hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng vẫn chưa thể được khắc phục do cần nguồn vốn lớn

Hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng vẫn chưa thể được khắc phục do cần nguồn vốn lớn

Hệ thống mương thủy lợi bị nước lũ cuốn trôi, hư hỏng nghiêm trọng song vẫn chưa thể khắc phục, ảnh hưởng rất lớn đển việc phát triển sản xuất sau bão lũ.

Khắc phục hệ thống kênh mương

Việc cải tạo hệ thống kênh mương thủy lợi là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình triển khai công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung sau thiên tai năm 2020. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bị tổn thất nghiêm trọng. Cụ thể, thiên tai đã làm thiệt hại khoảng 4.000 ha lúa, 7.600 nghìn ha hoa màu, gần 140.000 ha rừng, gần 13.000 ha nuôi thủy sản; hơn 38.000 con gia súc và 3 triệu gia cầm bị chết, cuốn trôi; hơn 200km đê, kè bị sự cố, hư hỏng;... Thiệt hại kinh tế ước tính trên 30.000 tỷ đồng.

Thực hiện theo chủ trương chung, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đều đang tích cực sửa chữa, khắc phục công trình thủy lợi sau bão lũ.Tại Quảng Bình, không chỉ công trình nước sạch mà hàng chục tuyến kênh mương, hồ đập thủy lợi nơi đây cũng đang bị vùi lấp, hư hỏng. Cùng với đó, hàng ngàn ha đất canh tác vụ Đông Xuân ngập úng, không thể tiêu nước bởi hệ thống kênh mương bị hư hỏng, phù sa bồi lấp trong khi lịch gieo cấy đang đến gần khiến người dân lo lắng.

Do ảnh hưởng của mưa lũ, rất nhiều đập, hồ chứa thủy lợi bị xói lở, vùi lấp, hư hỏng nghiêm trọng, ước tính thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hệ thống kênh mương cũng bị vùi lấp, hư hỏng với ước tính thiệt hại khoảng 72 tỷ đồng; các công trình cống, trạm bơm và các công trình thủy lợi khác bị hư hỏng, thiệt hại khoảng 65 tỷ đồng. Nhằm sớm giúp người dân ổn định sản xuất, các địa phương đã huy động những nguồn lực và công sức khắc phục các hư hỏng với kinh phí khoảng 70 tỷ đồng, số còn lại khoảng 200 tỷ đồng, địa phương đã đề xuất Trung ương hỗ trợ.

Cùng với đó, Quảng Trị, nhiều hoạt động được triển khai trên diện rộng như: tổ chức nạo vét, đắp sửa tạm thời bằng đất đối với các công trình kênh mương, trạm bơm, trục tiêu, hệ thống giao thông nội đồng, tổ chức rà soát, gia cố các đoạn đê kè, xung yếu, hư hỏng, sạt trượt, đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt bảo vệ sản xuất; khôi phục sửa chữa hạ tầng thủy sản...Tỉnh đã huy động hàng ngàn ngày công của các lực lượng, phương tiện để ra quân xung kích triển khai san, gạt, cải tạo đồng ruộng và diện tích hoa màu bị vùi lấp; hàn gắn tạm thời các tuyến kênh mương bị hư hỏng, sẵn sàng triển khai vụ Đông Xuân 2020 - 2021 thắng lợi.

Theo thống kê, trong đợt lũ vừa qua, toàn huyện Thanh Chương Nghệ An có gần 10 km kênh mương thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng; 144 cầu cống bị cuốn trôi, 9 trạm bơm hư hỏng; hơn 57 km đường giao thông bị sạt lở, với tổng khối lượng đất, đá sạt lở là trên 15.000 m3. Tổng thiệt hại gần 50 tỷ đồng. Sau trận lụt lịch sử đi qua, có hàng trăm công trình giao thông, hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng vẫn chưa thể được khắc phục do cần nguồn vốn lớn, việc này đã làm ảnh hưởng đến việc đi lại, phát triển sản xuất sau lũ của người dân.

 Đề xuất nguồn vốn ưu tiên để khắc phục.

 Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, ngay sau thiên tai, Chính phủ, Nhà nước và chính quyền các địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục hậu quả và thúc đẩy sản xuất. về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng do thiên tai; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chủ động ứng phó mưa, bão, lũ và khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất.

Ngành Nông nghiệp địa phương đã kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại của các cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là các công trình kênh mương thủy lợi. Với các công trình hư hỏng nhẹ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất chính quyền các địa phương khắc phục mọi khó khăn, huy động nhân lực, vật lực khẩn trương khắc phục để sớm đáp ứng yêu cầu sản xuất. Các công trình hư hỏng nặng sẽ được lên danh sách để có phương án đề xuất nguồn vốn ưu tiên để khắc phục.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc khôi phục các công trình thủy lợi bị thiệt hại nặng nề. Trước yêu cầu thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đối với những điểm sạt lở tại các địa phương phải tính toán lại tổng thể đề án quy hoạch, chiến lược phát triển, có biện pháp căn cơ để đảm bảo không chỉ thích ứng mà phải chủ động thích ứng một cách bền vững bằng các nhóm giải pháp.