>>> Cân nhắc kiểm soát lạm phát gắn với gói hỗ trợ

Đã có 44 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia gói hỗ trợ này, theo báo cáo của các NHTM. Song vì sao tiếp cận của doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế? Một trong những nguyên nhân theo ý kiến của các doanh nghiệp là nếu tiếp cận càng muộn, lãi suất vay trước hỗ trợ càng cao. Như vậy, lãi suất hỗ trợ cũng tự động bị trừ đi phần giá trị, doanh nghiệp vẫn chịu chi phí vay cao với lãi suất sau trừ hỗ trợ có thể lên tới 7%.

Tăng quy mô hỗ trợ

Theo như kế hoạch, đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất năm 2022 là hơn 16.000 tỷ đồng; Năm 2023 gần 24.000 tỷ đồng.

Việc phân bổ này thoạt nhìn là hợp lý do 2022 chỉ còn 6 tháng cuối năm nên quy mô và giá trị sẽ phải nhỏ hơn nguyên năm tới. Song thực tế điều này lại cũng có nghịch lý, bởi sau giai đoạn COVID-19 2 năm qua, doanh nghiệp khó khăn lớn, cần được hỗ trợ ngay để phục hồi. Chúng ta mất tới 6 tháng để triển khai từ chủ trương đến bắt tay thực tế, thì càng cần hỗ trợ nhanh để doanh nghiệp được “chớp thời cơ”, lấy lại thời gian đã mất.

Hơn nữa, đây chính là thời điểm doanh nghiệp cần được kích thích để tăng tốc vượt qua những thách thức “hơn cả kép” gồm áp lực lạm phát với giá chi phí và vận hành tăng (xăng dầu, nguyên liệu, logistic tăng cao, chi phí lương tăng áp dụng từ ngày 1/7 theo quy định mới…), nhiều rủi ro trong kinh doanh xuất hiện từ cả biến động thị trường quốc tế, đặc biệt các thị trường xuất khẩu, rủi ro tỷ giá… Bên cạnh đó, ngay trong nước lại bắt đầu có cảnh báo dịch tái bùng phát trở lại, khi các chủng Covid mới BA.4, BA.5 của Omicron đã xuất hiện.

Vì vây, NHNN cần xem xét đảo ngược quy mô gói hỗ trợ cho doanh nghiệp trong năm nay, xét trong nhu cầu vốn của doanh nghiệp vẫn đang rất lớn ở 6 tháng cuối năm và dư địa để bung gói hỗ trợ tín gộp trong dư địa tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu (14%) vẫn còn.

 Ngân hàng CSXH Phú Thọ triển khai, rà soát, hướng dẫn đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay. (Ảnh: Báo Phú Thọ)

Ngân hàng CSXH Phú Thọ triển khai, rà soát, hướng dẫn đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay. (Ảnh: Báo Phú Thọ).

Hạn mức tín dụng và cơ chế cho vay tín chấp

Hiện nay, một nút thắt doanh nghiệp gặp phải khi tiếp cận gói hỗ trợ là nhiều NH cũng không vội giải ngân, do họ đã cạn room tín dụng. NHNN chưa có động thái nào cho vấn đề này và trên thị trường, nhà điều hành vẫn đang giải quyết các bài toán ưu tiên để ứng phó lạm phát, tỷ giá qua những động thái hút tiền về bằng tín phiếu, bán dự trữ ngoại tệ, hỗ trợ thanh khoản cho một số ngân hàng cần thiết.

Theo nhiều định chế dự báo, NHNN có thể xem xét vấn đề room tín dụng vào tháng 8. Vẫn biết bài toán lớn của ngành NH gồm rất nhiều biến số, và nhà điều hành sẽ cân nhắc thời điểm nào để điều chỉnh phù hợp, song một “chốt chặn” không rõ (như Phó Thống đốc NHNN từng thông tin là chỉ có một vài tổ chức có thể đã cho vay cạn room), thì rất cần được phân tích cụ thể.

Theo đó, rất cần một cơ chế có tính ưu tiên cho những nga đã có kế hoạch giải ngân gói hỗ trợ 2% cụ thể, được ưu tiên về room tín dụng để tránh doanh nghiệp cần tiếp máu, cần được vay hỗ trợ, lại phải chờ đợi, vừa lỡ cơ hội kinh doanh vừa có thể rơi vào tình huống trên, khi nhận được lãi suất hỗ trợ thì phần hỗ trợ đã bị bù trừ ngang với lãi suất tăng thêm.

Cuối cùng, theo thông tin Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, "Đối tượng cho vay là những doanh nghiệp có thể đáp ứng điều kiện tín dụng bình thường. Doanh nghiệp có khả năng phục hồi". Việc đáp ứng điều kiện tín dụng bình thường để đảm bảo chất lượng tín dụng đã được NHNN khẳng định nhiều lần, và đặt trong bối cảnh nợ xấu tăng lên sau Thông tư 14, cần thiết để đảm bảo sức khỏe hệ thống có khả năng chống chịu với nợ xấu.

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có khả năng phục hồi có “độ mở” rất rộng. Với những doanh nghiệp trong nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách nhưng không có tài sản hay dự án lớn để đảm bảo khoản vay, song có khả năng phục hồi thật sự xét trên lực lượng lao động, kết quả kinh doanh trước dịch và kế hoạch phục hồi (như nhóm du lịch), nên được NHNN lưu tâm với các TCTD về một cơ chế vay có thể ưu tiên theo hướng tín chấp, giải ngân khoản nhỏ để bổ sung lưu động theo từng giai đoạn, nhằm “tiếp máu” cho doanh nghiệp đúng với ý nghĩa hỗ trợ phục hồi.