Được biết, Quy hoạch xây dựng phương án quy hoạch kết cấu hạ tầng cho 4 phân ngành chính gồm: Phân ngành than, phân ngành dầu khí, phân ngành điện lực và phân ngành năng lượng tái tạo.

Liên kết các phân ngành

Trao đổi với DĐDN, PGS. TS Bùi Xuân Hồi, giảng viên cao cấp của bộ môn kinh tế, công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhìn nhận, sự tương tác giữa các ngành năng lượng là điều bắt buộc phải có. Trong khi đó, từ trước đến nay chúng ta chưa có quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia mà chỉ rải rác quy hoạch chiến lược ngành. “Vì vậy, ý tưởng ban đầu là tốt vì sự phát triển ngành năng lượng không thể độc lập. Tuy nhiên, đầu mối Viện năng lượng và Viện dầu khí thực hiện thì kết quả đến đâu mới là điều đáng nói, vì toàn... nhà nước làm”, chuyên gia nhấn mạnh.

 Phát triển năng lượng của Việt Nam trong thời kỳ nhập khẩu ròng sẽ ngày càng chịu nhiều tác động của thế giới. Ảnh: Nhà máy điện tư nhân AquaOne Hậu Giang

Phát triển năng lượng của Việt Nam trong thời kỳ nhập khẩu ròng sẽ ngày càng chịu nhiều tác động của thế giới. (Ảnh: Nhà máy điện tư nhân AquaOne Hậu Giang)

Còn ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ mỏ Việt Nam cho rằng, quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia đề cập cụ thể tới 4 phân ngành năng lượng mà chưa thấy nói tới phần liên kết các phân ngành, trong khi đây là phần rất quan trọng. “Sự liên kết các phân ngành năng lượng, trách nhiệm của Chính phủ, địa phương đến đâu phải rất rõ…”, ông Hòa nói.

Trong khi đó, lo ngại về nhược điểm cố hữu của công tác quy hoạch, PGS TS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam lưu ý: “Bài học từ quy hoạch điện VII cho thấy một nhược điểm là quy hoạch được một thời ngắn là đã phải điều chỉnh do công tác dự báo, đánh giá chưa chính xác”.

Hài hòa quan hệ Nhà nước và thị trường

Thiếu hụt năng lượng cũng được cho là do thu hút đầu tư xã hội kém, thậm chí, chuyên gia còn cho rằng, trong Quy hoạch tổng thể về năng lượng có mối quan hệ căn bản cần giải quyết là Nhà nước và thị trường.

Xem quy hoạch thì thấy Nhà nước làm cả, hàm lượng kinh tế thị trường trong quy hoạch chưa cao. Do đó mối quan hệ căn bản này chưa được giải quyết triệt để, cần chỉ rõ ra, Nhà nước làm được đến đoạn nào rồi dừng lại nhường chỗ cho yếu tố thị trường triển khai tiếp thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Nói về các giải pháp thu hút đầu tư tư nhân cho lĩnh vực năng lượng tại quy hoạch lần này, ông Hồi cho rằng hiện có hai câu chuyện quan trọng nhất là giá năng lượng và xác định thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nào. Mà rõ ràng ở đây cán cân quan trọng nhất trong lợi nhuận là giá cả. Trong khi đó, giá năng lượng mà chủ yếu là giá điện vẫn do Bộ Tài chính phê duyệt. “Như vậy thì không thể kỳ vọng thu hút được đầu tư tư nhân”, ông Hồi nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam: Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ra đời là quyết sách “cởi” được nút thắt về độc quyền, mở rộng phát triển thị trường năng lượng. Có hai vấn đề lớn được nêu ra trong Nghị quyết. Đó là tất cả các thành phần kinh tế đều được tham gia vào phát triển năng lượng, miễn là có đủ năng lực. Thứ hai là tháo gỡ tất cả những rào cản về độc quyền, cản trở khối tư nhân tham gia vào truyền tải năng lượng.

Nhưng PGS. TS Bùi Xuân Hồi lại cho rằng: “Nghị quyết 55 mới chỉ là định hướng, còn thực thi cần cụ thể hơn, chúng ta thu hút tư nhân vào lĩnh vực nào? Sản xuất? Truyền tải?... phải được xác định rõ”. Ông Hồi đặt vấn đề và cho rằng thu hút đầu tư tư nhân nên ở phần nguồn điện.

Ông Hồi cũng lo ngại vấn đề an ninh năng lượng và khẳng định đây là điều cần được cân nhắc, xem xét thận trọng trong quá trình đưa ra chính sách thu hút đầu tư tư nhân.

Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia là 1 trong 5 Quy hoạch ngành mà Bộ Công Thương được Chính phủ giao thực hiện, đó là: Quy hoạch Điện lực quốc gia (QH Điện 8) đang được triển khai; Quy hoạch hạ tầng dự trữ cung ứng xăng dầu khí đốt quốc gia; Quy hoạch thăm dò khai thác chế biến sử dụng quặng phóng xạ và Quy hoạch thăm dò khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản.