy bay tiêu tốn chi phí bảo dưỡng rất cao và không đem về lợi nhuận dù giá vé bay khứ hồi lên đến 12.000 USD. Vậy nên đến năm 2003, Concorde không còn cất cánh.

Máy bay siêu thanh Concorde lừng danh một thời

Máy bay siêu thanh Concorde lừng danh một thời

Hiện nay sau gần một thập kỷ, hàng không thế giới lại một lần nữa hứng thú với những chiếc máy bay siêu thanh này. Ngoài United Airlines và Boom, một số doanh nghiệp khác cũng lên kế hoạch sản xuất và khai thác thương mại máy bay tốc độ cao.

Chẳng hạn Aerion (hậu thuẫn bởi Boeing) đang phát triển máy bay phản lực siêu thanh, dự kiến sản xuất tại Florida năm 2023 và sẵn sàng tung ra thị trường năm 2027. Ngoài ra công ty này còn tiết lộ ý tưởng ra đời máy bay thương mại bay gấp 4 lần tốc độ âm thanh. Hay NetJets, công ty máy bay phản lực của tỷ phú Warren Buffett, đã đặt mua 20 chiếc máy bay với giá 120 triệu USD/chiếc trong tuần này.

Tuy nhiên để có thể thực sự khai thác ổn những “chú chim sắt” tốc độ cao này, các hãng hàng không và nhà sản xuất vẫn có những khó khăn nhất định. Đầu tiên là việc thiếu hụt nguồn cung SAF. Do đó phải mở rộng quy mô sản xuất SAF đáng kể trong khoản thời gian tới để đáp ứng nhu cầu bay sạch.

Thứ hai là về tiếng ồn do máy bay siêu thanh gây ra. Những chiếc máy bay này tạo ra sóng xung kích chạm đất gây tiếng động rất lớn. Đó là lý do vì sao Cục Hàng không Liên bang FAA không cho bay qua đất liền. Vậy nên bài toán đặt ra là làm sao giảm thiểu đến mức thấp nhất tiếng ồn này.

Tuy nhiên dù sao thì những động thái này cũng là tín hiệu tích cực trong việc đem máy bay phản lực siêu thanh trở lại ngoạn mục với ngành du lịch - hàng không.