ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) đã nhấn mạnh như vậy tại phiên thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, ngày 30/10.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

ĐBQH Trần Hữu Hậu cho rằng, cơ cấu lại nền kinh tế phải bắt đầu từ việc xác định đâu là những nút thắt của từng ngành, từng địa phương và của nền kinh tế bằng phương thức tiếp cận từ thực tiễn. Những nút thắt này khái quát lên những mâu thuẫn đang hiển hiện trong trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Cơ cấu lại nền kinh tế từ khía cạnh nào đó là phải giải quyết được mâu thuẫn nội tại đang ngăn cản sự phát triển. Đại biểu Trần Hữu Hậu nêu ví dụ cụ thể là ngành điện. Điện được coi như mạch máu của nền kinh tế, của sinh hoạt, đời sống của người dân. Thế nhưng chúng ta đang chứng kiến những mâu thuẫn lớn của ngành này. 

Chỉ một thay đổi về chính sách, đất nước từ chỗ luôn lo lắng về thiếu điện đã dư điện. Đó là điện gió, năng lượng mặt trời đúng với xu thế phát triển năng lượng tái tạo của thế giới. Tuy nhiên, mặc dù đã được “dấy lên” nhưng lại phải tạm ngừng phát triển. Những nơi đã phát điện lại phải cắt giảm công suất phát điện, việc này đã gây lãng phí nguồn lực của xã hội…

“Những mâu thuẫn này do đâu và nút thắt nào đã khiến cho những những mâu thuẫn đó vẫn tồn tại suốt nhiều năm qua? Đây là câu hỏi không khó nhưng cũng không dễ trả lời. Vì khó nhất và nút thắt lớn nhất lại nằm trong tư duy và quyết tâm có chịu làm hay không, dám làm hay không của chính ngành điện và ngành chủ quản”, đại biểu Trần Hữu Hậu bày tỏ.

ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh).

ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh).

Theo đại biểu Trần Hữu Hậu, nói về ngành điện như vậy để đi đến một kết luận rằng, trong cơ cấu lại nền kinh tế, nếu các ngành, các địa phương bắt đầu từ những mâu thuẫn trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, từ những bức xúc của người dân và doanh nghiệp thì sẽ tìm và tháo gỡ được những nút thắt và tạo ra những thay đổi mang tính đột phá.

“Đó là một phương thức nhằm cơ cấu lại nền kinh tế thiết thực nhất, mạnh mẽ nhất và hiệu quả nhất”, đại biểu Trần Hữu Hậu nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) khẳng định, cơ cấu lại nền kinh tế “không chỉ cần thiết mà là rất cần thiết” và đặt ra 4 vấn đề cần quan tâm. Trước hết là phân bổ nguồn lực nội địa mất cân đối. Ví dụ vốn trong DNNN chiếm rất lớn nhưng không sử dụng hiệu quả trong khi tư nhân khó tiếp cận. Nhiều vùng tiềm năng tốt nhưng chưa quan tâm đầu tư tương xứng như ĐBSCL, ven biển.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội).

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội).

Dẫn số liệu FDI chiếm phần lớn trong xuất khẩu, “tăng trưởng hộ các nước khác chỉ để nhận giá trị gia tăng rất nhỏ”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, muốn đạt mục tiêu trở thành quốc gia hùng cường phải có trụ cột là các tập đoàn mạnh, không chỉ làm chủ trong nước mà phải vươn ra thế giới.

Vẫn theo đại biểu Hoàng Văn Cường, tác động của đại dịch và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải cơ cấu lại nền kinh tế và thực tế các lĩnh vực, thậm chí từng hộ gia đình cũng đang có sự thay đổi từ chi tiêu đến phương thức hoạt động.

“Chúng ta muốn là nước đi đầu trong thời đại 4.0, nhưng làm chủ được gì trong công nghệ? Hội họp, học hành online vẫn dùng Team, Zoom. Tôi nghĩ hoàn toàn làm chủ được nếu đặt hàng doanh nghiệp trong nước. Tái cơ cấu nền kinh tế cần cơ chế đột phá chứ không phải giải pháp thông thường”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn).

ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn).

Khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) băn khoăn, là một nước nông nghiệp, sản xuất gạo gần như lớn nhất thế giới nhưng Việt Nam cũng là nước nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất rất lớn.

Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan kỳ 1 tháng 10/2021, đại biểu cho biết số tiền chi trả để nhập khẩu các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu, nguyên liệu phân bón đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã khiến doanh nghiệp, các hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn và thua lỗ.

“Tôi cho rằng, kế hoạch cần đưa mục tiêu ngành nông nghiệp phải có giải pháp tự chủ về nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, cùng với việc ứng dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ người nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành từ đó tăng khả năng cạnh tranh”, đại biểu Chu Thị Hồng Thái kiến nghị.