Mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà ký ban hành Quyết định 390/QĐ-BTNMT về Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, trước ngày 10/3/2021, Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì xây dựng đề cương hướng dẫn báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai và gửi các Bộ, ngành, địa phương. Từ tháng 4 - 6/2021, tổ chức tổng kết việc thực hiện Luật Đất đai tại các Bộ, ngành cơ quan Trung ương.

Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý đất đai phối hợp với Vụ Pháp chế Bộ lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền, cụ thể: Xây dựng Đề cương chi tiết dự thảo Luật; Xây dựng các nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Xây dựng báo cáo đánh giá tác động, báo cáo đánh giá thủ tục hành chính, báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đối với các nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Xây dựng Tờ trình dự án Luật.

Một nội dung được chú ý trong Quyết định vừa được Bộ TN&MT ban hành là tiến độ thực hiện các nội dung tổng kết thi hành Luật đất đai và xây dựng dự án Luật đất đai sửa đổi. Theo nội dung phụ lục về kế hoạch tổng kết thi hành luật đất đai và xây dựng dự án luật đất đai (sửa đổi) thì Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) sẽ hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2021.

Sau đó, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các Bộ ngành, địa phương xây dựng hồ sơ Dự án Luật và trình Chính phủ trong thời gian từ Quý IV/2021 - Quý I/2022. Tiếp đến, theo lộ trình, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến trong thời gian từ Quý IV/2022, Quý II/2023. Như vậy, phương án muộn nhất, đến Quý II/2023, Quốc hội mới có thể cho ý kiến và thông qua Luật đất đai sửa đổi.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) mà Bộ TN&MT vừa ban hành, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho rằng dù khá toàn diện về nội dung, chi tiết về tiến độ nhưng dường như tiếng nói của các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề liên quan, nhất là các Hiệp hội bất động sản vẫn chưa có được vị trí như kỳ vọng.

TP.HCM: Hơn 20 dự án bất động sản của các doanh nghiệp bị vướng mắc

Đến thời điểm giữa năm 2020, TP.HCM còn hơn 20 dự án bất động sản của các doanh nghiệp bị vướng mắc. Ảnh minh họa

Cụ thể, nội dung để doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp bất động sản, đối tượng đang trực tiếp thừa hành, chịu tác động thường xuyên của các quy định trong Luật đất đai thì chỉ xuất hiện khá mờ nhạt tại phần 1.9 của nội dung Tổng kết thi hành Luật Đất đai. Cụ thể, trong nội dung “Hội thảo về các chủ đề” của phần “Tổ chức họp Ban chỉ đạo; hội nghị, hội thảo về tổng kết thi hành Luật Đất đai”, thì chỉ có 1 trong 2 nội dung có nhắc đến doanh nghiệp là “Tổ chức lấy ý kiến các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp (10 cuộc)”.

Liên quan đến nội dung này, trước đó, chia sẻ riêng với PV, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam đồng thời là Chủ tịch HĐQT GP.Invest - một doanh nghiệp phát triển nhiều dự án bất động sản cho rằng dù đã nhiều lần có ý kiến tại các hội nghị, hội thảo liên quan với đại diện các bộ ngành và trực tiếp là Bộ TN&MT nhưng đề xuất Ban soạn thảo Luật đất đai sửa đổi cần có tổ tư vấn là đại diện của các Hiệp hội và doanh nghiệp bất động sản vẫn dừng lại ở ý định, chưa có quyết định cụ thể.

Đối với việc tham gia đóng góp tiếng nói của của doanh nghiệp vào việc sửa đổi Luật đất đai hiện nay, ông Hiệp cho rằng Bộ TN&MT trong vai trò chủ trì cần lắng nghe hơn nữa tiếng nói, sự tham góp từ phía doanh nghiệp cũng như thực tiễn thị trường để Luật sửa đổi sát với thực tế nhất giải quyết được tối đa những vướng mắc đã tồn tại lâu nay, gỡ khó cho doanh nghiệp.