Theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, chỉ số PCI của tỉnh Quảng Ngãi đạt 62,40 điểm, giảm 0,76 điểm và giảm 16 bậc so với năm 2017, xếp hạng 41/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm xếp hạng khá.

p/Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi làm việc với đại diện FLC tại thực địa

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi làm việc với đại diện FLC tại thực địa

Truyền động lực xuống cơ sở

Trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2018 của tỉnh Quảng Ngãi, các chỉ số về chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã có sự gia tăng về điểm số. Tuy nhiên, chỉ có 1 chỉ số tăng bậc, 1 chỉ số giữ nguyên bậc, 3 chỉ số giảm bậc, và 5 chỉ số về tính minh bạch, đào tạo lao động, gia nhập thị trường, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đều giảm điểm, giảm bậc và xếp hạng thấp trên bảng xếp hạng của cả nước.

Qua chỉ số này cho thấy, nhận thức về nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao PCI của các cấp, các ngành trong tỉnh đã có sự chuyển biến. Tuy nhiên, kết quả trên cũng cho thấy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của các cấp, các ngành trong tỉnh còn những hạn chế, tồn tại cần được xử lý.

Rõ ràng, cùng với nỗ lực thu hút đầu tư, kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp với các cấp chính quyền địa phương trong vai trò đồng hành ngày càng lớn. Đã có những lý giải rằng, với số lượng doanh nghiệp lớn, đòi hỏi của doanh nghiệp, nhà đầu tư về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng sẽ khắt khe hơn.

Nhìn một cách tổng thể, kết quả PCI của tỉnh Quảng Ngãi một mặt cho thấy những cải cách, nỗ lực của tỉnh chưa được các doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ; một mặt thực tế còn những rào cản, bất cập trong quản lý, điều hành, thực hiện công vụ, tạo lập môi trường thân thiện, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Đây cũng là một trong những lý do mà năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi thực hiện chủ đề “Tiếp tục tinh gọn bộ máy, biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, ưu tiên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội bức xúc”. Bởi trên con đường trở thành tỉnh công nghiệp, thì cùng nỗ lực của các cấp chính quyền trong tỉnh, sự đồng hành của doanh nghiệp chính là “chìa khóa” đi đến thành công.

Để tạo tiền đề cho việc cải thiện các chỉ số thành phần PCI cũng như lan toả mạnh mẽ hơn nữa cải cách xuống cơ sở, Quảng Ngãi đã công bố Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở ban ngành và địa phương (DDCI) năm 2018.

Theo đó, đối với 14 sở, ban ngành, chỉ số DDCI được đánh giá dựa trên 7 chỉ số thành phần, bao gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý.

Tương tự, nhóm huyện, thành phố địa phương cũng được đánh giá dựa trên 8 chỉ số thành phần, bao gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và tiếp cận đất đai.

Đồng bộ các giải pháp

Năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đưa ra giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chỉ số PCI. Để vươn lên nhóm xếp hạng tốt, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành của tỉnh trong việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao; thường xuyên theo dõi và giám sát định kỳ việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh và của Trung ương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời thực hiện có hiệu quả phương châm hành động của Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

Bảng xếp hạng DDCI Quảng Ngãi 2018

Bảng xếp hạng DDCI Quảng Ngãi 2018

Cụ thể, theo bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ngãi: Trong thời gian tới, các cơ quan của Quảng Ngãi sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các Quyết định của UBND tỉnh và cam kết giữa tỉnh Quảng Ngãi với VCCI ngày 10/8/2016 về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, tỉnh sẽ thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các trường hợp lợi dụng vị trí làm việc gây khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người trực tiếp giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Đặc biệt, tỉnh sẽ đổi mới phương thức tổ chức “Chương trình Cà phê doanh nhân và Hỗ trợ khởi nghiệp trong năm 2019”, nhằm duy trì hoạt động gặp gỡ định kỳ hàng tháng, tạo khí thế, động lực để doanh nghiệp tham gia nhiệt tình với mục đích chính là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và nâng cao năng lực quản lý xã hội.

Bên cạnh sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, sẽ mời lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và lãnh đạo các địa phương trong tỉnh cùng tham dự để đồng hành cùng doanh nghiệp. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh chủ động đề xuất các biện pháp tăng cường đối thoại với các cơ quan, chủ động đề xuất các buổi đối thoại, tham vấn theo chủ đề, theo nhóm doanh nghiệp đặc thù.

Bên cạnh đó, Quảng Ngãi đẩy mạnh xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng; đồng thời cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tối thiểu mức độ 3 (tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và các địa phương), đặc biệt chú trọng đến các lĩnh vực: đăng ký kinh doanh, xây dựng, đất đai, đầu tư, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, kê khai và nộp thuế, kê khai hải quan, kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp... Ngoài ra, Tỉnh phối hợp tích hợp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Thông qua triển khai đánh giá DDCI tỉnh Quảng Ngãi năm 2019, sẽ xem xét, đánh giá trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao PCI, DDCI, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện các dự án, với tinh thần kiên quyết thu hồi những dự án mà nhà đầu tư không đảm bảo năng lực, các dự án có dấu hiệu giữ, chiếm đất, đồng thời tích cực hỗ trợ các dự án có tính khả thi cao nhưng gặp vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng hoặc gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan.