Đó là một trong những văn bản điều hành đầu tiên được Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành.

 Theo Báo cáo của VCCI, tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh năm 2020 chậm hơn các năm trước.

Theo Báo cáo của VCCI, tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh năm 2020 chậm hơn các năm trước.

Động thái đó cho thấy, quan tâm của Thủ tướng là khơi thông những rào cản kinh doanh đang kìm hãm, cản trở sự phát triển của khu vực doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang rất khó khăn dưới tác động của đại dịch COVID-19.

Tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh đang chững lại

Trong Báo cáo Chương trình Cải cách môi trường kinh doanh - góc nhìn từ doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, các lĩnh vực cải cách mà doanh nghiệp đánh giá là giảm điểm so với năm trước bao gồm thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng và cấp phép xây dựng. Điều đáng nói, đây lại là những lĩnh vực có tốc độ cải cách được cho là nhanh và ấn tượng nhất của môi trường kinh doanh Việt Nam nhiều năm qua.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cải cách môi trường kinh doanh đang chững lại. Đáng nói là sự chững lại này không chỉ ở những lĩnh vực vốn khó cải thiện, mà ở cả những chỉ số đang có tốc độ bứt phá nhanh.

Các doanh nghiệp tham gia khảo sát theo Chương trình Cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam cũng thừa nhận điều này. Họ nhắc đến thời gian làm thủ tục đăng ký, khởi sự kinh doanh đã giảm liên tục từ năm 2014 đến nay, dự đoán sẽ giảm tiếp khi năm 2020 và đầu năm 2021 có thêm nhiều văn bản mới về liên thông thủ tục hành chính.

Thủ tục hành chính thuế, lĩnh vực bảo hiểm xã hội, thủ tục về đầu tư - xây dựng cũng có sự cải thiện liên tục nhờ sự vào cuộc của các cấp thực thi. Song những cải thiện này đang chậm hơn kỳ vọng của doanh nghiệp, thậm chí không theo kịp nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến gia tăng mạnh trong năm 2020.

 Khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính đất đai. Nguồn: VCCI

Khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính đất đai. Nguồn: VCCI

Các doanh nghiệp đang thấy những quy định, văn bản với nội dung “dễ cho cơ quan quản lý, khó cho doanh nghiệp”; đang thấy tính minh bạch trong chính sách thuế giảm đi, các khoản chi phí không chính thức trong lĩnh vực xây dựng tăng lên; tiếp cận vốn tín dụng trong năm 2020 gặp khó dù Chính phủ có khá nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Đặc biệt, lĩnh vực đăng ký bất động sản và quản lý đất đai dù được ghi nhận là đã cải thiện khá tốt trong năm 2018-2019, nhưng lại khó hơn trong năm 2020. Trong phần này, các doanh nghiệp nói thời gian giải quyết hồ sơ lâu hơn quy định, yêu cầu minh bạch thông tin về quản lý đất đai được đề ra nhiều năm, nhưng không có cải thiện trên thực tế.

Trong những lĩnh vực được ghi điểm cao hơn so với năm 2019 (gồm phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư, xuất nhập khẩu và thủ tục thuế), thì thứ hạng của bảo vệ nhà đầu tư và phá sản doanh nghiệp đang đội sổ.C

Cần một cơ quan giám sát cải cách

Công bằng mà nói, môi trường kinh doanh trong những năm qua đã có nhiều cải thiện. Điều này được ghi nhận bằng thứ hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế, đặc biệt qua hai trụ cột là cải cách về điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ môi trường kinh doanh dù có nhiều cải thiện nhưng những trở ngại làm khó doanh nghiệp thì vẫn còn. Nói như bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thì môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại với doanh nghiệp như: các điều kiện kinh doanh bất cập ở cấp luật; điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp; hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm; cơ chế một cửa chưa thực sự hiệu quả khi doanh nghiệp vẫn phải nộp kèm bản giấy, thiếu kết nối giữa các bộ ngành, hệ thống công nghệ thông tin bị nghẽn.

Đồng quan điểm, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định “Điều đáng nói là, dường như các vấn đề dễ làm thì chúng ta đều đã làm, những việc còn lại cần phải làm thì khó khăn hơn rất nhiều”, ông nói.

Còn theo Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu, các quốc gia ASEAN đều đang dốc sức trong cuộc đua tăng hạng toàn cầu. Đây là áp lực cải cách rất lớn với Việt Nam. “Việt Nam đã vào top 4 các nước trong khu vực, nhưng chất lượng giữa chúng ta với nhóm đứng đầu quá xa. Chúng ta đang ở vị trí 70 vươn lên top 10 là những nước chúng ta đang muốn bắt kịp thì khoảng cách là quá xa nên rất khó. Nỗ lực để chúng ta được lọt vào top đã khó, nỗ lực tiếp để ngang bằng với họ còn khó khăn vô vàn. Đây là thách thức rất lớn. Và thời điểm này cần thành lập cơ quan giám sát cải cách”.