Đó là chia sẻ của bà Trần Uyên Phương, Phó TGĐ Tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP) tại Tọa đàm “Làm gì để có thương hiệu mạnh?” do Tạp chí điện tử Nhà đầu tư tổ chức vừa qua tại Hà Nội, với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp, học giả, chuyên gia, nhà văn hóa uy tín…

Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát tại tọa đàm.

Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát tại tọa đàm.

Chia sẻ tại tọa đàm, GS. TSKH Nguyễn Mại cho hay thực tế xây dựng thương hiệu phức tạp hơn rất nhiều. Kinh tế, kinh doanh gắn với động lực của từng con người, kể cả những thương hiệu lớn cũng đã vi phạm đạo đức xã hội nghiêm trọng, vi phạm và bị phạt hàng trăm tỷ USD.

Do đó, việc phát triển thương hiệu cần phải ứng xử trong thực trạng Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp quốc doanh chỉ vài nghìn, đóng góp không nhiều lắm nên cũng cần phải thay đổi. Ông khẳng định đây là giai đoạn tốt, trong chuyển hướng ấy có những tập đoàn mạnh, cần nhiều công nghệ để chuyển từ kinh tế theo nguồn tăng trưởng cũ sang theo nguồn tăng trưởng mới.

Trong khí đó, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh muốn có thương hiệu mạnh thì phải xây nhà từ móng, gắn vào sự sáng tạo và công nghệ, doanh nghiệp cần phải có sự kết nối, tương tác với khách hàng. Vấn đề ở đây là câu chuyện chính sách. Đằng sau những thống kê về tăng trưởng và phát triển của một quốc gia chính là câu chuyện của doanh nghiệp.

Đứng góc độ doanh nghiệp, bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, khi nói đến doanh nghiệp là hành động và kết quả, có hành động nhưng phải có kết quả.

Tân Hiệp Phát tự hào cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp đa quốc gia. Trong 5 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường Việt Nam trong lĩnh vực nước giải khát, có 4 doanh nghiệp đa quốc gia, Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất.

"Từ những ngày đầu, Tân Hiệp Phát xác định phải đi theo thị trường ngách, bởi rất khó cạnh tranh sản phẩm đồ uống có gas với các tập đoàn nước ngoài. Chúng tôi thay vào đó, đi theo sản phẩm nước giải khát tốt cho sức khoẻ. Trước đây 10 năm, khi Tân Hiệp Phát tuyên bố đầu tư 300 triệu USD dây chuyền vào công nghệ hiện đại nhất thế giới thì nhiều người tỏ ý không tin", bà Trần Uyên phương chia sẻ.

“Lúc đó, từ người ngoài đến trong ngành gần như đều cho rằng chuyện này sẽ không xảy ra. Tân Hiệp Phát chỉ nói thôi chứ không làm. Nhưng chúng tôi đã chứng minh suốt 10 năm qua về mọi thứ", Phương cho biết.

Thành công của Tân Hiệp Phát được bà Trần Uyên Phương chỉ ra chính là việc đi vào thị trường ngách, phân khúc sản phẩm ngành nước giải khát có lợi cho sức khỏe, một ngành hàng mà doanh nghiệp đa quốc gia không mạnh.

Theo bà Trần Uyên Phương, máy móc chỉ giúp kiểm soát trong vấn đề sản xuất sản phẩm, quan trọng hơn phải là quản trị của doanh nghiệp, kinh doanh, phân phối, mà để làm chủ được cần phải có yếu tố con người mang tư duy sáng tạo, đột phá.

Hiện nay, Tân Hiệp Phát đang áp dụng các quy chuẩn đào tạo nguồn nhân lực tiên tiến hàng đầu, và chúng tôi khao khát với đội ngũ nhân sự kế thừa chất lượng cao, Tân Hiệp Phát có thể là thương hiệu và doanh nghiệp Việt vững mạnh suốt hàng trăm năm.

Kết thúc phần tham luận, các địa biểu tiếp tục thảo luận về khái niệm, vai trò thương hiệu đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay muốn ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt phải được hỗ trợ bằng chính sách thị trường thế giới nhìn vào một doanh nghiệp dựa trên hình ảnh quốc gia của doanh nghiệp đó.

Bản thân quốc gia đã là một thương hiệu có giá trị rất lớn, như chúng ta hay nói "Made in Japan" chẳng hạn. Doanh nghiệp Việt trước nay rất khó vươn mình ra thế giới, bởi hình ảnh của Việt Nam trong mắt các bạn chủ yếu vẫn gắn liền với cuộc chiến tranh, hoặc tích cực hơn cũng mới chỉ dừng lại ở phở, áo dài.

"Bởi vậy, nếu muốn các doanh nghiệp Việt vươn xa thì điều kiện cần là chính bản thân các doanh nghiệp phải mạnh, rất mạnh, nhưng cần thêm điều kiện đủ là sự hỗ trợ về mặt chính sách, mà việc thay đổi hình ảnh về đất nước trong con mắt quốc tế là rất quan trọng". TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam thẳng thắn cho rằng doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu làm thương hiệu, nhưng thương hiệu mạnh hay không phải phụ thuộc vào năng lực của doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp sinh ra là để cung cấp sản phẩm dịch vụ nào đó, để tồn tại phải được khách hàng công nhận. Thực tế hiện nay, doanh nghiệp ít chăm lo đến chất lượng sản phẩm và hệ thống quản trị, mà chỉ lo sắm “mác” bên ngoài, cố gắng làm thương hiệu trước và ít chú ý đến chất lượng, cũng như quản trị chất lượng.

“Tôi thấy rằng, một số doanh nghiệp lớn hiện nay chẳng hạn nhưu Tân Hiệp Phát, khi tiếp cận thị trường, những doanh nghiệp này thường không nói nhiều về bản thân doanh nghiệp đó mà nói về vấn đề cốt lõi, làm chất lượng và xây dựng hệ thống quản trị chất lượng, khi đó mới nói đến thương hiệu”, ông Trường cho biết.

Ông mong rằng, đơn vị quản lý cũng như doanh nghiệp quan tâm đến 'sức khỏe' của mình, vấn đề cốt lõi trước khi bàn đến việc thương hiệu mạnh hay không mạnh.