Bộ phát tín hiệu không dây Mesh là công nghệ "mới nổi" gần đây được nhiều người dùng tìm kiếm, sử dụng cho các mạng Wi-Fi trong gia đình. Những hệ thống như vậy từng được sử dụng trong các mạng yêu cầu độ bảo mật, ổn định cao như quân đội, văn phòng công ty hoặc kho hàng lớn và thường không được kết nối với Internet.

Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều nhà sản xuất nổi tiếng đã ra mắt các bộ định tuyến dùng công nghệ Mesh cho dân dụng như Netgear Orbi, Linksys Velop, Samsung Connect Home Pro, Google Wifi, Ubiquiti Amplifi hay Eero Mesh Router.

Hệ thống Whole Home WiFi hay còn gọi là Mesh Wi-Fi được phát triển do yêu cầu ngày càng cao của người dùng về mở rộng độ phủ sóng cũng như tính ổn định của kết nối. Các bộ phát (router) truyền thống có phạm vi phát sóng giới hạn và tín hiệu bị suy giảm đáng kể khi phải xuyên qua 2 đến 3 lớp tường trở lên. Trong khi đó, các bộ mở rộng tín hiệu (repeater) thông thường không có độ ổn định cao, đặc biệt là về tốc độ kết nối.

Trong mạng Mesh (trên), các node dành nhiều băng thông để giao tiếp với nhau, tốc độ truyền tải giữa chúng đến các thiết bị luôn được duy trì ở mức tối đa.

Trong mạng Mesh (trên), các node dành nhiều băng thông để giao tiếp với nhau, tốc độ truyền tải giữa chúng đến các thiết bị luôn được duy trì ở mức tối đa.

Một bộ Mesh Wi-Fi bao hồm hai hoặc nhiều module đơn lẻ hay còn gọi là các trạm hoặc nút (node), có kiểu dáng giống hệt nhau. Trong đó, chỉ có một bộ định tuyến chính cần kết nối với đường mạng Internet. Điểm đặc biệt là chúng có thể giao tiếp liên tục với nhau.

Thông thường, mỗi node sẽ dành một nửa tổng băng thông hỗ trợ để "liên hệ" với các node còn lại giúp mở rộng vùng phát sóng và đảm bảo tốc độ truyền ổn định. Đây là ưu điểm so với cách mở rộng phát sóng cũ bởi repeater chỉ có thể đảm bảo chất lượng "tạm ổn" khi được kết nối với router chính.

Các node trong một bộ sản phẩm Mesh đều đảm nhận nhiệm vụ tương tự khi đều có thể kết nối với thiết bị cuối của người dùng như máy tính, điện thoại, đồ thông minh... Khi người dùng di chuyển, các bộ phát sẽ tính toán và "phân lượt" để thiết bị kết nối vào node gần nhất nhằm tối ưu chất lượng tín hiệu. Quá trình chuyển đổi kết nối của thiết bị cuối với các node là rất nhanh, độ trễ thấp hơn nhiều so với sử dụng repeater truyền thống.

Khi người dùng cần mở rộng vùng phát sóng, chỉ cần mua thêm node cùng loại, nhà sản xuất và đặt ở các vị trí cần thiết. Trên lý thuyết, một hệ thống Mesh có thể cho phạm vi hoạt động tới hàng km vuông. Tất cả chúng chỉ tạo ra một tên mạng Wi-Fi duy nhất và người dùng không cần quan tâm tới việc chuyển đổi sang mạng Wi-Fi nào "khỏe" nhất để sử dụng.

Một số thử nghiệm thực tế của các trang công nghệ lớn cho thấy độ trễ khi chuyển đổi kết nối của điện thoại với các node của Ubiquiti Amplifi hay Google Wi-Fi là rất thấp và khó cảm nhận được, kể cả với người dùng đang chơi game hay xem video độ nét cao.

Các bộ sản phẩm Mesh Wi-Fi đều có ứng dụng quản lý thiết bị kết nối và hướng dẫn cài đặt cho người dùng phổ thông.

Các bộ sản phẩm Mesh Wi-Fi đều có ứng dụng quản lý thiết bị kết nối và hướng dẫn cài đặt cho người dùng phổ thông.

Sở hữu nhiều công nghệ mới nhất nhưng các bộ Mesh Wi-Fi đều có cách kết nối dễ hơn rất nhiều so với bộ phát router truyền thống. Chỉ cần cài phần mềm hỗ trợ, người dùng sẽ được hướng dẫn cụ thể cách đặt từng node sao cho phù hợp cũng như đặt tên và mật khẩu mà không cần đến nhân viên hỗ trợ. Ngoài ra, hầu hết các phần mềm từ Google, Ubiqiti, Samsung hay Linksys đều có thể quản lý từng thiết bị đang kết nối rất tiện dụng như hạn chế web, thời gian và tốc độ truy cập...

Nhược điểm lớn nhất của một hệ thống Mesh Wi-Fi hiện nay là giá thành còn khá cao. Một bộ tiêu chuẩn khoảng 3 node từ nhà sản xuất danh tiếng trong khoảng trên dưới 10 triệu đồng trong khi các model đến từ nhà sản xuất Trung Quốc cũng có giá thấp nhất khoảng từ 3 đến 4 triệu đồng.