Những câu hỏi đó theo lời ông Vũ Tiến - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đang được cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đặt ra cho Chính phủ.

Nỗ lực không mệt mỏi

Cần khẳng định rằng, thực tế, từ 2014 đến 2018, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Chỉ trong 5 năm, Việt Nam đã tăng 30 bậc về năng lực cạnh tranh. Nhưng như nhận định của nhiều chuyên gia thì Việt Nam mới chỉ tiến bộ hơn so với chính mình. Trải qua 5 năm thực hiện Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh vẫn còn hàng loạt vấn đề cần đặt ra.

Phải khẳng định rằng trong năm 2019, hầu hết các bộ đều đã ban hành được Nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý. Các điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hoá của nhiều bộ vượt mức 50%.

Những nỗ lực này, theo ông Tuấn đã mang lại hiệu quả khá tích cực và được  các doanh nghiệp phản ánh ngay qua các kết quả điều tra. Nếu như năm 2017 có 58% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện thì năm 2018 đã giảm xuống chỉ còn 48%. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép cũng giảm từ 42% xuống còn 34%. 

“Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận thì với 48% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh vẫn ở mức cao. Vì nếu nhân con số này với hơn 714 nghìn doanh nghiệp hiện nay thì tức là có đến gần 350 nghìn doanh nghiệp vẫn phải xin một loại giấy phép con nào đó”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế quản lý Trung Ương lại cho rằng: Quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh ở thời điểm hiện tại đang chững lại, mô hình Tổ công tác của thủ tướng về cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thành công

Sự chững lại của cải cách cũng được nhóm nghiên cứu của VCCI đề cập tại báo cáo đầy đủ. Cụ thể, trong 13 báo cáo Doing Business, từ 2009 đến 2020, Việt Nam có 33 cải cách được ghi nhận. Trong đó, hai năm có nhiều cải cách nhất là Doing Business 2016 và Doing Business 2018 với 5 cải cách mỗi năm. Hai năm trở lại đây, số lượng cải cách được ghi nhận giảm xuống chỉ còn 3 cải cách năm của Doing Business 2019. Năm nay, Doing Business 2020 tiếp tục ghi nhận cải cách duy nhất của Việt Nam ở lĩnh vực nộp thuế và tiếp cận tín dụng.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện nhưng dường như doanh nghiệp vẫn chưa được thụ hưởng kết quả mà quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh mang lại. Nói như ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh: “Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc tiếp cận đất đai vô cùng khó. Các chính sách liên quan đến đất đai tồn tại trong các như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng còn nhiều chồng chéo, làm khó doanh nghiệp”.

Các chuyên gia cho rằng, những xung đột này sẽ khiến doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, đi lại mất nhiều thời gian, nộp nhiều loại hồ sơ giống nhau cho các cơ quan nhà nước khác nhau khiến chi phí tốn kém. Đặc biệt, trong quá trình thực thi, doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh kiểm tra, mà nhiều doanh nghiệp cho biết “kiểu gì cũng sai”… dẫn đến rủi ro cao về vi phạm pháp luật.

Nhiều chuyên gia khẳng định, chi phí tuân thủ pháp luật và các điều kiện kinh doanh đều do hoạt động lập pháp, lập quy đẻ ra. Vì vậy, cải tiến quy trình lập pháp, xác lập kỷ luật cho việc đề ra các quy phạm, các điều kiện kinh doanh là rất cần thiết.

Hướng đến phát triển bền vững

Thừa nhận nền kinh tế đang có nhiều tín hiệu thuận lợi để tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới, nhưng theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), việc đặt mục tiêu tăng trưởng cao có thể sẽ tạo áp lực tăng trưởng trong ngắn hạn, nên với mức tăng trưởng “bình thường” theo như lời của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, sẽ tạo điều kiện cho những dư địa cải cách theo chiều sâu.

Tập trung vào những kết quả sẽ đạt được sau đó, từ đó đặt nền tảng tốt hơn cho những năm sau là việc làm cần thiết lúc này. Bởi theo ông Cung, nếu có những cải cách toàn diện, sâu rộng hơn, thì chắc chắn bức tranh kinh tế năm 2020 sẽ có nhiều điểm sáng hơn so với 2019.

Thực tế, những khó khăn, thách thức của năm 2019 cũng là những thách thức không mới đã được nhận diện. Đó là các vấn đề liên quan đến điểm yếu nội tại của nền kinh tế, từ mô hình kinh tế chủ yếu dựa trên lao động giá rẻ, trình độ công nghệ thấp; đất đai, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, trong khi hiệu quả
sử dụng chưa tăng đáng kể… Để thúc đẩy GDP tăng trưởng cao, những nỗ lực cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh để tạo đột phá trong huy động các nguồn lực, giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, kinh doanh cần phải được tiếp tục thực hiện với quyết tâm lớn hơn.

Mục tiêu tăng trưởng năm 2019 đạt 6,8% đến thời điểm này đã vượt qua. Tuy nhiên, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng năm 2020 tới 6,8% để tạo nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững hơn trong những năm tiếp theo.

Mục tiêu này của người đứng đầu Chính phủ một lần nữa cho thấy quyết tâm cao hơn của Chính phủ trong điều hành, sẵn sàng đối đầu với khó khăn, thách thức, nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN, để từ đó tiếp sức cho GDP tăng trưởng cao.

Và đặc biệt, hứng khởi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp là điểm sáng tích cực nhất ghi nhận hiệu quả từ những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ các khó khăn, rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh. Đây chính là động lực, mà theo nhiều tổ chức nghiên cứu kinh tế, sẽ tạo đà thuận lợi để nền kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2020.