>> Lạm phát và thắt chặt tiền tệ: Chiến lược thích ứng của doanh nghiệp Việt

Rủi ro thanh khoản

Trong bối cảnh nhiều bất ổn bao vây, ngày càng nhiều quốc gia phải đối mặt với những thách thức về tăng trưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, khoảng 60% các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã trở thành con nợ có rủi ro cao, hàng tá công ty có thể vỡ nợ trong 12 tháng tới.

Hiện nay các doanh nghiệp trong nền kinh tế đang rất nguy cấp về câu chuyện nợ nần lẫn nhau Ảnh: Quốc Tuấn

Hiện nay các doanh nghiệp trong nền kinh tế đang rất nguy cấp về câu chuyện nợ nần lẫn nhau. Ảnh: Quốc Tuấn

Ông Hippolyte Fofack, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Xuất nhập khẩu Afreximbank nhận định, không giống như các nền kinh tế tiên tiến, sau sự xuất hiện của Covid-19 đã khuyến khích tăng trưởng nhanh chóng trở lại, thì các nền kinh tế đang phát triển lại bị hạn chế bởi thiếu không gian tài chính, tiền tệ. Các quốc gia này phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế từ cuộc khủng hoảng Ukraine và khả năng quay trở lại tỷ lệ tăng trưởng như trước đại dịch trong thời gian ngắn là rất khó.

Đặc biệt, dòng tiền mà các nền kinh tế đang phát triển nhận được từ thị trường trái phiếu toàn cầu hay các ngân hàng vẫn ở mức thấp. Theo ước tính gần đây của Viện Tài chính Quốc tế, các khoản nợ có chủ quyền của họ chiếm chưa đến 30% tổng nợ công toàn cầu. Chưa kể, nhiều quốc gia thu nhập thấp không thể tiếp cận thị trường vốn quốc tế và đối mặt với những hạn chế về thanh khoản nghiêm trọng, có thể dẫn đến khủng hoảng khả năng thanh toán.

Hiện nay, các ngân hàng trung ương có không ít lo ngại về sự chênh lệch lớn giữa các nền kinh tế tiên tiến và đang phát triển. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương lớn khác thắt chặt điều kiện tài chính đã làm trầm trọng thêm thách thức quản lý kinh tế vĩ mô ở nhiều nước, làm gia tăng sự biến động tỷ giá hối đoái, tăng rủi ro thanh khoản.

Đối với các quốc gia thiếu sự bảo vệ của các ngân hàng trung ương, lãi suất đi vay có thể làm suy yếu sự ổn định kinh tế vĩ mô và làm giảm nguồn cung vốn trong trung và dài hạn. Nếu không đảm bảo được nguồn vốn, các nền kinh tế đang phát triển sẽ không thể trải qua sự chuyển đổi cần thiết, để phá vỡ mối tương quan tiêu cực giữa tăng trưởng và chu kỳ giá cả hàng hóa.

Vị chuyên gia từ Afreximbank khuyến nghị, về dài hạn, giải pháp bền vững nhất cho các cuộc khủng hoảng thanh khoản là phát triển thị trường vốn trong nước sâu rộng, hiệu quả và được điều tiết tốt. Các thị trường có sự tích hợp cao sẽ giúp xây dựng đường cong lãi suất phù hợp nhằm cải thiện các quyết định đầu tư. “Thế giới đã có những công cụ hiệu quả, đã được thử nghiệm tốt để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng thanh khoản tái diễn, đây là điều kiện tiên quyết để xây dựng các thị trường tích hợp này”.

>> Áp lực lãi suất và thanh khoản

Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định, kinh tế vĩ mô là kết quả quan trọng trong điều hành kinh tế 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của hậu dịch bệnh COVID-19 và tình hình địa chính trị quốc tế, áp lực lạm phát, giá nguyên vật liệu tăng...

Đến nay, lạm phát chi phí đấy đã vào rồi và mặt bằng giá cả đã lên thì hãy quay trở lại ưu tiên mục tiêu tăng vốn cho nền kinh tế

Sau lạm phát chi phí đẩy  và mặt bằng giá cả đã lên, theo chuyên gia, cần quay trở lại ưu tiên mục tiêu tăng vốn cho nền kinh tế. Ảnh: Quốc Tuấn

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó viện trưởng viện Chiến lược, NHNN đánh giá, Chính phủ Việt Nam hiện đang cố gắng cân bằng giữa hai mục tiêu kiểm soát lạm phát và giữ được nhịp tăng trưởng để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế lại đang xảy ra mâu thuẫn, cụ thể là mặt bằng giá cả thị trường đã hoàn toàn mới, không như những dữ liệu được công bố từ Tổng cục Thống kê. Bản chất của lạm phát đã được nhập khẩu vào Việt Nam để thiết lập mặt bằng giá mới, vậy tại sao cơ quan điều hành vẫn còn lấn cấn trong câu chuyện về vốn cho phục hồi tăng trưởng?

“Nếu lấy quan điểm nghiêng mạnh về mục tiêu ưu tiên thì cũng không ổn và ngược lại đẩy mạnh vốn ra thì có thể kéo thêm câu chuyện lạm phát. Nhưng theo quan điểm của tôi, tình hình hiện nay đã khác so với thời kỳ bùng lạm phát năm 2011 do tích tụ tăng trưởng nóng tín dụng từ 2007 và việc sử dụng công cụ điều hành thời điểm đó cũng không nhuần nhuyễn như bây giờ.

Đây là một bài toán đòi hỏi cân bằng giữa hai vấn đề để có một kịch bản chuyên nghiệp, bằng dữ liệu chính xác của nền kinh tế, chứ không phải dựa vào những vấn đề mang tính chất võ đoán”, ông Hoè nói.

Vị chuyên gia cũng chia sẻ thêm, theo điều tra khảo sát của công ty Atradius cung cấp bảo hiểm về tín dụng thương mại cho rằng, 58% tổng giao dịch của các doanh nghiệp với nhau (B2B) thực hiện theo hình thức trả chậm và 48% số hóa đơn đỏ đã bị quá hạn. Hiện nay các doanh nghiệp trong nền kinh tế đang rất nguy cấp về câu chuyện nợ nần lẫn nhau. Thậm chí có  tới 6% nợ xấu ở những doanh nghiệp thương mại, xuất nhập khẩu không thể thu hồi được.

Mặt khác, lạm phát do chi phí đẩy vào Việt Nam đã khiến giá nguyên vật liệu đều cao tăng 20 - 30%, cộng với các chi phí về logistics, vận chuyển đều đội lên rất cao, điều đó bắt buộc lượng vốn cho doanh nghiệp phải tăng lên. Vấn đề nguy hiểm là doanh nghiệp không đủ năng lực để phục hồi, không đi vay được ở kênh tín dụng chính thức, phải đi vay ngoài phải để có tiền vận hành hoặc phải tăng nợ đọng các bạn hàng, đối tác, cuối cùng dẫn đến câu chuyện bị đình trệ. Minh chứng rõ nhất là số liệu của Tổng cục Thống kê vừa qua cho thấy, 7 tháng đầu năm có gần 95.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7% so với cùng kỳ.

“Trong khi bài toán chúng ta đặt ra hai mục tiêu là phải cứu doanh nghiệp và ổn định vĩ mô kiểm soát lạm phát. Quan sát của tôi thấy rằng, các cơ quan sử dụng hai công cụ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ vẫn đang nghiêng rất lớn về câu chuyện kiểm soát lạm phát. Đến nay, lạm phát chi phí đẩy đã vào rồi và mặt bằng giá cả đã lên thì hãy quay trở lại ưu tiên mục tiêu tăng vốn cho nền kinh tế.

Một điểm nữa là, Bộ Tài chính đã công bố số liệu gần đây nhất về con số 43.000 tỷ đồng giãn thuế và 36.000 tỷ đồng miễn giảm, nhưng việc giãn thực chất là nợ thuế và nghĩa vụ sau này vẫn phải trả nợ. Vậy chúng ta nên tiếp tục sử dụng công cụ về chính sách tài khóa để giảm thuế, như giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá xăng dầu, để đưa câu chuyện giảm giá nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp một cách thiết thực. Chính sách cần phải đồng bộ thì mới đạt được hiệu quả cao cho nền kinh tế”, ông Phạm Xuân Hoè nhấn mạnh.