Tại kỳ điều hành chiều nay (12/10), Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh giá bán các loại xăng dầu. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 53 đồng/lít so với giá hiện hành, giá bán tối đa là 14.268 đồng/lít; xăng RON95 tăng 138 đồng/lít, giá bán tối đa là 15.122 đồng/lít.

Dầu hỏa cũng được điều chỉnh tăng 145 đồng/lít so với giá hiện hành, giá bán tối đa là 9.594 đồng/lít; dầu mazut cũng tăng 95 đồng/kg. Chỉ riêng dầu diesel được giữ nguyên mức giá hiện tại là 11.128 đồng/lít.

fa

Xăng E5RON92 tăng 53 đồng/lít so với giá hiện hành.

Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ không trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 và dầu mazut; trích lập Quỹ BOG đối với xăng RON95 ở mức 100 đồng/lít, giảm mức trích lập Quỹ BOG đối với dầu diesel xuống mức 298 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít.

Đồng thời tăng chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 lên mức 1.200 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 524 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít, dầu mazut ở mức 100 đồng/kg, dầu diesel không chi.

Việc sử dụng quỹ bình ổn và điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu được áp dụng từ 15h chiều nay (12/10).

Theo liên Bộ, giá xăng dầu thế giới trong 15 ngày vừa qua đã có sự điều chỉnh tăng giảm đan xen, nhưng xu hướng chung là tăng. Do đó, nếu không tiếp tục chi Quỹ BOG, giá các loại xăng dầu sẽ tăng cao so với giá hiện hành.

Được biết, hiện Bộ Công Thương đang tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Tại dự thảo mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 phương án thời gian điều hành giá xăng dầu. Theo phương án 1, thời gian điều hành giá xăng dầu sẽ vào ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hằng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau kỳ nghỉ.

Trường hợp giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tăng cao bất thường so với giá cơ sở kỳ liền kề trước đó có thể ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Đối với phương án 2, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp là 15 ngày như hiện hành. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.

Chia sẻ về việc rút ngắn thời gian giữa các kỳ điều hành giá xăng dầu, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định đây là điều cần thiết trong bối cảnh giá xăng dầu biến động từng giờ. Theo ông Doanh, việc điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần như hiện nay còn nhiều bất cập, không sát với diễn biến của thị trường.

Trên thực tế, biến động giá xăng dầu trên thế giới có thể tăng giảm liên tục nhưng điều hành trong nước chưa theo sát do chưa đến kỳ, phải chờ đợi 15 ngày theo quy định, hoặc tính trung bình giá xăng dầu trong 15 ngày lại không tăng/giảm theo giá thế giới tại ngày điều chỉnh.