Trình bày Báo cáo “Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kết quả điều tra cho thấy các doanh nghiệp mới hoạt động là nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất từ đại dịch COVID-19.

Báo cáo “Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam”

Báo cáo “Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng thế giới (WB) phối hợp thực hiện.

Tác động toàn diện

Cụ thể, 89% doanh nghiệp tư nhân và 92% doanh nghiệp FDI mới đi vào hoạt động dưới 3 năm chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Phân chia theo ngành, doanh nghiệp tư nhân trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất bao gồm May mặc (97%), Thông tin truyền thông (96%), Sản xuất thiết bị điện (94%). Doanh nghiệp tư nhân trong một số ngành có tỷ lệ chịu tác động tiêu cực thấp nhất, song vẫn xung quanh mức 80%, như: Bất động sản (76%), Khai khoáng (80%) và Dịch vụ khác (81%). 

Doanh nghiệp FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm Bất động sản (100%), Thông tin truyền thông (97%), Nông nghiệp/thuỷ sản (95%).

Một số nhóm ngành có tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn mức ảnh hưởng phần lớn/hoàn toàn tiêu cực ít hơn cả, bao gồm: Sản xuất chế biến giấy (76%), Tài chính, bảo hiểm (80%) và Sản xuất chế biến cao su, nhựa (82%).

“Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp là khá đa diện. Đa số doanh nghiệp cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và ảnh hưởng tới vấn đề nhân công/người lao động của doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Cụ thể, với các doanh nghiệp tư nhân, 50% gặp khó khăn về tiếp cận khách hàng và 46% phải đối mặt với vấn đề về dòng tiền. 38% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng về lực lượng lao động và 33% là về chuỗi cung ứng. Đối với các doanh nghiệp FDI, những khó khăn chính lớn cũng là về tiếp cận khách hàng (63%) và dòng tiền (42%). Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về chuỗi cung ứng và về lực lượng lao động lần lượt là 41% và 34%.

 

Tác động của dịch COVID-19 theo ngành nghề sản xuất.

Tác động của dịch COVID-19 theo ngành nghề sản xuất.

Sáu kiến nghị cho sự phục hồi của doanh nghiệp

Từ những kết quả khảo sát về doanh nghiệp, Báo cáo đưa ra một số kiến nghị cụ thể cho sự phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ nhất, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đẩy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp.

Thứ hai, đối với các chính sách đã ban hành, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời và có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, chú trọng các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch Covid-19. Cần quan tâm hơn nữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của nhóm doanh nghiệp này.

Nghiên cứu áp dụng thêm một số biện pháp mà các quốc gia khác hiện đang áp dụng như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao; hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao tay nghề, trình độ cho người lao động.

Thứ ba, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các FTA đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa/nội khối cao. Đại dịch Covid-19 đang tạo cho Việt Nam cơ hội làm việc đó, khi các đối tác lớn như Nhật, Mỹ, EU, Úc... đang tìm kiếm nơi để chuyển một phần nguồn cung cho các chuỗi của họ ra khỏi Trung Quốc.

Với một số FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, Việt Nam càng có cơ hội được chọn, nếu Chính phủ có chính sách, mục tiêu rõ ràng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho DN Việt và thu hút đầu tư từ các đối tác trên vào những lĩnh vực/ngành cần phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nhất.

Thứ tư, cần có chính sách hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân Việt trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới. Việc này quan trọng không kém việc cứu các doanh nghiệp gặp khó khăn, vì sẽ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm vươn lên phục hồi tăng trưởng và đi vào giai đoạn phát triển mới cao hơn. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp tìm cơ hội mới trong bối cảnh mới.

Thứ năm, các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025. Theo dự báo, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới, do vậy cần có những chính sách mang tính dài hạn hơn. 

Thứ sáu, cần lan toả và nhân rộng được các mô hình, cách làm tốt trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19.