Lý giải về việc tăng tới gần 60% mức phí quan hầm Hải Vân, đại diện chủ đầu tư (Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả) đưa ra nhiều lý do trong đó có lý do "doanh nghiệp này đang đi vay vốn và đối mặt với "áp lực tín dụng". Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cách giải thích vì "áp lực tín dụng” của nhà đầu tư là không ổn, vì điều này vô hình chung sẽ thấy rõ: nhà đầu tư đang đẩy khó khăn của mình về phía người dân sử dụng dịch vụ.

Giá vé qua hầm Hải Vân tăng kịch khung áp dụng từ 0h ngày 01/05/2021.

Giá vé qua hầm Hải Vân tăng kịch khung áp dụng từ 0h ngày 01/05/2021.

Nan giải “câu chuyện” hoàn vốn

Đây không phải là lần đầu tiên Đèo Cả lên tiếng về loạt động thái liên quan đến lộ trình đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành và hoàn vốn các dự án BOT, cụ thể là dự án hầm Hải Vân 2.

Trước đó, ngay khi tiếp quản hầm Hải Vân 1 (tháng 12/2016) từ đơn vị quản lý vận hành Bộ Giao thông Vận tải, “chủ nhân” hầm Hải Vân là công ty Đèo Cả đã liên tiếp “kêu cứu” cơ quan chức năng về việc hoàn vốn dự án bởi những bất cập trong việc đặt trạm thu phí Phú Gia - Phước Tượng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Chủ đầu tư hầm Hải Vân liên tiếp

Chủ đầu tư hầm Hải Vân liên tiếp "kêu cứu" về việc chậm thanh toán dự án.

Ngay sau đó, chủ đầu tư hầm Hải Vân liền bị Điện lực Đà Nẵng “cảnh báo” khi chậm thanh toán tiền điện vận hành hầm Hải Vân 1 với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng vào cuối năm 2018.

Đáng nói, việc chậm thanh toán tiền điện vận hành hầm Hải Vân 1 tại thời điểm đó ngay lập tức được dư luận chú ý và đặt câu hỏi về động thái có thực sự là “khó khăn” của chủ đầu tư  hay là một trong những “chiêu thức” cảnh báo cơ quan quản lý nhà nước về việc bức xúc trong việc hoàn vốn cho hầm Hải Vân 1 đã bị bác bỏ khi Đèo Cả dự kiến đặt trạm thu phí Nam hầm Hải Vân?

Tuy nhiên, việc hoàn vốn hầm Hải Vân 1 sau thời gian dài vẫn chưa được giải quyết triệt để thì công ty Đèo Cả tiếp vẫn tục đầu tư xây dựng hầm Hải Vân 2 và giờ đây liên tục “kêu cứu” về việc chậm thanh toán dự án.

Thậm chí, sau khi khánh thành hầm Hải Vân 2, chủ đầu tư từng “tuyên bố” chỉ mở cửa 20 ngày trước và sau tết nguyên đán Tân Sửu 2021 nếu cơ chức năng không giải quyết vấn đề tài chính tồn động của dự án.

Mọi việc sau đó lại yên ắng và hầm Hải Vân 2 vẫn được vận hành thông suốt mà theo lý giải của chủ đầu tư là “thực hiện trách nhiệm với xã hội” nên vẫn cho lưu thông song song hai hầm Hải Vân 1,2.

Ai là người chịu thiệt?

Xét cho cùng, loạt động thái của Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả mà cụ thể là đối với dự án hầm Hải Vân 1,2 đều có lý do, và căn nguyên của vấn đề đều xuất phát từ mục đích tài chính.

Thẳng thắn thừa nhận, việc phối hợp thực hiện dự án giữa cơ quan quản lý nhà nước (Bộ GTVT) và nhà đầu tư để khai thác nguồn lực xã hội nhằm phục vụ lợi lịch của người dân và phát triển nguồn lực xã hội thực tế đã xảy ra nhiều bất cập phát sinh.

Và khi quyền lợi nhà đầu tư bị ảnh hưởng sẽ đẩy khó khăn tài chính cho người dân như hiện nay thì liệu có ổn?

Đáng chú ý, chỉ trong 7 tháng trở lại đây, mức giá thu phí qua hầm Hải Vân liên tục bị điều chỉnh, đợt tăng giá kịch khung lần này cũng được thực hiện theo thỏa thuận ký kết giữa Công ty Đèo Cả và Bộ GTVT.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 2230/BGTVT-ĐTCT ngày 16/04/2021 đồng ý việc điều chỉnh giá vé tại trạm thu phí Bắc Hải Vân để có nguồn kinh phí duy trì công tác quản lý vận hành và hoàn vốn cho hầm Hải Vân 2 khi đưa vào khai thác. Việc điều chỉnh giá vé thực hiện theo lộ trình của Hợp đồng dự án đã ký kết; giá vé tuân thủ theo Thông tư 60/2018/TT-BGTVT đối với công trình hầm đường bộ. Và theo lý giải từ chủ đầu tư, các phương tiện có thể chủ động lựa chọn lộ trình lưu thông qua hầm hoặc có vượt đèo Hải Vân…

Theo đại diện Hội vận chuyển du lịch Đà Nẵng cho biết: “Đợt điều chỉnh phí qua hầm Hải Vân lần này khiến khách hàng có nhiều sự cân nhắc khi lựa chọn dịch vụ”.

Cũng theo vị này, riêng dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, với loại hình xe taxi khách trả phí nên họ lựa chọn đi đèo rất nhiều. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh kết thúc và hoạt động lưu thông bình thường các doanh nghiệp sẽ phải tăng giá thành vận tải.

Từ thực tế trên, việc lựa chọn hình thức lưu thông trên hoàn toàn là thách thức cho những phương tiện khi tham gia giao thông qua đèo Hải Vân khi tính an toàn, thời gian và nhiên liệu hầu như không thể đáp ứng.

Xem ra, bài toán đầu tư, quản lý và vận hành hầm Hải Vân vẫn còn nhiều nan giải và bức xúc về nhiều mặt... Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp luôn cần sự chung tay vào cuộc từ cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp cũng như nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội của nhà đầu tư giữa lúc nền kinh tế và đời sống nhân dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.

Giá vé qua hầm Hải Vân tăng kịch khung áp dụng từ 0h ngày 01/05/2021

Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt chở khách công cộng tăng vé lượt từ 70.000 đồng lên 110.000 đồng, vé tháng từ 2,1 triệu đồng lên 3,3 triệu đồng, vé quý từ 5,67 triệu đồng lên 8,91 triệu đồng.

Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn tăng từ 90.000 đồng lên 160.000 đồng/lượt, từ 2,7 triệu đồng lên 4,8 triệu đồng/tháng, từ 7,29 triệu đồng lên 12,96 triệu đồng/quý.

Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn tăng từ 140.000 đồng lên 200.000 đồng/lượt, từ 4,2 triệu đồng lên 6 triệu đồng/tháng, từ 11,34 triệu đồng lên 16,2 triệu đồng/quý.

Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở container 20 feet tăng từ 180.000 đồng lên 210.000 đồng/lượt, từ 5,4 triệu đồng lên 6,3 triệu đồng/tháng, từ 14,58 triệu đồng lên 17,01 triệu đồng/quý.

Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở container 40 feet tăng từ 240.000 đồng lên 280.000 đồng/lượt, từ 7,2 triệu đồng lên 8,4 triệu đồng/tháng, từ 19,44 triệu đồng lên 22,680 triệu đồng/quý.