TAG tiếp tục báo lỗ sau khi về tay MWG

TAG tiếp tục báo lỗ sau khi về tay MWG

Theo báo cáo tài chính quý IV năm tài chính 2017 (kết thúc 31/3/2018), Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh (MCK: TAG) tiếp tục thua lỗ thêm 7,5 tỷ đồng.

Trong quý IV vừa qua (1/1-31/3), Trần Anh ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm 8% còn 1.048 tỷ đồng. Trừ đi giá vốn 943 tỷ thì lợi nhuận gộp của TAG đạt 105 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 27%.

Trong kỳ này, chi phí lãi vay của TAG đã giảm mạnh từ 6,6 tỷ xuống còn gần 0,6 tỷ đồng. Công ty cũng tiết giảm được 6 tỷ chi phí bán hàng và 12 tỷ chi phí QLDN so với cùng kỳ. TAG cũng  không còn ghi nhận khoản vay ngắn hạn ngân hàng 467 tỷ đồng. Đây là khoản vay được bảo đảm bằng tiền gửi có kỳ hạn, lãi suất từ 4,7% đến 5,4% một năm nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động.

Tuy nhiên, Trần Anh vẫn phải báo lỗ 7,5 tỷ trong quý IV, kém hiệu quả so với khoản lãi 8,7 tỷ cùng kỳ năm ngoái.

Tính lũy kế cả năm tài chính 2017, doanh thu thuần của Trần Anh đạt 3.516 tỷ, sụt giảm 14% so với năm trước. Gộp thêm khoản lỗ từ các quý trước đó, TAG đã thua lỗ gần 63 tỷ đồng trong năm 2017 (năm trước có lãi hơn 25 tỷ đồng).

Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản của TAG không có nhiều biến động ở mức 1.187 tỷ đồng; trong đó có đến 829 tỷ là hàng tồn kho. Nợ phải trả là 976 tỷ và vốn chủ sở hữu 210 tỷ đồng. Đáng chú ý, lỗ lũy kế của TAG đã tăng lên 53,7 tỷ đồng.

Được biết, trong báo cáo 6 tháng 2017, Trần Anh đã bất ngờ báo lỗ lũy kế tại 30/9/2017 là 2,5 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên ghi nhận lỗ lũy kế kể từ khi niêm yết trên HNX.

Ông Trần Kinh Doanh – Chủ tịch HĐQT Trần Anh từng cho biết, giai đoạn cuối năm 2017, Thế Giới Di Động chưa can thiệp vào hoạt động của công ty nhưng kết quả kinh doanh vẫn giảm mạnh do thông tin liên quan đến thương vụ sáp nhập gây ảnh hưởng đến tâm lý mua sắm của khách hàng. Ngoài ra, hai doanh nghiệp cũng chỉ tập trung hoàn thiện thủ tục M&A khiến một số siêu thị rơi vào tình trạng thiếu hụt hàng hóa, bán cầm chừng.

Trước đó, Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) chính thức công bố thương vụ mua lại TAG và đến thời điểm 18/4 đã sở hữu 24,63 triệu cp TAG, tương ứng với tỷ lệ 99,27% vốn điều lệ. Việc Trần Anh tiếp tục báo lỗ như trên sẽ khiến các cổ đông của MWG không mấy hài lòng.

Việc sáp nhập vào Trần Anh lại là bước đi lâu dài của MWG khi mà TAR đang là một thương hiệu bán lẻ lớn, sở hữu hệ thống hơn 30 siêu thị quy mô, có vị trí đắc địa. Việc gộp chung TAR và MWG có thể giúp tăng thị phần bán lẻ điện máy lên khoảng 30%, gia tăng sức ảnh hưởng vào thị trường phía bắc.

Không chỉ MWG hưởng lợi mà bản thân TAR cũng có thể tận dụng khả năng quản trị của MWG để tăng doanh thu. Bởi với các chuỗi siêu thị điện máy lớn, vị trí đắc địa nhưng TAR vẫn chưa biết tận dụng lợi thế của mình khi hiệu quả hoạt động không cao và lợi nhuận đem lại thấp.

MWG hiện đang đặt mục tiêu doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2020 trong khi chuỗi Thế Giới Di Động đang có dấu hiệu bão hòa khi tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Chính vì vậy, việc tập trung đầu tư vào thị trường điện máy đặc biệt phát triển với chuỗi Điện Máy Xanh cùng chuỗi điện máy Trần Anh phần nào giúp MWG ổn định thị trường và đạt mục tiêu doanh thu đề ra.

Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch MWG cho rằng nhà đầu tư không nên nhìn quá sâu vào con số trên báo cáo tài chính của Trần Anh. Bởi vì khi MWG mua Trần Anh về, mọi hoạt động kinh doanh của công ty này đã được gộp vào MWG và hoạt động như các siêu thị trong chuỗi Điện Máy Xanh. Khách hàng miền bắc vào Trần Anh mua hàng với tâm lý giá rẻ nhưng MWG sẽ dần thay đổi thói quen đó, tạo ra giá trị riêng và hi vọng sẽ bán được giá tốt hơn, cải thiện lợi nhuận của Trần Anh.