Ảnh minh họa.

Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu: Thứ nhất là nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm ba tháng. Thứ hai, nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, nam 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm bốn tháng.Thời gian tăng bắt đầu từ năm 2021.

Mặc dù, việc sửa đổi trên sẽ được đưa vào Bộ luật Lao động năm 2012 để trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới. Nhưng, theo các chuyên gia lao động dù áp dụng phương án nào thì vẫn phải dựa trên tình hình thực tế và theo ý kiến số đông. Tức là cần tính toán kỹ tất cả các yếu tố như: độ tuổi, giới tính, nhóm nghề nghiệp, trung bình tuổi thọ, thời điểm tăng...

Nhìn ra các nước trong khu vực thì thấy tuổi nghỉ hưu của Việt Nam hiện nay cũng chỉ ở mức trung bình. Chẳng hạn như ở Nhật Bản hiện nay, tuổi nghỉ hưu được tính là 65 tuổi cho cả nam và nữ. Nhưng tỷ lệ sinh đẻ ngày càng thấp đồng thời tình trạng lão hóa dân số diễn biến nhanh, khiến nước này đang phải đối phó với vấn đề thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Chính phủ Nhật Bản đang tính toán tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo quỹ BHXH. Năm ngoái, một nhóm các bác sĩ Nhật Bản đề xuất chính phủ nước này nâng tuổi nghỉ hưu lên tới 75 tuổi.

Trở lại với câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam, ở bối cảnh hiện nay, việc tăng là hợp lý nhưng tăng như thế nào? Tăng ở nhóm lao động nào mới là điều đáng bàn. Đơn cử, những người có trí tuệ, được đào tạo bài bản, có khả năng đóng góp thì việc kéo dài tuổi nghỉ hưu của họ sẽ có lợi cho xã hội. Quy định tuổi nghỉ hưu như hiện nay sẽ gây ra tình trạng lãng phí chất xám.

Nói về thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án tính từ năm 2021, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn thuộc Tổng LĐLĐ cho rằng, Ban soạn thảo cần cân nhắc việc tăng tuổi nghỉ hưu vào thời điểm này. Bởi phần lớn ý kiến đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu thuộc bộ phận làm việc trong các cơ quan nhà nước, những người làm công tác nghiên cứu. Còn 90% người lao động trong KCN, lao động phổ thông lại không đồng ý việc tăng tuổi nghỉ hưu.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, những người có chức, có quyền, trừ những trường hợp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần sử dụng cán bộ lãnh đạo có chuyên môn cao, còn cơ bản các giám đốc hoặc các bệnh viện, nhà trường, đến tuổi nghỉ hưu là nghỉ hưu.

“Việc nâng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian tham gia BHXH là rất cần thiết nhưng phải có thời điểm, có lộ trình và phải đi theo từng nhóm lao động, không phải là năm 2021 mà nên kéo dài đến năm 2025 thậm chí là 2030. Làm được như vậy, cung lao động của chúng ta sẽ được cân đối.” ông Lợi nói.